Dế mèn phiêu lưu... trên bàn nhậu

16/10/2008 10:18 GMT+7

Nói đến dế, người ta nghĩ ngay đến "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. Tuổi thơ, ai mà chả lăn lê, bê bết câu bằng được vài chú dế, rồi chăm bẵm, nâng niu để ngày mai đem đi chọi với hết dế của đứa này đến dế của đứa kia.

Nhưng đó là dế ngày xưa, còn có đất, có trời mà phiêu lưu, thưởng ngoạn. Còn dế ngày nay, lo mà trốn kỹ kẻo sẽ bị lên bàn nhậu ngay lập tức. Và cả lũ trẻ ngày nay, chúng đi săn dế chẳng phải để chơi, mà là để... bán.

Nhậu trong nước mắt

Quán nhậu được xem là "có số có má" ở thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong - Nghệ An) cũng chỉ bằng quán cơm bình dân ở thành phố. Chủ quán nghe đâu là một tay bợm rượu, sành ăn có tiếng. Ông ta tỏ ra rất cởi mở, nhất là với thực khách miền xuôi. Miệng nói, tay làm, tay chủ quán "quảng cáo" suốt buổi: "Dế là đặc sản, không có nhiều đâu. Nể mấy chú, anh mới bán đấy. Cứ đợi rồi biết nhé, ăn rồi là nghiện luôn. Món này gọi là món giết rượu, sướng chưa...". Và cũng sành điệu như mấy anh đầu bếp trong các nhà hàng lớn, tay chủ quán cũng tung, cũng hứng chiếc chảo rán để thực khách có phần bắt mắt hơn. Chừng hai mươi phút chờ đợi, đĩa dế chiên đã được bày lên. Bao nhiêu thực khách, bấy nhiêu cặp mắt hau háu chờ...dế. Thú thực, mùi dế chiên thơm đến rỏ dãi. Chừng dăm chục chú dế vàng rộm được bày ngay ngắn trên chiếc đĩa sứ màu trắng. Tôi hòng chọc đũa để xem "món giết rượu" ra sao. Đũa tôi chưa chạm tới chiếc đĩa sứ mà trước mắt như có hàng ngàn chú dế đang nhảy múa. Những con dế lực lưỡng hơn thì giơ cao chiếc càng được gắn lưỡi cưa để thách đấu. Có những con bé nhỏ lại ri rỉ hát tình ca của họ nhà dế. Ăn đi chứ! Một anh bạn nhắc tôi.

 
Tính (đứng trước) và bạn mình trên đường "săn bắt dế"
Tôi thả đũa cố làm ra vẻ hoài niệm để không gián đoạn bữa nhậu của các bạn. ậy thế mà tiếng nhai rau ráu giòn tan cộng với tiếng chạm chén lách cách, rồi cả những lời tán thưởng không ngớt làm tôi không khỏi rùng mình. Trên chiếc đĩa sứ, những chú dế bị vặt trơ hết càng cứ dần dần vơi đi sau mỗi lần zô...zô. Ngày xưa, chúng tôi cũng la hét ầm ĩ vì dế. "Quan Công thắng rồi, Triệu Tử Long cố lên" - chúng tôi đã gọi những chú dế yêu quý của mình như thế. Cũng có đứa khóc sụt sùi chỉ vì dế của nó bị thua mấy keo liên tục. Nhà tôi không có trâu. Vì thế mà tôi thích nhất là được đi chăn trâu. Cả bọn thả trâu xong là lao vào chọi dế. Thằng bò, thằng quỳ, thằng nằm bẹp...dùng đọt cỏ non để khích dế xung trận. Cu Kỳ còn trộm cả rượu của bố nó cho dế uống để chiến thật hăng. Có khi chỉ vì dế thua trận mà cả mấy thằng lao vào đánh nhau chí choé. Chiều ngả vàng, vắt vẻo trên lưng trâu về nhà, nhưng vẫn không quên hẹn nhau ngày mai "phục thù".

