Dịch Covid-19: Những con phố món ngon Sài Gòn vắng tanh, bán mang về cũng ế

25/05/2021 20:06 GMT+7

Dịch Covid-19 , hàng quán trong các khu phố ẩm thực TP.HCM đóng cửa hoặc treo thông báo chỉ bán mang về. Vì vậy, các khu phố ẩm thực, món ngon Sài Gòn vốn tấp nập khách nay vắng tanh, một số quán dù biết ế vẫn mở giữ khách.

Từ 0 giờ ngày 22.5, để phòng dịch Covid-19, TP.HCM tạm dừng hình thức phục vụ tại chỗ đối với các hộ gia đình hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Do đó, một số khu nổi tiếng với tên gọi "phố ẩm thực Sài Gòn" đìu hiu, vắng vẻ, hàng quán ế ẩm. 

Trung tâm TP.HCM sau 1 năm Covid-19: Cơn "phong ba" 30 năm chưa từng thấy

Nếu như bình thường, từ 15 giờ, khu phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ ở chợ hoa lớn nhất TP.HCM đã bắt đầu nhộn nhịp với hơn 100 gian hàng bán đủ đồ ăn vặt mang hương vị của các địa phương khác nhau, thì nay, cả khu phố này trở nên rộng thênh thang, chỉ lác đác vài bóng xe qua lại. 

Vài hàng quán mở bán mang về tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ

Ảnh: Vũ Phượng

Khu phố ẩm thực nhộn nhịp với hơn 100 gian hàng nay hiu hắt

Ảnh: Vũ Phượng

Cả con đường ẩm thực giờ chỉ còn vài quán nước ở phía trong nhà bán mang về. Gần đó, hai quán lẩu bò cũng in tấm biển thông báo to "Do tình hình dịch bệnh, quán tạm ngưng phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về". 
Nhân viên quán lẩu Hoàng Thu cho biết, nhiều hàng quán tại con hẻm ẩm thực Hồ Thị Kỷ đã dừng bán từ khi con hẻm bị phong tỏa vào ngày 7.5 vì có ca tái dương tính Covid-19 từng ghé ăn. Gần đây, sau khi có yêu cầu của UBND TP, phường đến tận quán đưa văn bản hướng dẫn chỉ được bán mang về nên quán đi làm thông báo để ngay đầu hẻm cho khách nắm thông tin. 

Quán lẩu cho nhân viên nghỉ luân phiên vì giờ chỉ phục vụ bán mang về

Ảnh: Vũ Phượng

"Cũng có khách tới mua mang về chứ không tới nỗi ế, nhưng so với bán tại chỗ thì khách giảm khoảng 80%. Nhân viên chúng tôi được về quê nghỉ luân phiên, ai còn ở lại đây thì chủ quán nuôi cơm, ngày ăn mấy bữa cũng được", nam nhân viên nói. 

Tối 25.5: Kỷ lục 287 ca Covid-19, trong ngày ghi nhận tới 447 bệnh nhân

Một phố ẩm thực khác của Q.10 nằm trên đường Bà Hạt, khu Kỳ đài Quang Trung vừa khai trương vào cuối năm 2020 cũng trong tình cảnh tương tự. Phố ẩm thực này gồm có 49 gian hàng, bao gồm 29 gian hàng ẩm thực và 20 gian hàng mua sắm và ẩm thực với diện tích từ 4,5 - 6 m2/gian hàng, cùng một khu ăn uống tập trung rộng khoảng 300m2
Tuy nhiên, để phòng dịch Covid-19, khu phục vụ ăn uống này tạm nghỉ. Theo ghi nhận của PV, khu vực sân phục vụ ăn uống được lót gạch sạch sẽ, nhiều giây giăng đèn sáng trưng thì nay những đèn này được tắt, sân phục vụ giữ xe, không hàng quán nào mở bán.

