Đi “chợ” động vật hoang dã miền Tây

06/11/2008 11:07 GMT+7

Từ Cần Thơ theo quốc lộ 1A về hướng Sóc Trăng, tới thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), đi dọc dốc cầu Phụng Hiệp là tới “chợ”. Cứ cách 10-15m có một điểm bán. Rắn, rùa lúc nhúc trong chuồng lưới. Chim chóc cột thành từng xâu treo lủng lẳng trên cây.

Anh Tài, người chạy xe ôm, cho biết thứ bảy người ta bày bán công khai, chứ ngày thường muốn mua phải vô trong xóm để tránh kiểm lâm.

Bao nhiêu cũng có

Có khách là các chủ bán tranh nhau mời. “Anh cần rắn ri voi hay ri cá? Thôi lấy hổ hành đi nghe. Thịt nhậu mát trời luôn. Ri voi hai trăm bảy/kg, hổ hành trăm hai. Còn hổ đất thì mắc à, tới bốn năm trăm lận, tùy con lớn nhỏ” - một chủ tiếp thị.

Thấy một “shop” có chưng con rắn mai gầm khoang đen vàng rất ấn tượng, tôi ghé vô. Bà chủ đứng tuổi vồn vã: “Anh muốn lấy huyết hay là mổ mật uống liền? Bổ dữ lắm, uống vô một cái là khỏe re, bệnh tật hết liền, hoặc đem nguyên con về ngâm rượu cũng có. Con mai gầm này lấy rẻ anh 2 triệu”. Ngoài ra, trong nhà chị còn chứa đủ loại rắn, rùa, ba ba, chim rừng, gà nước… Có cả một con rắn hổ đất vừa mổ lấy mật, thân còn treo lủng lẳng chờ xẻ thịt cho vô nồi… hầm sả.

Điện thoại reo, chị kêu anh giúp việc xách 5kg rùa giao cho một nhà hàng ở Cần Thơ, rồi lại kêu một anh khác chở liền 3kg rắn hổ hành cho khách nhậu tại nhà ở Sóc Trăng. Chị khoe: “Mình là đầu mối nên khách đặt phải có ngay. Muốn vậy phải đặt sẵn dưới quê. Anh em vô rừng, xuống sông, lên bờ, đào hang, đặt bẫy… hễ có là đem về liền”.

Tôi rảo một vòng quanh chợ. Có khoảng 10 điểm bày bán động vật hoang dã như vậy cặp hai bên quốc lộ, chưa kể những điểm ém trong xóm.

Xóm rắn rùa

Chim hoang dã bày bán tại Phụng Hiệp - Ảnh: CTV
Tôi quay lại chợ vào ngày thứ hai đầu tuần thì quả nhiên các chuồng vắng hẳn rắn rùa, chỉ lác đác vài con rắn ri cá, ri voi cho có “tụ”. Chị Năm Hạnh, một chủ bán, bảo “vô xóm mới nhiều, tha hồ lựa”.

Tôi kiếm nhà ông Lê. Ông Lê chừng 50 tuổi, bàn tay phải của ông có ngón trỏ co quắp, cứng đờ, thịt sạm đen như bị cháy. Ông kể trong một lần bắt rắn, con mai gầm “phập” vô đây, “mê man năm ngày đêm tưởng chết rồi”. May nhờ bệnh viện cứu được, chỉ có ngón tay trỏ bị hoại tử. Nghề của ông là thu mua các loại rắn về chế thuốc chữa bệnh. Trong nhà ông, rắn được chất từng bao.

Ở nhà bà Sáu Kiều, biết tôi từ Sài Gòn xuống bà niềm nở: “Có con hổ chúa bắt từ trong rừng đàng hoàng, để dành 10 bữa nay rồi đó. Ông anh thiệt là hên chớ mọi khi dặn cả tháng mới có”. Bà xách ra cái bọc lưới to. Bên trong đúng là một con rắn hổ chúa thân bằng bắp tay, dài hơn 2m, lưng màu nâu bóng lưỡng. Bà chủ rao nhiệt tình: nào là thứ này quý hiếm lắm, bổ dương tráng thận hết chỗ chê, huyết của nó uống vô là bệnh nan y gì cũng khỏi, đàn bà đẻ băng huyết sắp chết uống vô tỉnh lại như người bình thường…Rồi bà gút giá: 4 triệu đồng không bớt (!).

Trên đường về, anh Tài rù rì với tôi: “Xóm đó 10 nhà thì hết tám là có chứa rắn, rùa”.

Kiểm lâm bất lực

Họp “chợ” ngay trước UBND thị xã

Người ta bán gần như công khai, đáng nói là công khai ngay trước cổng vào trụ sở UBND thị xã Ngã Bảy. Chợ đầu mối mà, các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, cả ở An Giang, Kiên Giang, Campuchia cũng đổ hàng về do đây có tới bảy ngả tỏa ra các tỉnh đi đường sông nước. Tất cả nguồn hàng tập trung về đây rồi tỏa ra cung cấp khắp các tỉnh, TP.HCM, ra cả miền Đông Nam bộ. 