...Chai thứ nhất đã sạch sành sanh. Tay chủ quán lật đật mang thêm một chai nữa. Ông ta rất mãn nguyện trước sự hài lòng chưa từng có của khách. "Anh mời các chú một ly. Anh đã bảo mà, món này gọi là món giết rượu đấy" - lão tợp một ly rượu ngon lành. Tôi cũng đáp lại lão một ly. Thứ nhất là cho phải phép, thứ nhì là nịnh lão để hỏi thêm về dế. Có vẻ như lão giấu nghề, chỉ "xì" cho một ít thông tin thôi. Tuyệt đối lão không chịu tiết lộ về nơi mua, giá cả. Nhưng rồi, lão cũng chẳng giấu được mãi. Tôi hỏi giá của đĩa dế hôm nay? Lão cộc lốc: "Sáu chục ngàn". Tôi nhẩm tính, lão này lãi quá. Cứ một con dế chiên, lão bán hơn một nghìn đồng. Hèn gì mà giấu kỹ thế. Lão chủ lại lật đật vì có khách mới vào. Vẫn điệp khúc cũ: "Nể chú, anh mới bán...". Nhìn lão tất bật cho dế vào chảo mà phát khiếp. Chiếc chảo dầu sôi sùng sục. Những cọng hành trồi trật theo nguyên lý hấp thụ nhiệt rồi chuyển sang màu vàng bốc mùi thơm quyến rũ. Không một chút ngần ngại, lão chủ trút hết cả đĩa dế vào chảo dầu đang cuộn sôi. Những chú dế tội nghiệp giãy giụa, cố tung đôi càng như lưỡi cưa ra vẻ oai phong trong chốc lát. Thế là dế bị hành hình, y như tử tội ngày xưa bị ném vào vạc dầu vậy.

Bữa nhậu gần tàn, chiếc đĩa trơ đáy chỉ dính lại vài cọng hành rán qua dầu óng ánh. Mặt ai cũng phừng phừng, miệng thì không thôi tấm tắc: Tuyệt, tuyệt quá. Tôi bực bội buông một câu cũng cộc lốc: Nhậu tuổi thơ!

Nghề săn bắt dế

Dế (tên khoa học Acheta assimilis) là một thành viên của bộ cánh thẳng, cùng với châu chấu và katydid. Đặc điểm nổi bật của chúng là có thị lực rất tinh và thính giác cực nhạy. Do có mắt phức hợp nên dế có thể nhìn theo nhiều hướng cùng một lúc. Ước tính có khoảng 1.000 loài dế khác nhau. Mặc dù dế có cánh, nhưng đa số chúng không bay được. Phần lớn dế di chuyển bằng cách nhảy từ nơi này sang nơi khác. Dế đồng trung bình thường dài 2,5cm và có thể tìm thấy chúng trong những cánh đồng suốt những tháng hè ấm áp, hoặc trong những đống củi.

Nuôi dế là một thú vui truyền thống ở Trung Quốc. Theo tài liệu lịch sử từ thời nhà Đường (618-907), các tỳ thiếp của hoàng đế đã nhốt dế trong những chiếc lồng bằng vàng và đặt chúng trên giường để nghe dế hát suốt đêm. Người bình thường đã bắt chước thú vui phong nhã này. Hoạt động này vẫn phát triển trong suốt thời nhà Thanh (1611-1911) khi hoàng gia, dân thị thành, giới trí thức và dân quê đổ xô đi bắt dế trong mùa hè...  (Nguồn: Internet)

