Cựu chiến binh BSR với Gạc Ma

18/12/2015 08:00 GMT+7

Những thành quả mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt được trong những năm qua, có một phần đóng góp quan trọng của số cựu binh BSR.

Những thành quả mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt được trong những năm qua, có một phần đóng góp quan trọng của số cựu binh BSR.

 Đại diện Hội cựu chiến binh Nhà máy lọc dầu Dung Quất tặng quà mẹ liệt sĩ Gạc Ma tại Phú yên Đại diện Hội cựu chiến binh Nhà máy lọc dầu Dung Quất tặng quà mẹ liệt sĩ Gạc Ma tại Phú yên
BSR là chữ viết tắt của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, tức Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Công ty này có 73 người từng tham gia quân đội. Họ đứng ra thành lập hội, vừa làm nơi sinh hoạt cho những người từng mặc áo lính, nhưng cái chính là họ muốn đóng vai trò làm hạt nhân để thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất của nhà máy. Những thành quả mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt được trong những năm qua, có một phần đóng góp quan trọng của số cựu binh này.
Tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chính Minh do Hội Cựu chiến binh VN tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu rất ấn tượng với phần báo cáo của Hội cựu chiến binh BSR, đặc biệt là phần nói về những hoạt động của Hội trong chương trình “Về với mẹ liệt sĩ Gạc Ma”. Có thể nói, chính Hội cựu chiến binh BSR mà người lĩnh xướng là anh Đặng Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đã bắc nhịp cầu đầu tiên nối tấm lòng của đồng bào cả nước với những thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Cho đến hôm nay, khi cái tên Gạc Ma đã trở nên quen thuộc đối với mọi người Việt Nam thì anh Đặng Hồng Sơn cũng không dám nghĩ rằng, từ một nghĩa cử nhỏ của Hội cựu chiến binh BSR mà đã dấy lên thành phong trào tri ân liệt sĩ Gạc Ma lan rộng trong đồng bào cả nước đến như vậy.
 Ban lãnh đạo Hội cựu chiến binh Nhà máy lọc dầu Dung Quất thắp nhang tri ân các liệt sĩ nhân Ngày Thương binh liệt sĩ

Ngày 22.12.2011, nhân cuộc gặp mặt một số anh em từng khoác áo lính ở Quảng Ngãi, có ai đó nhắc đến chuyện 64 người lính đã ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma vào tháng 3.1988, anh Đặng Hồng Sơn, Chánh Văn phòng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cũng là một cựu binh tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1986, gợi ý với phóng viên Báo Thanh Niên đang tham gia cuộc vui nói trên: “Năm 2013 tới là kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra trận hải chiến Gạc Ma làm 64 anh em mình hy sinh, nếu các anh ủng hộ thì Hội Cựu chiến binh Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ cùng với Báo Thanh Niên tổ chức cuộc gặp mặt những bà mẹ và những người thân của 64 liệt sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh”. Đây là một đề xuất rất hợp tình và đầy ơn nghĩa. Vì cho đến lúc bấy giờ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hai tiếng Gạc Ma không được mấy người dân Việt Nam biết đến. Trận hải chiến bi hùng ngày 14.3.1988 cũng không được nhắc nhiều trên báo chí. Vì vậy, tổ chức được cuộc gặp mặt nói trên sẽ mang nhiều ý nghĩa. Đối với Báo Thanh Niên, vốn đã quen tổ chức các sự kiện lớn, song tổ chức cuộc gặp mặt những người thân của các liệt sĩ như Gạc Ma thì lại chưa từng. Khó khăn đầu tiên không phải là chuyện kinh phí, vì Hội Cựu chiến binh Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, đặc biệt là ban lãnh đạo Nhà máy lọc dầu Dung Quất rất ủng hộ cho đề xuất này nên sẵn sàng chi tiền tối đa để tổ chức cuộc gặp mặt, mà cái khó nằm ở chỗ, đây là thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đúng như dự lường, cuộc gặp đó đã không thành dù Báo Thanh Niên và Hội cựu chiến binh BSR đã phát giấy mời đến tất cả các thân nhân liệt sĩ Gạc Ma sau một thời gian dài dò tìm địa chỉ rất vất vả. Biết tin sẽ có cuộc gặp mặt này, thân nhân của các liệt sĩ, nhất là các bà mẹ, vô cùng cảm động. Nhiều người không được khỏe song vẫn quyết tâm đến Cam Ranh. Tuy nhiên, khi nghe Ban tổ chức thông báo cuộc gặp bị hoãn, lòng ai cũng buồn rười rượi. Một lần nữa, “chất lính” trong người của các cựu binh BSR đã giúp họ vượt qua khó khăn, giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa và êm thắm.
Cùng với các phóng viên Báo Thanh Niên ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các cựu binh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại khoác ba lô lên đường, về tận vùng quê của 64 liệt sĩ để gặp gỡ thân nhân của các anh. Số tiền 640 triệu đồng mà Hội Cựu chiến binh của Tập đoàn Dầu khí tặng thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma trong dịp đó là rất đáng quý, song đáng trân trọng hơn là những người lính của Hội cựu chiến binh BSR đã không quản khó khăn để có mặt ở nhiều gia đình của các liệt sĩ. Một lời động viên và chia sẻ của các cựu binh này đã thành nguồn động viên to lớn đối với các mẹ.
Bắt đầu từ đợt khởi xướng ấy của Hội cựu chiến binh BSR cùng Báo Thanh Niên, một phong trào giúp đỡ thân nhân các cựu binh Gạc Ma đã lan ra cả nước. “Đó là việc làm mà chúng tôi cảm thấy hài lòng nhất trong các hoạt động của mình suốt 4 năm qua”, anh Đặng Hồng Sơn, Chủ tịch Hội cựu chiến binh BSR nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.