Đi làm hay ở nhà sướng hơn?

26/01/2016 10:13 GMT+7

Tôi lập gia đình, làm dâu, hằng ngày vợ chồng đi làm, mẹ chồng tôi ở nhà nội trợ. Cuộc sống cũng không đến nỗi khó khăn về kinh tế hay khắc nghiệt về ăn ở, nhưng…

Tôi lập gia đình, làm dâu, hằng ngày vợ chồng đi làm, mẹ chồng tôi ở nhà nội trợ. Cuộc sống cũng không đến nỗi khó khăn về kinh tế hay khắc nghiệt về ăn ở, nhưng…

Dù mệt nhoài nhưng khi về đến nhà tôi cũng tích cực phụ mẹ chút việc nhà, cho mẹ vui - Ảnh minh họa: ShutterstockDù mệt nhoài nhưng khi về đến nhà tôi cũng tích cực phụ mẹ chút việc nhà, cho mẹ vui - Ảnh minh họa: Shutterstock
Tôi làm văn phòng cho một công ty nhỏ. Công việc không quá vất vả, nhưng nói nhàn hạ thì chẳng phải. Trong tháng, có những dịp cao điểm nhập hàng hóa vào kho, phải đi sớm về trễ, ít nhiều gặp áp lực chung. Chồng tôi kém may mắn hơn, anh phải nỗ lực rất nhiều để có thể trụ lại trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Thế nhưng, điều khiến tôi mệt mỏi nhất, có lẽ không phải là chuyện ra ngoài làm lụng kiếm sống, mà chính là thái độ của mẹ chồng…
Mẹ tuyên bố, đi làm… sướng muốn chết, có gì mà phải kêu ca! Mẹ thường bảo thế khi thấy chúng tôi về nhà, mặt mũi bơ phờ, than mệt, than oải, than căng thẳng xì-trét. Theo ý mẹ, thiên hạ đầy người đi làm, nào riêng gì vợ chồng tôi đâu, mà phải quan trọng hóa vấn đề.
Đi làm, có gì đâu mà vất vả, ở nhà mới cực. Câu nói này, tôi nhiều lần nghe mẹ than với bà con, chòm xóm. Thì quả là việc nội trợ trong gia đình vốn không tên, lắt nhắt, làm mãi không hết. Mẹ thích bày biện, cầu toàn, ôm đồm, sợ người khác đụng vô thì chẳng vừa ý, nên suốt ngày bận rộn. Thế nhưng lý lẽ như mẹ về người đi làm, quả khiến vợ chồng tôi luôn cảm thấy như mình đang có phước mà không biết hưởng, tựa hồ mắc lỗi gì với mẹ vậy.
Tuy ở nhà trông nom gia đình, nhưng dường như mẹ hay cố tình chừa việc lại, đợi con dâu đi làm về thanh toán. Có đâu mà đi làm về rồi tự cho mình cái quyền ở không ăn sẵn, coi sao được. Tôi tình cờ nghe mẹ chia sẻ với chị hàng xóm như thế. Cứ như thể, được đi làm là… cái tội của tôi vậy! Thậm chí, tôi cũng không dám mặc đồ đẹp hay trang điểm nhẹ khi đi làm, bởi sợ mẹ nghĩ ngợi, cho rằng tôi chưng diện, đua đòi, càng khắc sâu trong suy nghĩ của mẹ quan điểm “đi làm sướng thật”, thêm phiền...
Tôi có thắc mắc với chồng, và được anh trấn an rằng, tính mẹ vốn vậy, chứ không phải ghét bỏ gì dâu con. Từ nào giờ mẹ chưa từng đi làm, chỉ chuyên quanh quẩn ở nhà lo chợ búa, cơm nước. Mẹ tủi thân vì phải cầm đồng tiền “bố thí” của chồng con, chữ mà mẹ hay dùng. Mẹ thèm được sống độc lập, tự chủ tiền nong, không phải giải trình đã mua gì chi gì, cơm đong gạo rót… Ba chồng tôi ngày còn sống luôn bị mẹ cằn nhằn là “đã được đi làm sướng muốn chết, về nhà còn nằm khểnh đó coi tivi à?”, “ông chỉ biết mỗi việc đi làm, chứ được tích sự gì đâu”. Với mẹ, được ra ngoài xã hội, giao tiếp, kiếm tiền, gặp gỡ người này người nọ, tiệc tùng hàng quán, đấy là hạnh phúc hơn hẳn so với người luôn phải ở trong xó bếp, ngày nào cũng như ngày ấy, tẻ nhạt, chán chường…
Hiểu rõ lý do, tôi cũng thấy thương mẹ nhiều hơn. Hóa ra mẹ cả đời chịu nhiều ấm ức, nên suy nghĩ có phần khác biệt, nghĩ kỹ rất tội. Bởi vậy, dù có mệt nhoài, tôi về đến nhà cũng gắng giữ thái độ tươi tỉnh, vui vẻ. Bữa ăn do mẹ nấu, vợ chồng tôi chịu khó khen ngon, vừa miệng. Lại tích cực phụ mẹ chút việc nhà, cho mẹ vui. Nhắc mẹ nên siêng ra ngoài thăm thú bà con, họ hàng, dành thời gian ngủ nghỉ… Thế nhưng, mẹ không nhìn thấy thiện ý của con dâu, mà quay ra nghi ngờ, rằng tôi đi làm chắc sung sướng lắm, nên về nhà vẫn còn phởn phơ như vậy!
Tôi nhớ ngày mình vừa tốt nghiệp, lòng đầy háo hức, chỉ muốn kiếm việc ngay và luôn, cảm giác thích chứng tỏ bản thân. Niềm vui cầm đồng tiền tự tay kiếm được khiến cho mình cũng rất tự tin, mãn nguyện. Thế nhưng, cảnh đi làm trên đe dưới búa, sếp đồng bóng bất công hay đì nhân viên, đồng nghiệp xấu nết dèm pha ganh ghét, công việc triền miên nối dài không có kết thúc… chắc nhiều người không cần tả cũng có thể hình dung ra. Thậm chí bị nợ lương, quỵt tiền hoặc xúc xiểm cá nhân, cũng là chuyện thường gặp. Chịu đựng tất cả nhọc nhằn vì miếng cơm manh áo cả thôi. Những điều thực tế ấy, tôi đâu thể kể khổ hoặc thẳng thắn phân tích đúng sai với mẹ chồng. Tôi chỉ còn cách gắng gần gũi mẹ, hy vọng mẹ hiểu và thương con trai, con dâu nhiều hơn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.