Đến thị trấn Kim Sơn cũng phải sành ăn lắm mới tìm thấy quán dế. Và thực khách có thường hay hoài niệm về thời ấu thơ, muốn ăn dế thì xin hãy nhắm mắt, bịt tai vì nếu không thì khó mà nuốt nổi. Chỉ mươi phút trước, cả hàng trăm con dế đang "sôi nổi" trò chuyện trong chiếc chậu thau đã bị hành hình. Tôi có cảm giác như chúng đang kể cho nhau nghe về nguyên nhân bị bắt về đây. Có chú do không nghe lời bố mẹ, mải miết rong chơi nên sập bẫy, có con lại ngông nghênh suốt ngày chỉ giơ càng thách đấu nên mới ra cơ sự... Mà "kẻ thù" đâu phải ai xa lạ, chính là mấy cậu bé mới hôm nào còn âu yếm, vuốt ve, khích lệ dế "xung trận". ậy thế mà từ khi có quán nhậu này, các cậu liền "trở mặt". Chốc chốc, tiếng của hàng trăm con dế ri rí cất lên não nề chẳng khác nào một khúc bi da diết. Trên cùng của chiếc chậu thau, hai con dế có vẻ lớn tuổi hơn trong bọn cứ tranh nhau trồi lên mặt chậu. Tôi không hiểu ngôn ngữ của dế, nhưng hình như chúng nó đang giành nhau chết trước. Con dế chồng (ấy là tôi đoán vậy) nhẹ giơ chiếc càng âu yếm vợ: "Để anh chết trước"! Dế vợ không chịu, cự nự: "Mình ơi, mình là đàn ông, hãy gắng thêm chút nữa để bày dạy cho các con, biết đâu chúng còn cơ may sống sót. Mình nghe em, mình cần phải sống".

Dẫu lão chủ quán cố giấu lai lịch người bán cũng như giá cả, nhưng chúng tôi vẫn cứ lần ra được "đường dây" bán dế. Ở cái thị trấn nhỏ này "vô tuyến truyền mồm" nhanh lắm. Cứ ra gốc đa mà hỏi các bác xe lai thì ôi thôi đủ thứ trên đời, rõ như lòng bàn tay. Đến mấy trăm khối gỗ của ông cán bộ huyện làm nhà sàn, các  bác còn tính chính xác huống gì là "dế tặc". Theo chỉ dẫn của mấy bác xe lai, chúng tôi đã về xã Tiền Phong để đi tìm "hung thần" của dế. Trên những thửa ruộng bậc thang, không hiếm cảnh các cậu bé loắt choắt, cũng thuổng, cũng mai đi săn dế. Mỗi cặp săn dế thường có từ hai em trở lên. Vai vác thuổng, lưng đeo giỏ, "oai phong", ngó ngó, nghiêng nghiêng như một trang thiếu niên xung trận. Vi Văn Tính (10 tuổi) là người chịu "giao tiếp" với chúng tôi. Em nói về việc săn dế say sưa y như là trẻ con thành phố nói về mấy trò chơi điện tử. Một buổi đến trường, một buổi Tính cùng bạn ra đồng bắt dế. Được bao nhiêu, tối đến dốc hết cho các quán nhậu ở thị trấn. Tính không biết mỗi ngày bắt được mấy cân, mấy lượng. Và cậu cũng chẳng biết giá của mỗi kilôgram dế là bao nhiêu tiền. Chỉ biết nếu đầy cái giỏ này là được trả 10 nghìn đồng. Hôm nào nhiều đứa bán quá thì nhà hàng trả ít hơn. Cũng chẳng sao, vì nếu không bán thì cũng chẳng biết mang về nhà làm gì. Mấy năm trước còn bắt dế để chọi, từ ngày có quán nhậu chẳng đứa nào chơi trò này nữa, hễ đi bắt dế là chỉ để bán thôi. Tính thành thật: "Mà quán họ cũng kén lắm, chỉ mua loại dế đủ cánh, đủ càng, dế đang còn sống. Loại dế chết, họ bảo ươn rồi không mua đâu".

Tôi hỏi Tính, đi bắt dế có thích không? "Thích lắm. Vừa có tiền, lại khoẻ" - Tính rất hồn nhiên. Và khi tôi hỏi, cháu đã đọc truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" chưa thì Tính lắc đầu: Đó là chuyện gì? Thế các bạn khác thì sao? Cũng thế cả mà, chúng cháu làm gì có sách mà đọc. Tội nghiệp cho Tính, tội nghiệp cho những đứa trẻ. Giá như, bọn trẻ đã được đọc "Dế mèn phiêu lưu ký", cuốn sách của tuổi thơ chắc chúng sẽ bỏ nghề "săn bắt dế".

Theo Phạm Việt Thắng / Báo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.