Đậu phụng kho quẹt ngày bão xa

08/12/2018 20:32 GMT+7

Ngày bão xa, tôi về thăm má. Một giấc dài rồi bừng tỉnh bởi má rón rén bưng đèn ngang qua giường. Thấy má lom khom trong chái bếp. “Mưa gió dậy chi sớm vậy má!”. Má vọng lên: “Ngủ đi, má làm đậu phụng kho quẹt”.

Nghe má nhắc đậu phụng kho quẹt, bỗng dưng tôi tỉnh hẳn, nhớ lại những sáng mưa gió tuổi thơ má cũng từng làm món đậu phụng kho quẹt cho chị em tôi lót dạ. Ngày đó, một mình má với ngọn đèn dầu cô độc, bây giờ vẫn vậy. Chỉ khác một điều, trong ánh sáng lờ mờ của bếp củi, tôi đã thấy tóc má bạc trắng, tay má gầy gò và chậm chạp hơn trước. Má loay hoay đi về hướng tủ gỗ, nơi có vài chiếc nồi, chày cối, thúng mủng… và cả bao đậu còn nguyên trái đã phơi khô qua nhiều nắng giòn.
Bao giờ cũng vậy, má bắt đầu món kho quẹt từ việc bóc vỏ đậu. Nghe từng tiếng vỏ đậu phụng kêu tách tách, đều đặn mà tưởng chừng thời gian đang lắng đọng, trôi đi thật chậm.
Tuổi thơ tôi gắn liền với những bữa lót dạ cùng đậu phụng kho quẹt của má. Có hôm, ngủ dậy lạnh quá, tôi ôm vở xuống bếp nhìn má thổi lửa làm món đậu kho quẹt. Mấy chục năm rồi má cứ ngồi chồm hổm mà cầm cái ống thổi lửa, người hơi cúi về phía trước, chúm tròn miệng, thổi “phù, phù” vào ống. Ngọn lửa từ từ hé nở, lớn dần và trong phút chốc làm sáng bừng cả chái bếp cũng đúng lúc nồi cơm chuẩn bị sôi sùng sục.
Má luôn nấu cơm trước, đun ấm nước chè rồi mới rang đậu để kho quẹt. Khi mẻ đậu rang tỏa hương thơm, tôi rón rén lại gần, lúc đó má bắt đầu hòa tan hỗn hợp nước sôi để nguội, đường, xì dầu. Biết tôi đang “theo dõi”, má lên tiếng: “Đậu phụng kho quẹt rất dễ làm, nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo nhất là khâu cân đối tỷ lệ đường, xì dầu, nước sao cho hợp với khẩu vị mặn, ngọt, cay của từng người”. Tôi cười, vòng tay qua người má, mặc cho má giảng giải mà lặng thinh hít hà hương bồ kết trong búi tóc của má...
Thường, má làm theo tỷ lệ hai muỗng nước lọc, một muỗng xì dầu, một muỗng đường, vài ba lát ớt xanh cắt mỏng. Tùy theo số lượng đậu mà cho liều lượng phù hợp. Công đoạn tiếp theo là khéo léo khử dầu phụng với hành tỏi đập nhỏ, cho hỗn hợp nước, đường, xì dầu đã hòa tan vào đun sôi.
Khi đường vừa tan hết, thêm đậu phụng vào đun với lửa nhỏ và liên tục khuấy. Thấy nồi kho quẹt đã keo lại sền sệt, nước kho chuyển dần sang màu nâu đỏ thì nhanh tay tắt bếp, không quên rắc một ít tiêu và ớt xanh.
Ở vùng miền núi trung du xứ Quảng quê tôi, đậu phụng kho quẹt và cơm nóng như một cặp trời sinh, bổ sung vị thơm ngon cho nhau. Thế nên, má chăm chút nồi cơm củi rất tỉ mỉ, sao cho cơm vừa chín, không khô, chẳng nhão, hạt cơm vừa nở đúng độ. Sắc trắng tinh, hương vị ngọt ngọt của cơm gạo lúa mới quả thật trọn vẹn hơn khi kèm với màu đỏ nâu và vị béo thơm, đậm đà của đậu phụng kho quẹt.
Cứ thế, món ngon bình dị ấy ngấm dần qua từng giác quan, làm ấm thêm lòng đứa con xa quê lúc nào cũng mong ngóng quay về chái bếp thân thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.