Đau đẻ, chuyện của đàn bà: Mẹ đơn thân ám ảnh vượt cạn 'mồ côi' một mình

18/04/2018 12:18 GMT+7

Tôi là mẹ đơn thân. Trải qua bao nhiêu lời cay nghiệt suốt 9 tháng bầu bì, tôi chai sạn. Tôi nghĩ không điều gì có thể khiến tôi ‘sợ hãi’ được nữa. Vậy mà khi vô phòng sinh, những điều ám ảnh mới thực sự bắt đầu…

Ngày tôi báo tin có bầu, người yêu tôi thẳng thừng nói không phải con của anh. Sau đó, chúng tôi chia tay vì tôi kiên quyết giữ lại đứa con, anh thì liên tục nhắn tin nói tôi đi “phá” đi dù trước đó khẳng định không phải con mình. Nhưng sao tôi có thể làm được điều đó, tước đoạt đi quyền được sống của con mình là một điều thật tàn nhẫn.
Tôi về báo với gia đình, người nhà khuyên tôi giữ lại vì sức khỏe tôi yếu. Lúc bụng tôi bắt đầu to, người xung quanh bắt đầu xì xầm. Ông ngoại từ mặt, tôi ở tạm nhà chị gái.
Thai yếu, nhiều lần tôi phải đi xe đò xuống khám ở Bệnh viện Từ Dũ. Tới đây, chứng kiến cảnh những người hiếm muộn kiên trì điều trị lại càng thấy việc giữ lại con thật sáng suốt.

Tôi đặt tên cho con là Gạo. Gạo bị nhau quấn hai vòng cổ nên bác sĩ chỉ định sinh mổ. Tháng cuối thai kỳ, bác sĩ chọn ngày mổ cho tôi trước ngày dự sinh 5 hôm.
Vậy mà 1 tuần trước ngày mổ, tôi đau bụng từng cơn. Nghĩ rằng còn cách ngày dự sinh xa nên tôi vẫn ung dung. Tới 17 giờ chiều, không chịu nổi nữa tôi mới nhờ anh rể đưa vào viện (chị gái tôi về ngoại không lên kịp).
Khi làm thủ tục nhập viện, bác sĩ hỏi người nhà đâu, ký vào cam kết mổ nhưng lúc đó chỉ có ảnh rể chứ có ai là người thân ruột thịt đâu. Hơi tủi thân nhưng tôi đã lựa chọn mà sao lại phải buồn, chính tay tôi ký vào tờ cam kết.
Những cơn đau cứ dai dẳng, những cú đạp của Gạo rõ dần. Tôi tự nhủ chỉ vài giờ nữa thôi tôi sẽ được gặp con, ôm con vào lòng nên phải cố lên.
20 giờ, y tá chuyển tôi sang phòng mổ. Tôi lạnh run lên khi cây kim truyền dịch gắn vào người. Tôi lẩm bẩm chắc tại lạnh. Nằm trên xe đẩy đi qua hành lang vắng tanh, hơi nước sau cơn mưa vẫn còn đọng lại, tiếng băng ca di chuyển,… khiến răng tôi va vào nhau lập cập. Mọi thứ xong xuôi, tôi nằm lên băng ca trong phòng mổ. Cánh cửa phòng mổ đóng lại, một mình tôi và bác sĩ, y tá ở trong, tôi vẫn nghĩ không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Nghĩ tới việc sắp được gặp con, tôi tự động viên mình phải thật cố gắng Ảnh minh họa: Shutterstock
Tôi nằm như con tôm, bị trói tay chân trên bàn mổ, ráng giữ bình tĩnh bằng cách tự nói: "Nhanh thôi, cố chịu rồi sẽ được gặp con. Mẹ đã cố gắng được 9 tháng, nỗi sợ và cơn lạnh này có là gì".
Rồi thì cũng xong, ánh đèn phòng mổ sáng lên, bác sĩ gây tê tủy sống, tôi mất cảm giác phần thân dưới hoàn toàn.
Tôi cảm nhận được từng nhát dao, từng hành động của bác sĩ để đỡ con ra, chỉ là không thấy được do vướng một tấm vải che. Tôi vẫn rôm rả nói chuyện với bác sĩ cho tới khi nghe thấy tiếng thông báo: “A, một cậu con trai”.

Tôi hạnh phúc vì vui mừng, hạnh phúc vì tất cả. Những đớn đau, khổ sở trở nên nhạt nhòa trong tiếng khóc của con và tiếng chúc mừng của kíp mổ. Chị y tá giao con cho tôi và dặn: “Ôm chặt vào. Làm rơi con chị không chịu trách nhiệm đâu đấy” làm cả phòng cười phì sau giờ phút căng thẳng.
Tôi lại chuyển qua băng ca về phòng hồi sức, lại đi qua dãy hành lang thăm thẳm nhưng giờ đây có con trong tay, tôi thấy chẳng sợ gì nữa.
12 giờ đêm, phòng hồi sức chỉ có mình mẹ con tôi và chị gái. Con đói sữa khóc nấc lên, còn tôi thì bắt đầu cảm nhận được các cơn đau sau mổ, đau đến mức tôi chỉ biết rên rỉ. Đêm đó thật dài, tôi nhìn chăm chú vào đồng hồ mong trời mau sáng để đỡ đau, để chị gái còn đi xin sữa cho con tôi.
Từng giây trôi qua dài như 27 năm tôi sống cộng lại. Tiếng con khóc nhỏ dần trong lòng bác. Con chìm vào giấc ngủ trong tiếng nấc, cho tới sáng. Nhìn mà tôi thấy thương con vô cùng…
Tôi lại chuyển qua băng ca về phòng hồi sức, lại đi qua dãy hành lang thăm thẳm nhưng giờ đây có con trong tay, tôi thấy chẳng sợ gì nữa. Ảnh minh họa: Nguyên Mi
Sáng, chị gái bồng con tôi qua phòng sản xin sữa, tôi lại được đẩy về phòng hậu phẫu nghỉ ngơi. Lúc ấy, tôi thấy mình như được sống lại. Nỗi đau lúc ở phòng hồi sức trở thành ám ảnh mà chỉ tôi mới biết. Tôi không miêu tả được nó như thế nào, chỉ biết nói rằng chết đi sống lại.
Rồi tôi tập xoay người, tập ngồi dậy, tập cho con ti. Mỗi lần cử động là một lần vết thương căng ra nhưng phải cố vì sợ dính ruột. Con thì khóc ngằn ngặt vì đói sữa, bác phải bế đi xin.
Sau một ngày dài, cuối cùng sữa mẹ về, con cũng được no nê. Lúc ấy tôi thấy mình thật vô dụng, chẳng làm được bất cứ thứ gì. Nhưng rồi thấy con say giấc, ngủ ngoan trong lòng tôi lại thấy dù thế nào cũng đáng giá…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.