Để mặc cầu tạm nguy hiểm giữa Hà Nội

07/04/2016 19:06 GMT+7

Chắp nối sơ sài, tạm bợ bằng những miếng gỗ, thanh sắt mỏng đã hoen gỉ, các cây cầu tạm nối liền xã Bột Xuyên (H.Mỹ Đức) với các xã Cao Thành và Viên Nội (H.Ứng Hòa) đang đe dọa tính mạng của người dân.

Chắp nối sơ sài, tạm bợ bằng những miếng gỗ, thanh sắt mỏng đã hoen gỉ, các cây cầu tạm nối liền xã Bột Xuyên (H.Mỹ Đức) với các xã Cao Thành và Viên Nội (H.Ứng Hòa) đang đe dọa tính mạng của người dân.

Cầu tạm được thiết kế sơ sài đe dọa tính mạng người qua sông- Ảnh:
Chí AnCầu tạm được thiết kế sơ sài đe dọa tính mạng người qua sông- Ảnh: Chí An
Hai cây cầu tạm ở xã Bột Xuyên được xây dựng từ hàng chục năm nay nhằm phục vụ đi lại của bà con các xã hai bên bờ sông Đáy. Theo quan sát của chúng tôi, các cầu tạm này đều được xây dựng hết sức đơn giản, tạm bợ, chỉ với các khối bê tông dạng thuyền, những tấm sắt mỏng và ván lót. Qua nhiều năm sử dụng, các tấm sắt đều đã hoen gỉ, thành cầu bị bung ra, đen sì được gia cố lại bằng các dây thép gai đã xỉn màu.
Mỗi lần có xe đi qua, toàn bộ cầu rung lên, chao đảo, từng tấm ván ở mặt cầu bật lên hạ xuống. Những sợi dây thừng nối với gốc cây hai bên bờ sông nhằm cố định để giữ cho cầu không bị trôi đi đang căng ra như sắp đứt. Vào mùa nước lớn, các cây cầu bị nước cuốn đi nghiêng ngả. Hơn chục sợi dây thừng cũng không thể giữ cho cầu cố định, chủ cầu buộc phải cắt cầu làm 2 nửa, không cho qua lại nữa.
Người dân ở đây cho biết, mặc dù đã có cầu bê tông nhưng để đi qua cầu, họ phải đi vòng đến 4 km nên chấp nhận nộp phí để qua sông nhanh hơn. Để qua cầu, họ phải nộp phí cho chủ cầu với mức 1.000 - 5.000 đồng, tùy vào xe và lượng hàng.
Bà Nguyễn Thị Bình (74 tuổi, thôn Lai Tảo, Bột Xuyên) cho biết: “Trước đây chưa có cầu chúng tôi còn thuê đò sang, thế nên dù có nguy hiểm nhưng đi qua cầu vẫn nhanh gọn và tiện lợi hơn”. Tuy nhiên, bà Bình cũng cho biết, đã có vài người chết khi đi qua cầu do bị rơi xuống sông.
Chủ một cây cầu ở Bột Xuyên, bà Nguyễn Thị Dung cho biết: “Vì nhu cầu của bà con có nên tôi mới dựng cầu. Tuy là được thu tiền nhưng mỗi tháng chúng tôi vẫn phải đóng lệ phí và đóng thuế hàng năm cho xã”.
Thừa nhận từng có người chết khi đi qua cầu tạm, ông Lê Văn Thực, Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên cho biết: “Thỉnh thoảng đoàn của huyện vẫn xuống kiểm tra, nhắc nhở các chủ cầu đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại”. Trao đổi về việc những cây cầu này có đảm bảo an toàn hay không, ông Thực nói: “Cầu do dân tự làm, tự quản lý. Kiểm tra về độ an toàn thì xã không có chuyên môn nên không nắm được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.