'Đại tiệc' hố đen giữa Dải Ngân hà

14/04/2018 20:32 GMT+7

Theo báo cáo trên chuyên san Nature, trung tâm của thiên hà chúng ta dường như đang chứa hơn 10.000 hố đen cỡ nhỏ, nhưng chỉ được phát hiện mới đây.

Các hố đen này có thể giúp giới chuyên gia giải thích được lịch sử của Dải Ngân hà, cũng như hiểu thêm về các thiên hà khác trên diện rộng. Một số tương tác với các ngôi sao xung quanh và siêu hố đen khổng lồ Sagittarius A*, vốn đóng vai trò là lõi của thiên hà.
“Dải Ngân hà thật sự là thiên hà duy nhất mà chúng ta có thể nghiên cứu cách thức các siêu hố đen tương tác với các đồng loại nhỏ hơn, đơn giản bởi vì con người không thể quan sát được các tác động qua lại này ở những thiên hà khác”, theo tác giả Chuck Hailey, nhà vật lý học thiên thể của Đại học Columbia (Mỹ).
Giới thiên văn học từ lâu vẫn cho rằng có thêm nhiều hố đen đang lẩn khuất ở khu vực này của thiên hà, nhưng đây là báo cáo cung cấp chứng cứ đầu tiên cho giả thuyết đó. Các hố đen trong cuộc nghiên cứu đã hình thành sau khi các ngôi sao khổng lồ sụp đổ, khởi đầu cho một cuộc sống mới hoàn toàn khác biệt.
Các vật thể, cực kỳ đậm đặc đến nỗi ánh sáng một khi đã lọt vào không thể thoát ra, được cho là đã lũ lượt di tản đến trung tâm thiên hà, lý giải tại sao các nhà khoa học lại tìm được chúng ở số lượng đông đảo tại nơi cách trái đất khoảng 26.000 năm ánh sáng.
Nhóm của chuyên gia Hailey đã phát hiện cộng đồng đông đảo các hố đen nhờ vào dữ liệu do Đài quan sát tia X Chandra thu thập được. Ban đầu, họ săn lùng các hệ hố đen đôi, bao gồm một ngôi sao và một hố đen bị khóa chặt vào nhau trong một vũ điệu trong vũ trụ.
Hệ này thường xuyên tỏa ra bức xạ tần số thấp, và trong quá trình tìm kiếm dạng bức xạ đó, viễn vọng kính Chandra bắt được sự tồn tại của hơn 10.000 hố đen ở giữa Dải Ngân hà. Trong khi trung tâm của thiên hà chúng ta tất nhiên sẽ phá hủy mọi thứ lạc vào nơi này, nhưng về khía cạnh vũ trụ, đây là vùng đất của sự sáng tạo.
“Nó giống như một mảnh đất màu mỡ cho phép nuôi dưỡng các ngôi sao lớn, trước khi chúng đổ sụp và biến thành các hố đen và kế đến tiếp tục săn đuổi những ngôi sao khác”, ông phân tích.
Toàn bộ quá trình sẽ tạo “phân bón” cho mọi thứ khác trong vũ trụ, tống ra các nguyên tố nặng giúp hình thành những ngôi sao, hành tinh mới, và biết đâu, ở một số nơi may mắn hơn, sự sống sẽ sinh sôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.