Cuối năm nghe 'vua lặn' kể chuyện vẫy vùng khắp biển Việt Nam

25/01/2017 20:02 GMT+7

“Mình già rồi, không còn ra biển cùng con cháu nhưng mỗi khi nhớ biển, tui đem những kỷ vật gắn bó với nghề lặn ra ngắm nghía, hồi tưởng thời “ăn nằm” dưới đáy đại dương”

Đó là lời bộc bạch của lão ngư Bùi Thượng, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Năm nay, lão ngư Bùi Thượng bước sang tuổi 77 nhưng trông vẫn cường tráng, minh mẫn. “Các cơ quan trong người tui vẫn chạy tốt, không có cái gì là yếu cả, chỉ yếu một thứ, đó là….tiền”, ông Thượng cười vang.

Khi nói về cuộc đời biển khơi gắn bó suốt gần 60 năm, lão ngư Thượng đứng phắt dậy đi nhanh đến tủ lấy ra một vỏ xà cừ, một vỏ ốc xác vàng và một chiếc cúp cầm đến ngồi trên ghế săm soi một hồi rất lâu. Ông bảo rằng những kỷ vật này là niềm tự hào về một thời trai trẻ, được ông nâng niu, gìn giữ như báu vật trong mấy chục năm qua.

“Không tự hào sao được, khi tui vừa tròn 23 tuổi đã trở thành nhà vô địch với chiếc cúp quốc gia môn lặn sâu do chính quyền Sài Gòn tổ chức thi tại đảo Lý Sơn vào năm 1963 để tuyển chọn những thợ lặn giỏi nhất vào đội trục vớt”, ông Thượng thổ lộ.

Vỏ ốc xà cừ, chiếc cúp vô địch quốc gia môn lặn sâu năm 1963 và vỏ ốc xác vàng là những kỷ vật mà lão ngư Bùi Thượng luôn nâng niu, giữ gìn HIỂN CỪ

Sinh ra từ biển, lớn lên từ biển, cuộc đời lão ngư Bùi Thượng gắn liền với biển khơi mênh mông. Mấy chục năm mưu sinh dưới đáy đại dương, ông như con rái cá vùng vẫy khắp mọi vùng biển của Tổ quốc, từ đảo Bạch Long Vĩ đến Thổ Chu, từ Hoàng Sa đến Trường Sa để săn tìm các loại ốc, ngọc trai, hải sâm, tôm hùm…

Suốt cuộc đời lặn biển, đó là những lần trong người cảm thấy ớn lạnh, chứ đã lặn xuống biển không sợ con gì, kể cả những con cá mập to như chiếc trực trăng khi nhìn thấy thợ lặn đeo kiếng, dây hơi cũng phải… chạy trốn.

Ông Bùi Thượng

Dù không còn nhớ đã lặn bắt được bao nhiêu hải sản dưới lòng biển sâu, nhưng bây giờ ông vẫn nhớ như in những ngày tháng lặn tìm ốc xà cừ, ốc xác vàng ở vùng biển khơi Đà Nẵng hay Hòn Mê (Thanh Hóa).

Ông kể, bắt ốc xà cừ dễ dàng hơn vì chỉ lặn sâu chừng 6 m nhưng ốc xác vàng phải lặn sâu dưới biển từ 30 m trở lên. Hành nghề lặn những năm 70 của thế kỷ trước vô cùng nguy hiểm, bởi thợ lặn không hề có các dụng cụ lặn nên chỉ cần một chút sơ sẩy là…lặn luôn dưới đáy biển.

Ấy vậy mà theo như ông lời ông, chỉ tính hơn 100 cặp ốc xác vàng lặn bắt được là bằng chứng về khả năng lặn hơn người cũng như sự gan lì của thợ lặn Bùi Thượng, người mà ngư dân Lý Sơn mệnh danh là “vua lặn” đất đảo.

Ông Thượng kể nhiều chuyện khá huyền bí, khó tin mà theo ông  khi giã từ nghề lặn mới dám nói ra. Đó là một hôm lặn tìm ngọc trai ở Hòn Mê, khi đang mải mê tìm kiếm ngọc trai, bỗng dưng lại nhìn thấy một hang đá bên ngoài có một hòn đá khá to, nước chảy mạnh làm hòn đá cứ đung đưa mở ra khép lại như cánh cửa và âm thanh kêu ken két nghe rợn cả người. Có lúc đang lặn lại nghe tiếng gà gáy, người nói văng vẳng bên tai. Theo ông, đấy là điềm báo xui xẻo. 

“Suốt cuộc đời lặn biển, đó là những lần trong người cảm thấy ớn lạnh, chứ đã lặn xuống biển không sợ con gì, kể cả những con cá mập to như chiếc trực trăng khi nhìn thấy thợ lặn đeo kiếng, dây hơi cũng phải… chạy trốn”, ông Thượng nói và mong ước rằng thế hệ lặn trẻ ở Lý Sơn hôm nay giỏi giang hơn thế hệ ông ngày trước, xứng danh với “vương quốc thợ lặn.

“Mình già rồi, không còn ra biển cùng con cháu nữa nhưng biển khơi vẫn luôn đau đáu trong tim. Khi nhớ biển, tui đem những kỷ vật gắn bó với nghề lặn ra ngắm nghía, hồi tưởng về thời “ăn nằm” dưới đáy đại dương”, ông Thượng bộc bạch.

Cũng theo ông Thượng, các vỏ ốc, trong đó trên đảo Lý Sơn duy nhất mình ông có một vỏ ốc xà cừ, là những hiện vật nhắc nhở con cháu luôn nhớ về tiền nhân đã bao đời bám giữ biển khơi và biết ơn biển đã ban tặng sản vật cho con người.

tin liên quan

Còn nhớ thì chưa mất Hoàng Sa
'Còn nhớ thì chưa mất Hoàng Sa', ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nói tại cuộc gặp với những nhân chứng từng chiến đấu, công tác trên quần đảo Hoàng Sa, vào chiều 19.1.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.