Chị Nguyễn Thị Kiều, một chủ bán rắn, rùa lâu năm ở thị xã Ngã Bảy, tiết lộ: “Muốn mua nhiều chừng hai ba chục ký cũng có. Nhưng chở đi mỗi lần vài ba ký thôi nghen, trên 5kg là kiểm lâm bắt liền”.

Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện thì có hai người đi xe gắn máy vô nhà, mở cái bao đựng chừng sáu con rùa và một cái lồng có hơn 10 con chim cu. Hai bên trao đổi giá cả một hồi rồi “tiền trao cháo múc” cái rụp.

Chị Kiều cho biết họ là dân bắt chuyên nghiệp ở rừng U Minh (Kiên Giang), lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) và có người ở Cà Mau, Bạc Liêu. Ngày nào cũng có hai ba chục người từ khắp nơi đem “hàng” về. “Hồi đó tui có vựa trong hầm lúc nào cũng có vài trăm con, bây giờ phải xé lẻ ra nhiều chỗ. Lỡ bị bắt thiệt hại ít thôi, làm nghề này như đánh bài vậy, thua keo này bày keo khác. Mà lỡ xui thua nhiều keo quá thì sạt nghiệp, bán nhà như chơi” - chị than.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, cho biết: các cơ quan chức năng lác đác cũng bắt được vài vụ vận chuyển nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi vì các chủ hàng thường xé lẻ đi xe gắn máy mỗi chuyến vài ba ký, cũng có lúc họ đóng bao gửi xe tốc hành đi cùng với khách vì vậy khó thể ngăn chặn. Ngoài ra,  mức cầu đang lớn, các nhà hàng thi nhau mời mọc khách bằng các món nhậu đặc sản nên càng khuyến khích lái mối vào cuộc thảm sát môi trường.

Vào một ngày giữa tháng 8-2008, người dân sống ven quốc lộ 1A thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) bỗng xôn xao vì một chiếc xe khách loại 16 chỗ bị kiểm tra đột xuất. Sau khi khám xét, lực lượng kiểm lâm phát hiện trên xe có 37kg rắn, 1,6kg ba ba và 55 con chim cu, trong đó có các loài rắn quý hiếm là hổ đất, hổ hèo, hổ ngựa. Trước đó chừng một tuần, tại thị xã Ngã Bảy, lực lượng kiểm lâm bắt quả tang hai chủ hàng là ông Lương Văn Minh và bà Nguyễn Thị Hương đang lưu giữ mỗi người 10,5-13kg rùa, 14,5kg rắn các loại.

Chợ thịt rừng ở Huế

Đó là hướng Cầu Tuần, một đoạn đường chỉ dài chưa đến 2 km nhưng có hàng chục hàng quán dựng lên.

 

Thịt rừng đây!!! - Ảnh: T.B.D

Các hàng quán đều không trưng biển quảng cáo “thịt rừng” hay đại loại những cái gì như thế. Một bà chủ quán cầm cây đuổi ruồi, đầu đuôi có buộc một nhúm nilông, khua ruồi trên tảng thịt rồi nhìn chúng tôi: “Muốn mua thịt rừng à, thịt rừng thì đây chứ mô nữa!” - bà chủ lật ngược tảng thịt to tướng,đỏ au, nói.

Từ sáng đến trưa, hàng quán ở đây không ngớt khách ghé mua; cứ vài phút lại có một chiếc xe đường dài tạt qua để mua. Có thấy thịt đâu mà sao lắm xe thế? Một cô gái trong quán cho biết: “Mấy miếng treo ngoài này chỉ để trưng bày cho khách biết thôi! Còn muốn mua bao nhiêu, loại gì cứ vào trong nhà!”. Một thanh niên dắt chúng tôi đi coi hàng.

Quả nhiên như cô gái nói, ở sân sau thôi thì đủ các loại: mèo, cầy hương, lợn rừng, khỉ… Con nào con nấy mắt đỏ ngầu, gào xé giận dữ trong những chiếc lồng kiên cố bằng sắt. Chàng trai cho biết số thú này chỉ là thú “hạng nhẹ”, nghĩa là thú vặt vùng rừng A Lưới, Bình Điền được các tay săn bắn mang về nhập cho các kiôt với giá rất rẻ. “Các anh muốn mua thịt “hạng nặng” như trăn… thì hẹn trước vài ngày chúng em sẽ nhập từ nơi khác về”, anh ta tiếp thị. Tay này cho biết ngày nào nhiều thì bán được 30-40kg.

Theo Thái Bá Dũng / Tuổi Trẻ

Theo Dương Thế Hùng / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.