Dân khát nước sạch, công trình tiền tỉ bỏ hoang

10/06/2017 08:39 GMT+7

Công trình nước sạch được đầu tư gần 6 tỉ đồng để cung cấp nước cho gần 300 hộ ở xã Bình Lãnh (H.Thăng Bình, Quảng Nam), nhưng chỉ mới đưa vào sử dụng được 3 tháng thì bỏ hoang.

Tháng 3.2014, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung tại thôn La Ngà (xã Bình Lãnh, H.Thăng Bình) với mức kinh phí đầu tư 5,7 tỉ đồng. Công trình lấy nước từ hai nguồn là hồ Cao Ngạn và nguồn nước tự chảy nối từ đập và mương Cẩm La, đã được đưa vào sử dụng cung cấp nước cho gần 300 hộ dân từ tháng 1.2015. Thế nhưng, hoạt động được 3 tháng thì công trình bỏ hoang cho đến nay.
Có mặt tại công trình, chúng tôi thấy nhà điều hành có một bể lọc, hai bể chứa nước xuống cấp đang trơ đáy. Hệ thống lọc nước mục nát, rêu bám đầy, nhiều ống nhựa dẫn nước bị bể hỏng nặng. Khuôn viên nhà máy cỏ dại mọc um tùm, một số thiết bị đo mực nước và lọc nước vào trong bể cùng hệ thống điều hành cũng bị hỏng, van gỉ sét.
Ông Võ Hồng Khanh (67 tuổi, ở thôn La Ngà) dẫn chúng tôi ra xem công trình, buồn bã nói: “Công trình xây dựng lên chưa bao lâu thì giờ lại bỏ hoang”.
Bà Võ Thị Mực (76 tuổi) cho biết bao đời nay người dân phải sống chung với nguồn nước nhiễm phèn, khi nghe tin nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch, ai nấy đều rất vui mừng. “Công trình xây dựng quy mô lớn, được đầu tư tiền tỉ mà người dân thì không có nước để dùng, thật là nghịch lý. Để có nước uống, ngày nào gia đình tôi cũng đạp xe gần 1 km để xin nước”, bà Mực bức xúc nói.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lãnh, cho biết công trình nước sạch sau khi hoàn thành thì được bàn giao cho Hợp tác xã nông nghiệp quản lý và vận hành, khi người dân dùng nước thì đơn vị quản lý thu với giá 4.000 đồng/m3. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động một số hộ dân đã tự ý cắt đường ống phía trước, không cho nước chảy qua đồng hồ nhằm "ăn gian" để lấy nước tưới cây cối.
Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình dùng nước nhưng không chịu đóng tiền khiến đơn vị quản lý thua lỗ nên không có kinh phí vận hành, bảo trì công trình, vì vậy đành phải đóng cửa cho đến bây giờ. “Thời gian tới chính quyền xã sẽ mở cuộc họp để lấy ý kiến của người dân, đồng thời có văn bản gửi lên UBND H.Thăng Bình xin hỗ trợ nguồn vốn sửa chữa lại công trình phục vụ nước sinh hoạt cho bà con”, ông Thiện nói.

tin liên quan

Sawaco khẳng định chất lượng nước máy TP.HCM an toàn
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết vừa qua một số phương tiện truyền thông đưa tin việc UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ việc sử dụng các loại ống gang nguồn gốc từ các công ty Trung Quốc có ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hay không theo đơn thư của ông Trương Văn Hải, nguyên cán bộ Sawaco. 
Cách trả lời của chính quyền địa phương như vậy là không thuyết phục, vì những biện pháp như yêu cầu người dân trả tiền khi sử dụng nước, bảo vệ đường ống để đảm bảo cho công trình vận hành... tại sao lại không được áp dụng triệt để? Để rồi ngân sách phải chi hàng tỉ đồng bây giờ lại để lãng phí, trong khi người dân thì luôn khát nước sạch!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.