Để đừng 'đến chợ Đông Ba chia 3 mà trả'!

11/10/2020 09:18 GMT+7

Nói thách quá mức, ứng xử thiếu nhã nhặn với khách, lấn chiếm diện tích lô quầy, cò mồi, móc túi... đều là những thách thức văn hóa ở chợ Đông Ba 121 năm tuổi mà chính những người trong cuộc cũng ngao ngán.

 Ngại đi chợ trước 9 giờ!

Theo chân một đoàn du khách ở miền Nam vào chợ Đông Ba (Huế) để tham quan, mua sắm. Theo lịch trình họ có chừng 30 phút trải nghiệm ở khu chợ nổi tiếng nhất xứ Huế này. Sau khi dạo bộ qua nhiều gian hàng với các lời mời, rồi ghé mua vài chiếc nón bài thơ xứ Huế, nơi họ dừng lại cuối cùng trước khi ra khỏi chợ là hàng bánh kẹo, trà, mứt... Một tiểu thương lớn tuổi đon đả mời đoàn khách, nhất là món kẹo mè xửng - đặc sản xứ Huế. Phần không có nhu cầu, phần ý thức việc đứng lâu làm tắc đường giữa lối vào ra chợ chật chỉ đủ một người đi khiến đoàn khách dừng lại xem hàng khoảng 5 giây rồi đi vội. Không bán được hàng, khi đoàn khách rời đi, người phụ nữ lớn tuổi ném ánh mắt khó chịu theo đoàn khách, đoạn lẩm bẩm điều gì tỏ vẻ bực dọc.
Tôi đem câu chuyện trên kể với người bạn có nhiều năm “sống” ở chợ Đông Ba, anh ta cười: “Ấy là đoàn khách gặp may, mua vào buổi trưa, chứ nhiều đoàn nếu mở hàng hỏi han này kia rồi không mua thì không chỉ bị “càm ràm” mà có khi còn chửi ra mặt đó. Nhưng phải thừa nhận dạo gần đây bà con cũng bớt nhiều chuyện trách mắng khách kiểu như thế...”.
Vấn đề bán mở hàng hay nặng lời với khách khi họ không mua ở chợ Đông Ba từng là nỗi ngao ngán của khách khi vào ngôi chợ nổi tiếng này. Đây cũng là điều trăn trở của một vị khách đặc biệt của chợ Đông Ba, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ.
Tại cuộc gặp mặt đông đảo bà con tiểu thương chợ Đông Ba hôm đầu tháng 10 này, ông Thọ kể rằng ông từng nghe nói nhiều bà con “ngại đến chợ Đông Ba trước 9 giờ” và bản thân ông cũng được “anh em” khuyên là không nên vào chợ sớm trước 9 giờ, bởi do quan niệm bán buôn mở hàng của bà con, sợ bà con không vui.

Phải là truyền thống, bản sắc văn hóa Huế

Với diện tích khoảng hơn 22.000 m2, hạ tầng, cơ sở vật chất xuống cấp khiến chợ Đông Ba “chưa mưa đã ngập”; đường đi “teo tóp” chật chội, do lấn chiếm lô quầy; nói thách quá mức; tiểu thương đối xử thiếu nhã nhặn thậm chí nặng lời với khách... là những vấn đề hết sức bức bách mà bà con tiểu thương chia sẻ với lãnh đạo tỉnh, thành phố trong cuộc gặp mặt mới đây với sự tham dự của 350 hộ tiểu thương đại diện.
“Tôi rất đau lòng khi phải nghe và dẫn lại câu người ta nói về chợ Đông Ba rằng: đến Đông Ba (cứ) chia 3 mà trả (ý nói về nạn nói thách 1 thành 3 - PV)”, bà Nguyễn Thị Bích Thư, người bán đặc sản Huế ở chợ Đông Ba nêu. “Đường sá thì hết sức tồi tệ, bít lối đi chỉ còn đi được 1 người, hỏa hoạn thì không biết làm sao. Lại còn tệ nạn móc túi, cò mồi vẫn diễn ra. Một đoàn khách đến mà mình mới báo giá món hàng 1 đồng, cò mồi nói thành 3, khiến khách quay lưng đi ngay”, một tiểu thương khác than vãn.
Những câu chuyện nói trên đều là những câu chuyện không mới, liên quan trực tiếp ứng xử văn hóa của những người trong cuộc. Một lãnh đạo Ban quản lý chợ Đông Ba tâm sự với chúng tôi rằng đã nhiều lần lực lượng của ban quản lý chợ chấn chỉnh nạn lấn chiếm lô quầy, nhưng sau đó đâu lại vào đấy.
“Nếu nói lấn chiếm lô quầy thì không hộ nào ở chợ Đông Ba là không lấn chiếm. Sắp tới chúng tôi sẽ xử lý rốt ráo vấn đề này, nhưng thẩm quyền của ban thì cũng chỉ có cắt nước, cắt điện mà thôi...”, bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba, nói.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, trong bối cảnh thương mại điện tử, siêu thị, mua bán hàng online phát triển, chợ Đông Ba cần có những mặt hàng truyền thống có thể cạnh tranh với những loại hình khác. Chợ không chỉ văn minh, mến khách mà “chợ Đông Ba phải là chợ truyền thống”, ông Thọ nói. Cũng theo người đứng đầu chính quyền tỉnh, việc xây dựng bản sắc văn hóa Huế có một phần từ bà con tiểu thương chợ Đông Ba.
Ngôi chợ 121 năm với các chị các mẹ trong tà áo dài Huế, trong ứng xử, lời ăn tiếng nói; trong những món ẩm thực đặc sắc Huế, những sản vật từ các vùng miền của Huế... đều góp phần làm nên bản sắc ấy. “Cần một cuộc cách mạng trong suy nghĩ và hành động. Chúng ta cần thay đổi việc không phải “Đến Đông Ba chia 3 mà trả” như người ta nói, mà là “Đến chợ Đông Ba không lo về giá”, ông Thọ đề nghị.
Chợ Đông Ba là một trong 5 ngôi chợ nổi tiếng, có bề dày lịch sử, văn hóa lớn nhất cả nước, với hơn 1.800 hộ kinh doanh. Đây là một trong những điểm đến du lịch khi du khách đến Huế và ngay cả những người Huế muốn tìm những trải nghiệm về thời trang, ẩm thực. Hằng ngày có khoảng 7.000 - 10.000 du khách, người đến chợ bán - mua. Dù là khu chợ lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng lần sửa chữa, xây dựng lại gần đây nhất là cách nay đã khoảng... 33 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.