Dân khát, nhà máy nước sạch 80 tỉ đồng vẫn ngổn ngang!

23/08/2019 10:40 GMT+7

Sau 5 năm triển khai xây dựng, nhà máy nước sạch cấp nước cho gần 20.000 người dân các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (H.Cẩm Thủy) và Yên Lâm (H.Yên Định, Thanh Hóa) vẫn là công trường ngổn ngang, nằm phơi mưa phơi nắng.

Tháng 10.2014, do “sức nóng” từ vụ việc Công ty CP Nicotex Thanh Thái (đóng trên địa bàn xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm của H.Cẩm Thủy) gây ô nhiễm môi trường khi sản xuất, đóng gói thuốc trừ sâu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư, xây dựng nhà máy nước sạch để cấp nước cho gần 20.000 người dân 2 xã của H.Cẩm Thủy và xã Yên Lâm (H.Yên Định), là vùng giáp ranh nhà máy.

“Thân” sống bên nhà máy thuốc trừ sâu, “hồn” ngóng tin nhà máy nước sạch

Ông Đặng Quang Thuật (65 tuổi, ngụ thôn 2 Tiên Lăng, xã Cẩm Vân) bức xúc nói: “Cứ ngỡ sau vụ thuốc trừ sâu, chúng tôi sẽ nhanh chóng có nước sạch để dùng, ai ngờ đã 5 năm qua vẫn chưa có. Không biết đến bao giờ người dân mới có nước sạch để sử dụng, trong khi nhà máy xây dựng dở dang, dừng thi công đã hơn 1 năm nay”.

Người dân mỏi mòn chờ nước sạch, trong khi nhà máy chưa biết khi nào hoàn thành

Hiện trạng tại khu vực xây dựng, các khu nhà được xây thô, chưa lợp mái, xung quanh cỏ dại mọc um tùm. Các bể chứa nước thô, nước sạch cũng trong tình trạng đào đắp dở dang… Hệ thống đường ống dẫn nước đến các thôn, xã nhiều điểm đã bị đứt, gãy. Nhìn toàn cảnh dự án không khác gì “dự án chết yểu”, vừa lãng phí tiền của nhà nước, vừa khiến người dân bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (48 tuổi, ngụ thôn 5 Quan Phát, xã Cẩm Vân) cho biết, rất nhiều lần người dân kiến nghị sớm hoàn thành nhà máy để có nước sạch sử dụng, nhưng đều không tác dụng. Trong khi đó, dù vẫn ám ảnh và nghi ngại nguồn nước ngầm đang sử dụng ít nhiều có ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu nhưng hằng ngày, người dân vẫn phải sử dụng ăn uống vì không còn cách nào khác.
Trước đó, tháng 8.2013, hàng ngàn lượt người dân các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm tập trung dựng lều, lán chặn đường vào nhà máy của Công ty CP Nicotex Thanh Thái, khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra. Sau đó, Công an tỉnh Thanh Hóa kết luận, công ty này đã có hành vi chôn lấp thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng trong khuôn viên đất của công ty.
Ông Trương Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, xác nhận nhà máy nước sạch đã dừng thi công từ tháng 6.2018. Bản thân ông Hòa cũng không rõ nguyên nhân, vì đối với địa phương, chỉ tổ chức giải phóng và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Đại Minh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Thanh Hóa, cho biết nguyên nhân chính dẫn tới dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn. Ông Minh cũng cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại (tháng 8.2019), dự án mới được cấp 43 tỉ đồng từ nguồn T.Ư hỗ trợ, khối lượng thi công mới đạt khoảng hơn 57%. Riêng nguồn vốn 13,2 tỉ đồng từ ngân sách địa phương, đến nay vẫn chưa được bố trí đồng nào.
“Mặc dù chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị với tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để tiếp tục hoàn thành dự án”, ông Minh nói.
Nhà máy nước sạch xây dựng ngay cạnh sông Mã, ở xã Cẩm Vân, có công suất thiết kế 2.250 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 80,03 tỉ đồng. Trong đó, vốn T.Ư hỗ trợ là 66,83 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương là 13,2 tỉ đồng. Dự án do Sở NN-PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư, ủy thác quản lý dự án cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Thanh Hóa (đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa) thực hiện. Theo kế hoạch, tháng 3.2018 nhà máy xây dựng xong và đi vào hoạt động. Nhưng đến nay nhà máy vẫn dở dang các hạng mục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.