Phố ẩm thực trong khu Kỳ đài Quang Trung tạm nghỉ thay vì bán mua mang về

Ảnh: Vũ Phượng

Đèn phục vụ khu ăn uống không được mở, sân ăn uống nay cũng để giữ xe cả buổi tối

Ảnh: Vũ Phượng

Một người giữ xe tại đây nói: "Khu vực này thông thường giữ xe đi chợ, đến 17 giờ thì bàn giao lại cho các hàng quán ăn của phố ẩm thực để họ sắp xếp bàn ghế. Nay có dịch, hàng quán tạm ngưng nên xe vẫn để tạm ở đây".
Tại hẻm chợ 200 Xóm Chiếu - con hẻm từng phong tỏa vì có ca nghi nhiễm Covid-19 đến một quán ăn, sau đó, người này được xác định âm tính nên hẻm chợ được dỡ phong tỏa. Nhiều người buôn bán trong chợ vui mừng vì ban ngày chợ được hoạt động trở lại, tối đến, chủ hàng quán ẩm thực bày biện để phục vụ khách ăn uống.

Phố ẩm thực hẻm 200 Xóm Chiếu buôn bán trở lại khi được gỡ phong tỏa. Chấp hành yêu cầu phòng dịch, các hàng quán đều chuyển sang bán mang về

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Đặng Nguyễn Uyên Linh (40 tuổi, bán bánh bèo) cho biết, từ khi được mở lại phong tỏa để bán trở lại cũng là khi TP.HCM có yêu cầu hàng quán không được phục vụ tại chỗ. Bà chủ quầy bánh bèo chia sẻ: "Tôi bán ở đây được hơn 2 năm, giờ được mở bán lại là mừng rồi, khách đến mua giảm một nửa so với trước kia nhưng vậy vẫn vui. Hàng quán vẫn được bán để duy trì, trang trải tiền mặt bằng và các chi phí khác, chứ không bán giờ biết làm gì".

Ảnh: Vũ Phượng

Sát bên, ông chủ quán hủ tiếu Nam Vang Hải Sỉn bán 18 năm ở hẻm 200 Xóm Chiếu cũng cho biết, từ khi quán mở lại sau phong tỏa chỉ bán mang về, một số khách đến muốn được ăn tại chỗ ông đều thuyết phục khách mua mang về để chung tay phòng dịch.

Hàng quán chấp hành yêu cầu, mong dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để cuộc sống trở lại như trước

Ảnh: Vũ Phượng

"Phong tỏa 1 lần rồi, cả khu nghỉ hết nên tôi cũng sợ, lỡ mình bệnh cái là lây cho bao nhiêu người đâu biết được, chưa kể bị phạt nên thôi cứ bán mang về vầy cho chắc, khách giảm một nửa nhưng mà yên tâm về sức khỏe", ông bày tỏ.
Con phố ẩm thực Vĩnh Khánh vốn đông đúc xe qua lại, hàng quán buôn bán nhộn nhịp thì nay cũng ảm đạm trong cơn mưa tối. Nhiều hàng quán ở phố ẩm thực Vĩnh Khánh đã đóng cửa, bàn ghế xếp đống ở góc quán, một số hàng mở bán thì treo biển mua mang về, nhưng vắng khách, chỉ một quán cơm có khách xếp hàng đứng chờ tới lượt mua mang về.

Con phố nhộn nhịp hàng quán, khách khứa nay vắng ảm đạm

Ảnh: Vũ Phượng

Các quán trong khu ẩm thực Vĩnh Khánh đều chuyển sang bán mang về

Ảnh: Vũ Phượng

Nhiều hàng quán đóng cửa, người dân cũng hạn chế ra đường khiến cho con phố ẩm thực càng thêm vắng

Ảnh: Vũ Phượng

Chủ quán Ốc Oanh mở 10 năm ở phố ẩm thực Vĩnh Khánh cho hay, bình thường quán phải thuê đến 3 khu để bày bàn ghế đón khách nhưng nay cũng phải dọn hết để phòng dịch. Thông thường, 13 giờ mọi người bắt đầu dọn ra đón khách thì nay 15 giờ mới dọn hàng, khách tới hỏi mua lai rai, khách mua qua các ứng dụng giao hàng cũng không nhiều.
Nhận xét về lượng khách so với ngày thường, bà chủ quán cười trừ: "Bình thường 10 phần thì nay chỉ 1-2 phần, nhưng vẫn phải mở để bán cho khách quen, trang trải tiền mặt bằng. Dù sao thì năm ngoái cả khu phố ẩm thực này cũng đóng 1 lần rồi nên lần này không quá hoang mang".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.