Đi chợ quê 'chính hiệu' châu Âu trong lòng thành phố

30/07/2016 13:40 GMT+7

Vậy mà ở châu Âu, tôi được chứng kiến những điều hoàn toàn khác. Ở giữa lòng bất cứ thành phố nào cũng có chợ nông dân!

Ngày còn bé, vào các ngày cuối tuần hoặc cuối tháng, thỉnh thoảng tôi vẫn được theo bà theo mẹ đi chợ phiên. Những buổi chợ phiên thường rất nhộn nhịp và đông đúc, với bao nhiêu rau quả tươi xanh, cá mới bắt, thịt mới mổ, lại biết bao thức quà vặt thật ngon. Tiếng chào mời, tiếng mặc cả lẫn với tiếng gà tiếng vịt rộn ràng biết bao âm thanh thân thương của cuộc sống.

tin liên quan

Về cầu ngói Thanh Toàn, đi chợ quê ngày hội
(iHay)  Phiên chợ “Chợ quê ngày hội” bên cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) mô tả một cách sinh động không khí của phiên chợ xưa.
Dần dần, những phiên chợ được thay thế bởi những khu chợ mới xây khang trang hơn, hoặc những khu siêu thị đồ sộ hoành tráng hơn. Hoặc dù vẫn còn đâu đó, các bà các mẹ ra chợ với biết bao nghi ngại, rau này có sạch không, cá này có bị nhiễm khuẩn không, quả nào không “ngậm” thuốc? Chúng ta tìm đến siêu thị với hi vọng uy tín của họ sẽ đảm bảo hơn cho chất lượng và an toàn thực phẩm, mặc dù giá cả ở siêu thị bao giờ cũng đắt hơn ở chợ phiên.
Những sản phẩm tiêu biểu thường thấy ở chợ nông dân Pháp là rau củ, hoa quả...

Vậy mà ở châu Âu, tôi được chứng kiến những điều hoàn toàn khác.
Ở giữa lòng bất cứ thành phố nào cũng có chợ nông dân! Họ gọi đây là chợ nông dân bởi thực phẩm/sản phẩm được bán trực tiếp từ nhà sản xuất, chứ không qua bất cứ một tổ chức trung gian nào. Vì thế, khi mua đồ ở chợ, bao giờ độ tươi ngon cũng hơn hẳn ở siêu thị. Đặc biệt hơn nữa, giá cả hàng hoá có thể ngang bằng hoặc cao hơn, chứ ít khi rẻ hơn ở các siêu thị.

