Dân nhậu được quyền quay phim CSGT đo nồng độ cồn với điều kiện gì?

14/01/2020 12:26 GMT+7

Theo Thông tư 67/2019 của Bộ Công an, người dân được quyền quay phim CSGT đang đo nồng độ cồn cũng như đang làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhưng có vài điều kiện kèm theo, đó là những điều kiện gì?

Trong một lần Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) đang kiểm tra nồng độ cồn với người chạy xe trên đường Phạm Văn Đồng thì người vi phạm phản ứng dữ dội.
Nhiều người đi ngang qua thấy vậy liền dừng lại xem, có người lấy điện thoại ra quay trực tiếp để phát trên Facebook. Thậm chí có người còn đậu xe dưới lòng đường rồi tiến sát lại chỗ CSGT đang lập biên bản để nghe cho rõ hai bên nói chuyện gì với nhau.

Vợ việt kiều Pháp cãi tay đôi với CSGT vì chồng uống 1 ly bia bị giam xe

Giao thông qua đoạn này bị ùn ứ ngay sau đó, CSGT yêu cầu mọi người đứng vào vỉa hè để đảm bảo an toàn giao thông và nhường đường cho các phương tiện khác di chuyển. Nhưng có 1 trường hợp vẫn không chịu hợp tác, mà lớn tiếng: “Tôi có quyền quay các anh mà”.
Tổ trưởng tổ công tác giải thích: “Anh có quyền quay nhưng không được để ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác. Anh đứng giữa đường thế này xe nào đi qua tông trúng anh thì ai chịu trách nhiệm”.
Dù vậy, người quay phim này vẫn không chấp nhận lời đề nghị của CSGT mà vẫn đứng đó, vừa quay phim vừa khích người vi phạm tiếp tục phản ứng.

Người dân đứng xem CSGT làm nhiệm vụ tại địa bàn Đội CSGT Bến Thành

Ảnh: Độc Lập

Trước đó, nhiều tổ công tác CSGT đang đo nồng độ cồn cũng liên tục có những người tò mò dừng lại xem, livestream khiến các phương tiện đi phía sau bị cản đường.
Theo Thông tư 67/2019 của Bộ Công an có hiệu lực từ 15.1.2020 quy định, người dân được quyền giám sát CSGT nhưng phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.
Cụ thể, Thông tư đưa ra 5 hình thức giám sát của người dân gồm:
- Thông qua các thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.
- Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
- Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; Việc giám sát phải được thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Một trường hợp đang chạy xe dừng lại xem CSGT đo nồng độ cồn bị kiểm tra nồng độ cồn và giam xe

Ảnh: Độc Lập

Lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM cho biết, từ trước đến nay, CSGT TP.HCM vẫn để người dân quay phim, chụp hình khi CSGT làm nhiệm vụ bình thường, đặc biệt là các chuyên đề nồng độ cồn. Các trường hợp cán bộ phản ứng khi người dân quay clip thường là vì người dân dí sát điện thoại vào mặt CSGT gây phản cảm, hoặc đứng quay tại vị trí không đảm bảo an toàn giao thông, ảnh hưởng đến những người đi đường khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.