Dân Chi Lăng đổi đời nhờ trồng na

22/08/2017 07:48 GMT+7

Người dân huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) bao đời nay sống bằng nghề trồng na nhưng vẫn không thoát nghèo. Từ khi cây trồng này được chuyển đổi sang mô hình VietGap, đã giúp người dân đổi đời.

Dẫn chúng tôi đến thăm một số mô hình trồng na an toàn ở thôn Quán Thanh (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng), ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, cho biết phát huy lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, những năm gần đây, huyện chủ trương mở rộng diện tích đất trồng na. Huyện đã vận động nhân dân khai thác, tận dụng diện tích đất ở các chân núi, triền núi khó canh tác cây nông nghiệp truyền thống để cải tạo thành đất trồng na.
Qua đó, năm 2015, tổng diện tích trồng na của toàn huyện là 1.200 ha, năm 2016 là hơn 1.300 ha và đến nay diện tích đạt 1.500 ha. Hiện, Chi Lăng là vùng sản suất na tập trung lớn nhất cả nước, với sản lượng hàng năm đạt 15.000 tấn.
Na Chi Lăng có hương vị đặc trưng riêng, nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Khi vào vụ, rất nhiều thương lái trong nước và người Trung Quốc đến tận vườn đặt mua. Nhiều gia đình người Tày, Nùng, Kinh ở Chi Lăng nhờ phát triển mô hình trồng na trên núi đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Vụ mùa năm 2016, có nhiều gia đình thu nhập 300 - 400 triệu đồng từ trồng na.

tin liên quan

Dân sành ăn lùng mua na 'khủng' 300.000 đồng/kg
Mới xuất hiện tại Hà Nội chưa lâu, quả na Đài Loan đang được những người sành ăn ưa thích. Không chỉ có vị ngọt thơm đặc biệt, loại trái cây nhập ngoại này còn to gấp 3 - 4 lần na Việt Nam.
Tại vườn nhà, chị Đàm Thúy Hằng (37 tuổi, dân tộc Nùng) cho biết, gia đình chị đã trồng trên 1.000 cây na theo tiêu chuẩn VietGap, với nhiều ưu thế về chăm sóc, bảo quản, nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Theo chị Hằng, mấy năm về trước, na bị bệnh chết cây, hỏng quả nhiều, và biết quả na chín nhanh, không để được lâu nên tư thương tìm cách ép giá. Do đó, trồng na vất vả nhưng cái nghèo cứ đeo bám người nông dân Chi Lăng.
“Gần đây, nghề trồng na được quan tâm và chuyển đổi mô hình nên sản lượng, chất lượng quả tốt hơn hẳn. Dân cũng không lo đầu ra nên gia đình tôi thu nhập khoảng 300 triệu đồng/vụ. Nhờ quả na, tôi đã xây được nhà, sắm sửa được các đồ dùng tiện nghi phục vụ cuộc sống”, chị Hằng phấn khởi nói.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, cho biết huyện xây dựng vùng na VietGap để hướng đến nhân rộng trên toàn huyện. Năm 2017, huyện sẽ tiếp tục xây dựng 50 ha na VietGap tại xã Quang Lang. Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện Chi Lăng tổ chức nhiều chương trình, hội nghị phát động sản xuất na an toàn với nội dung đánh giá, tổng kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, vận động người dân sử dụng chất bảo vệ thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn và quy định để nâng cao chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.