Đi chợ nông dân Mỹ

31/01/2016 08:51 GMT+7

Ở Mỹ, dù là thủ đô Washington D.C hay thành phố nhộn nhịp New York thì vẫn còn chỗ cho những chợ phiên của nông dân với đủ loại nông sản.

Ở Mỹ, dù là thủ đô Washington D.C hay thành phố nhộn nhịp New York thì vẫn còn chỗ cho những chợ phiên của nông dân với đủ loại nông sản.

Ảnh: Đình TuyểnẢnh: Đình Tuyển

Không khí mua bán ở chợ phiên nông dân Mỹ rất cởi mở, thân thiện trong tiếng đàn hát du dương của các nghệ sĩ đường phố. Ở đó, người mua có thể nếm thử bất cứ sản phẩm nào và còn được người bán chia sẻ những câu chuyện thú vị trong sản xuất, buôn bán và cả cách thức chế biến món ăn ngon.
Chợ phiên gần Nhà Trắng
Cách Nhà Trắng, nơi Tổng thống Obama ở và làm việc, chưa đầy một dặm là chợ phiên nông dân (Farmers’ Market) Foggy Bottom - một trong những chợ nông dân nhộn nhịp ở thủ đô nước Mỹ. Chợ nằm dọc con đường trong khuôn viên Trường ĐH George Washington nối hai con đường lớn New Hampshire và đường số 23 ở thủ đô Washington D.C. Chợ họp từ 15 - 19 giờ thứ tư hằng tuần, với khoảng 40 - 50 ki ốt dựng lên bằng những chiếc dù lớn, khung sắt có thể gấp lại nhanh chóng, thuận tiện. Người ta gọi những khu chợ thế này là chợ nông dân vì người bán đều là nông dân thứ thiệt đến từ vùng phụ cận của Washington D.C như Virginia, Maryland...
Trong những gian hàng rộng chừng 12 m2, nông dân bày bán đủ thứ sản phẩm do chính họ làm ra như trái cây, rau củ, hoa tươi, thịt heo đóng gói hay những sản phẩm đã chế biến như gỏi, mứt, nước ép, phô mai, bánh mì, bánh ngọt cho đến gia vị như nước chấm, nước xốt… Hấp dẫn nhất là những giỏ trái cây cherry, dâu tây chín mọng, những thùng rau củ xanh mướt hay những bình nước ép trái cây thơm lừng... Tất cả đều mới thu hoạch hoặc chế biến vào buổi sáng cùng ngày.
Diana, cô thôn nữ bán nước ép trái cây ở chợ Foggy Bottom, tươi cười giới thiệu: “Chỉ 3 USD cho 1 cốc nước rất ngon và mát. Tất cả đều được làm tuyệt đối an toàn từ thảo mộc trồng tại trang trại của gia đình tôi ở Sharpsburg, Maryland, cách đây 1 tiếng rưỡi chạy xe”. Còn ông Win Cossaboon, quản lý trang trại Kernan Farm (vùng Bridgeton, New Jersey) và thường tham gia chợ phiên gần khu Union Square (New York) cho biết người Mỹ ngày càng muốn ăn đồ tươi hơn từ chính tay nông dân địa phương làm ra vì ngoài chất lượng đảm bảo, người ta có thể hỏi bất cứ thứ gì về nguồn gốc sản phẩm từ người trồng.
Hỗ trợ cả nông dân và người tiêu dùng
Để những chợ phiên nông dân hoạt động theo giờ giấc quy củ, tất nhiên phải có bàn tay “đạo diễn” của các công ty tổ chức. Như chợ nông dân Foggy Bottom do Công ty Freshfarm Market điều hành. Đây là một công ty khá nổi tiếng ở vùng đô thị Washington nhờ tổ chức hiệu quả các chợ nông sản, giúp các chủ trang trại tiêu thụ sản phẩm ngay ở địa phương. Hiện tại Freshfarm Market quản lý đến 12 khu vực có thể tổ chức chợ nông dân ở Washington D.C và ngoại ô.
Ông Win Cossaboon rất tự hào với nông sản của mình - Ảnh: Đình Tuyển
Cô Andrea Fabry, một quản lý của Freshfarm Market, cho biết công ty cô hoạt động phi lợi nhuận với mục đích hỗ trợ cả trang trại và người tiêu dùng. Trang trại quảng bá, gây dựng lòng tin và bán sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng; còn người tiêu dùng tìm được những thực phẩm tươi, trồng tự nhiên thay vì ăn đồ ăn đông lạnh, thực phẩm chế biến công nghiệp...
Chị Anna Nguyễn, một Việt kiều ở bang Virginia, cho biết giá trị khác biệt của thực phẩm ở chợ nông dân còn ở chỗ hầu hết đều mang nhãn organic, nghĩa là sản xuất hoàn toàn tự nhiên bằng dưỡng chất hữu cơ; phòng trừ sâu bệnh bằng thiên địch chứ không sử dụng các loại hóa chất. “Thế nên dù giá bán khá cao, có khi gấp đôi trong siêu thị, nhưng sản phẩm ở Farmers’ Market vẫn đắt như tôm tươi”, chị Anna nói. Cũng theo chị Anna, sau cả mùa đông lạnh giá phải ăn những thực phẩm đông lạnh, rau quả bảo quản mát trong siêu thị, còn gì tuyệt hơn khi lang thang chợ nông dân ngoài trời để mua những loại rau củ, thực phẩm tươi ngon. Bởi vậy, với người Mỹ, chợ nông dân từ lâu đã trở thành một trong những hoạt động được chờ đợi nhất vào mùa hè và cả mùa thu (khoảng từ tháng 9 - 11 hằng năm).
Không khó để làm chợ nông dân VN
Ông Win Cossaboon tự hào nói rằng ông chẳng sợ cạnh tranh với nông sản nhập vì hàng của ông kiểu gì cũng tươi, ngon hơn hàng đã bảo quản. Tuy nhiên, để làm ăn lâu dài, ông Win cũng như các chủ trang trại khác cực kỳ xem trọng chữ tín. Họ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Đã là sản phẩm organic thì chắc chắn được sản xuất đúng quy trình organic. Vì vậy chợ nông dân ở Mỹ ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở khắp các đô thị. Một số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy hiện có gần 8.300 chợ nông dân; trong khi năm 1994, năm đầu tiên ghi nhận và đăng ký chợ nông dân, chỉ có 1.755 chợ.
Một nghệ sĩ đường phố ở chợ Foggy Bottom - Ảnh: Đình Tuyển   
GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học rất gần gũi với nông dân VN, đã từng đi rất nhiều nơi trên thế giới, cho biết sự khác biệt là ở chỗ mô hình chợ nông sản ở VN thường do tiểu thương bán hàng; còn ở Farmers’ Market, nông dân tự bán nên tính quảng bá và nhận diện thương hiệu tốt hơn hẳn. Theo GS Xuân, VN rất cần những khu chợ nông dân như ở Mỹ bởi nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn ở đâu cũng có. Chỉ có điều nguồn cung nông sản an toàn còn “vàng thau lẫn lộn” nên thiếu tin cậy lẫn nhau, người tiêu dùng vẫn bất an vì cách thức canh tác dùng quá nhiều hóa chất. “Chúng ta cần thay đổi, cần gắn kết được nông dân với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tổ chức, bao tiêu còn nông dân sẽ là người sản xuất theo yêu cầu thị trường, tuân thủ tiêu chí kỹ thuật an toàn. Dĩ nhiên, nông dân làm ăn đàng hoàng, sản phẩm tốt thì người tiêu dùng cũng sẵn sàng mua giá cao hơn”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.