Các thành phố có thể có những ngày họp chợ khác nhau, nhưng thường rơi vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và Chủ nhật. Khi đó, các con đường ở trung tâm thành phố thường được ngăn để cấm xe ô tô, vỉa hè được dành cho người nông dân bày biện hàng hoá của mình.
Những sản phẩm tiêu biểu thường thấy ở chợ nông dân Pháp là rau củ, hoa quả, xúc xích, phô-mai, bánh mì (ôi bánh mì baguette & sừng bò tuyệt ngon), thịt, cá và những đặc sản địa phương hoặc những thực phẩm chế biến tại nhà (home-cooked) như mứt, mật ong, ô-liu muối và rượu hoa quả - đó là những sản phẩm ngon nhất và giá trị nhất của chợ.
Mùa nào thức nấy, nên thích nhất vẫn là những phiên chợ vào mùa xuân và mùa hè, khi các gian hàng tràn ngập rau xanh và hoa quả. Và hoa, rất nhiều hoa đẹp phảng phất hương đồng gió nội. Tôi vẫn không thích mua hoa ở các cửa hàng hoa chuyên nghiệp bằng ở quầy bán hoa vườn nhà của các bác nông dân.
Chợ nông dân là một phần không thể thiếu của truyền thống ẩm thực lâu đời của nước Pháp, là một trải nghiệm chân thực cho bất kỳ người nước ngoài nào thăm thú hay sinh sống tại đây.
Vốn người Pháp lãng mạn và yêu cái đẹp, nên trong vườn rau của họ bao giờ cũng trồng thêm ít hoa. Khi mùa xuân đến, trăm hoa đua nở, các bác nông dân thường cắt bớt để mang ra chợ bán vào cuối tuần; và vì thế, thường hoa của các bác rất rẻ, chỉ 3e (tương đương 75 ngàn tiền Việt), tôi đã có thể mua được một bó hoa to để ngắm suốt cả tuần.
Đối với những người nước ngoài như tôi, việc lang thang giữa chợ nông dân không chỉ để mua được những đồ ăn thức uống tươi ngon cho cả gia đình, mà còn là một thú vui giản dị, khi hoà mình vào cuộc sống thường nhật của người Pháp.
Chợ nông dân là một phần không thể thiếu của truyền thống ẩm thực lâu đời của nước Pháp, là một trải nghiệm chân thực cho bất kỳ người nước ngoài nào thăm thú hay sinh sống tại đây.
Đi chợ, cũng là một cách học giao tiếp và cư xử chân thực “kiểu Pháp”. Chợ thường đông, lối đi giữa hai gian hàng thường nhỏ hẹp nên rất dễ dàng đụng phải người khác, nhất là khi ai đó có xe đẩy trẻ con. Thế nhưng, đôi khi những người “bị” đụng hoặc dẫm lên chân lại nhanh nhảu “xin lỗi”, chứ không chỉ vui vẻ nói “không sao đâu” kèm theo một nụ cười.
Người Pháp rất thích trò chuyện và nói đùa. Kể cả khi có một hàng dài khách hàng đang xếp hàng chờ đợi, người bán vẫn vui vẻ tiếp chuyện từng người mua, trả lời bất kỳ câu hỏi nào nếu có, thậm chí còn kể thêm một vài câu chuyện đùa.
Những người khách đang chờ đến lượt cũng không vì thế mà khó chịu hay bực bội, đôi khi còn phụ hoạ theo. Vì thế, ngoài việc học được cách trò chuyện cùng mọi người, tôi còn học được tính kiên nhẫn, kiên nhẫn xếp hàng và chờ đợi trong vui vẻ.
... phô-mai, bánh mì, thịt, cá và những đặc sản địa phương hoặc những thực phẩm chế biến tại nhà “home-cooked” như mứt, mật ong...
Khác với siêu thị, ở chợ nông dân người mua thường không được tự chọn rau hay hoa quả mà mình muốn, người bán hàng sẽ làm việc đó. Thế nhưng, họ luôn cố gắng đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu của khách.
Ví dụ như khách muốn mua dưa hấu, họ sẽ hỏi rõ là muốn ăn trong ngày hôm nay hay ngày mai để lựa chọn hợp lý. Khách muốn mua đào, họ sẽ hỏi muốn ăn quả mềm hay quả cứng. Nếu mua cá, mực, họ sẽ lột da, đánh vẩy, làm sạch bụng v.v. nếu có yêu cầu.
Dù có hàng dài khách khác đang chờ đợi, họ vẫn thực hiện tất cả những việc đó với một thái độ vô cùng vui vẻ. Khách hàng cũng một mực tin tưởng vào người bán, họ không bán thiếu, không bán hàng kém chất lượng; bởi một lần bất tín, vạn sự bất tin, và khách hàng còn rất nhiều sự lựa chọn khác.
Nếu các bạn có cơ hội đến Pháp, đừng quên đi chợ nông dân để cảm nhận một “lối sống” kiểu Pháp.
Hãy thong thả dạo bước quanh chợ, bạn đang thực sự ở trong một đời sống rất Pháp! Khi mua hàng, hãy kiên nhẫn nhưng chắc chắn về những yêu cầu về sản phẩm bạn muốn mua. Và đừng quên mang theo tiền mặt và một túi xách to để đựng đồ, bởi người Pháp không thích dùng nhiều túi nilon, để bảo vệ môi trường!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.