Dấu ấn Thanh Niên trên miền biên viễn: Dựng nhà 'nhà đoàn kết' ở A Mú Sung

03/01/2021 10:22 GMT+7

“Phải gọi nhà văn hóa thôn Nậm Giang 1 là “nhà đoàn kết” mới đúng, vì đây là địa chỉ sum họp, kết nối cộng đồng người Mông trên mảnh đất nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt trong dịp lễ, tết, hội hè".

Đó là chia sẻ của thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng A Mú Sung (H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai) khi đánh giá về công trình nhà văn hoá thôn Nậm Giang 1 do bạn đọc Báo Thanh Niên tài trợ hơn 400 triệu đồng kinh phí xây dựng.

Thanh Niên giúp tiền, tôi tiếc gì miếng đất”

Trở lại xã A Mú Sung (H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nơi con sông Hồng từ Trung Quốc chảy vào địa phận Việt Nam những ngày cuối năm 2020, mảnh đất địa đầu Tổ quốc đã có nhiều đổi thay. Đường bê tông khang trang chạy dọc khắp các thôn, không còn phải "tăng bo" chở vật liệu bằng xe máy như hồi xây nhà văn hoá thôn Nậm Giang 1 nữa.
Ông Sùng A Phừ, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Giang 1, nguyên là Bí thư Đảng bộ xã Nậm Chạc, hiện là người giữ chìa khóa, trông coi công trình này. Bên hiên nhà hội trường, hàng trăm bao xi măng xếp gọn thành từng chồng lớn.
“Xi măng này  của doanh nghiệp hỗ trợ mới chở về, đang xếp tạm ở đây chờ phát cho dân làm chuồng chăn nuôi gia súc, hơi bừa bộn tí thôi nhưng thế này để thấy giá trị thiết trực của công trình này, trước đây làm gì có chỗ tập kết tránh mưa, nắng như thế này”, ông Phừ nói.
Dấu ấn Thanh Niên trên miền biên viễn: Dựng nhà 'nhà đoàn kết' ở A Mú Sung - Ảnh 1.

Công trình Nhà văn hoá thôn Nậm Giang 1 do Báo Thanh Niên kết nối, vận động tài trợ kinh phí xây dựng Ảnh Phan Hậu

Khi chúng tôi ngỏ lý trở lại thăm công trình này, lãnh đạo Đồn biên phòng A Mú Sung đã hẹn trước để gặp được ông Phừ - một người Mông rất tâm huyết xây dựng nhà văn hoá thôn Nậm Giang 1. Gia đình ông Phừ đã hiến tặng 500 m2 cho thôn để xây dựng công trình thật rộng rãi, khang trang. 
Nhà ở trong thôn, ông Sùng A Phừ không lạ gì chuyện, mỗi lần có công việc lớn, trưởng thôn lại đi nhờ phòng học ở các điểm trường hoặc mời dân đến nhà để họp. Nhà văn hóa cũ chỉ là một gian cấp 4 “be bé con con” không đủ chỗ ngồi.
Dấu ấn Thanh Niên trên miền biên viễn: Dựng nhà 'nhà đoàn kết' ở A Mú Sung - Ảnh 2.

Ông Sùng A Phừ (phải), người tình nguyện hiến đất để mở rộng quy mô xây dựng nhà văn hóa thôn Nậm Giang 1 Ảnh Phan Hậu

Trong khi đó, thôn Nậm Giang 1 có 57 hộ người Mông thì một nửa là hộ nghèo nên việc vận động đóng góp xây dựng nhà văn hóa gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. “Khi các anh biên phòng thông tin Báo Thanh Niên giúp vận động kinh phí xây dựng thì tôi  nhà tôi cũng chẳng tiếc gì mảnh đất để xây dựng nhà văn hoá rộng rãi cho bà con lấy nơi sinh hoạt”, ông Phừ nói.

Mái nhà sum họp, củng cố tình đoàn kết!

Trao đổi với Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng A Mú Sung, cho biết theo chủ trương của UBND H.Bát Xát, đến cuối năm 2019 các xã phải hoàn thành chỉ tiêu nhà văn hóa ở cấp thôn. Thực tế mỗi suất đầu tư ngân sách xây dựng 1 nhà văn hoá tiêu chuẩn dài 16,5 m và rộng 9 m chỉ có 70 triệu đồng, số còn lại thì vận động người dân đóng góp theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.
Dấu ấn Thanh Niên trên miền biên viễn: Dựng nhà 'nhà đoàn kết' ở A Mú Sung - Ảnh 3.

Nhà văn hóa thôn Nậm Giang 1 mới được cấp thêm thiết bị âm thanh để phục vụ tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng Ảnh Phan Hậu

Nhưng thực tế ở các xã biên giới, người dân rất nghèo, không có gì để đóng góp. Ở địa bàn biên giới, các đồn biên phòng ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới thì còn một nhiệm vụ khác là hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế xã hội, giúp đỡ người dân trong lao động sản xuất. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ chỉ huy trong đồn gần như phải tận dụng các mối quan hệ kết nối tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ địa phương, bà con nhân dân. Trong công trình này, thôn Nậm Giang đã được Báo Thanh Niên hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng công trình.
Cũng theo thượng tá Sơn, nhà văn hoá là công trình có ý nghĩa đặc biệt, khi đây là điểm kết nối, sum họp chung cộng đồng cư dân biên giới. Trong nhiều sự kiện, hoạt động, đồn cử cán bộ, chiến sĩ xuống thôn sinh hoạt chung vui với bà con.
“Từ hội họp bàn việc thôn đến văn hóa, văn nghệ ngày các ngày lễ, hội, tết đều diễn ra ở đây thế nên công trình này như là điểm kết nối, củng cố tinh thần đoàn kết cộng động ở vùng biên giới”, thượng tá Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.