Dân cầm 'sổ đỏ' trồng keo lá tràm trước khi có quy hoạch rừng phòng hộ

Hữu Trà
Hữu Trà
18/04/2019 07:43 GMT+7

Người dân ở xã Duy Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) hết sức bức xúc khi cả 1.000 ha đất trồng keo lá tràm "lọt" vào quy hoạch rừng phòng hộ, gây ra nhiều hệ lụy...

Theo UBND xã Duy Sơn, năm 2017, thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Nam về điều chỉnh, quy hoạch 3 loại rừng, tại địa bàn xã Duy Sơn có hơn 5.000 ha đất rừng nằm trong quy hoạch rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Trong số này, có 1.000 ha đất rừng sản xuất đã trồng cây keo lá tràm.
Gia đình ông Huỳnh Tấn Thành (ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn), cho biết trồng 4 ha keo lá tràm, đã đến kỳ khai thác nhưng nay đều nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ. Ông Thành cho biết gia đình ông và bà con trong xã trồng keo lá tràm từ lâu trên đất rừng sản xuất, không “nghe nói gì” về chuyện quy hoạch rừng phòng hộ.
Nhiều người bỏ vốn lớn, vay mượn hàng xóm, thậm chí mang “sổ đỏ” đi cầm ngân hàng để có kinh phí đầu tư trồng keo lá tràm. Đùng một cái, xã thông báo quy hoạch rừng phòng hộ, hằng năm chỉ được khai thác hạn chế (20% tổng diện tích). “Trồng 7 - 8 năm nay, đến giờ cho khai thác hạn chế thì thiệt hại cho dân lắm! Nếu khai thác số lượng ít thì không đảm bảo thu hồi vốn, có khi còn bị lỗ to vì tiền công thu hoạch quá cao. Số cây còn lại, nếu lỡ xảy ra thiên tai, gió bão gãy ngã hết, thì dân chỉ có chết mà thôi”, ông Thành lo lắng.
Ông Nguyễn Phước Minh, Phó chủ tịch UBND xã Duy Sơn, cũng xác nhận người dân địa phương đầu tư kinh phí lớn để trồng keo lá tràm trước khi có quy hoạch rừng phòng hộ. Trong số này, nhiều diện tích trồng keo đã đến kỳ thu hoạch, nhưng nếu chỉ cho “thu hoạch hạn chế” thì người dân không đủ chi phí. Chính vì vậy, chính quyền xã mong cấp trên tạo điều kiện cho người dân sống được với rừng, điều chỉnh số lượng khai thác.
Ông Trần Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Duy Sơn, phân tích: Nếu gia đình nào trồng số lượng nhiều, cho khai thác 20% diện tích còn chấp nhận được. Nhưng với gia đình có 1 - 2 ha mà “hạn chế” như vậy thì biết khai thác kiểu gì, phải mất 5 năm mới thu hoạch hết 1 ha. Chưa kể, số lượng khai thác ít khó kêu được nhân công, mỗi đợt thu hoạch cũng chỉ vừa đủ bù tiền công. Vì vậy, ông Đồng kiến nghị sớm chuyển đổi mục đích từ rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất, hoặc phải có chính sách đền bù kinh phí mà người dân đã trồng keo trên đất rừng phòng hộ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định đã nắm thông tin về việc người dân “gặp họa” khi quy hoạch đất rừng sản xuất thành rừng phòng hộ tại xã Duy Sơn. Ông Thanh cho biết UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT soạn thảo đề án về quản lý, chuyển đổi khu vực rừng phòng hộ; tạo điều kiện cho người dân khai thác rừng, làm các thủ tục để bồi thường thiệt hại cho người dân.
“Hiện Sở NN-PTNT đang hoàn thiện đề án, để UBND tỉnh trình HĐND thông qua làm cơ sở ban hành cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bị chuyển đổi từ đất rừng sản xuất thành rừng phòng hộ. Đồng thời, có cơ chế theo đúng quy định của nhà nước để người dân tiếp tục trồng các loại cây phù hợp và được phép khai thác ở một mức độ hợp lý”, ông Thanh nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.