Cuối năm, chiêm ngưỡng người Tây Nguyên cúng... rừng

28/01/2019 20:39 GMT+7

Tây Nguyên đại ngàn là cả kho tàng văn hoá tột quý. Đó là cồng chiêng, là lễ hội….trong đó, có lễ cúng rừng độc đáo của người Jarai ở xã Ia Pếch, H.Ia Grai (Gia Lai).

[VIDEO] Theo chân người Tây Nguyên lên núi nướng gà, uống rượu cúng Thần Rừng
Từ nguồn kinh phí dịch vụ rừng trường rừng, xã Ia Pếch đã thuê 14 người bản địa Jrai bảo vệ 870 ha rừng thuộc xã này quản lý. Dù khu vực này luôn có nguy cơ nóng bỏng về tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, song diện tích rừng trên không bị xâm hại. Đặc biệt, vùng rừng này giáp ranh với rẫy của người dân song nhiều năm qua không có việc lấn đất làm nương rẫy.
Vùng rừng mênh mông, bạt ngàn để có được thành quả này thật không dễ. Đấy là công sức của cả cộng đồng bản địa nơi đây. Ông Rơmah Roi, một thành viên của tổ bảo vệ rừng nói: “Chúng tôi thay phiên nhau đi tuần tra trong rừng. Các ngày lễ tết chúng tôi tăng cường tuần tra nhiều hơn để bảo vệ rừng. Người các làng cũng biết vậy nên có kẻ xấu nào lai vãng, định phá rừng là báo cho chúng tôi ngay”.
 
Phụ nữ tham gia chuẩn bị cho lễ cúng
 
Những thành viên của tổ bảo vệ rừng luôn để điện thoại chế độ 24/24. Hễ có động tĩnh gì là họ sẵn sàng lên đường ngay. Từ 14 thành viên này, phong trào giữ khu rừng cổ thụ này cũng lan sang những người thân của họ và lan ra cả cộng đồng.
Rừng nhờ vậy đã được bình yên. Chim thú nhờ vậy cũng được yên và sinh sôi nảy nở về số lượng. Nhiều thành viên nói rằng họ thấy heo rừng cũng như nhiều dấu chân lớn nhỏ của chúng khi đi vào sâu trong rừng.
Cứ dịp này, khi mùa màng đã vãn, thóc đầy bồ, công việc cũng ngơi để đón năm mới, người Jarai khu vực này lại tổ chức lễ cúng rừng. Đây là một trong số những lễ hội đặc sắc, đậm chất văn hoá tâm linh của người bản địa.

 
Giữa bạt ngàn rừng thiêng, lời khấn của già làng Siu Tới, làng Ograng, xã Ia Pếch, H.Ia Grai (Gia Lai) vang vọng. Ông thay mặt dân làng, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cho những điều tốt đẹp đến với dân làng. Lễ vật cúng gồm chuột rừng, gà, heo, cơm lam, rượu cần.
Già cũng cầu cho cánh rừng mãi xanh, cho đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng chân vững, mắt sáng để giữ rừng thật tốt.
Già Tới cho biết: “Người Jarai nơi đây bao đời nay sống gắn bó mật thiết với rừng. Rừng giữ cho mưa thuận gió hòa, cho nước sản xuất, cho sinh hoạt từ rừng mà ra, cái cây làm nhà lấy từ rừng. Rừng với bà con rất quý, đặc biệt, trong thời chiến tranh, nếu không có rừng che chở, bảo vệ cho bà con được an toàn. Bởi vậy, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng giá trị của rừng vẫn còn nguyên vẹn và lễ cúng rừng vẫn được bà con tổ chức hàng năm. Bây giờ thời bình rồi, phải làm cho rừng mọc lại, cho tốt đẹp hơn".
Lễ cúng rừng được xem là một lễ lớn, quy tụ tất cả dân làng, từ người già cho tới người trẻ em, đàn ông và phụ nữ cùng vào rừng
Vị trí làm lễ thường được chọn ngay bên dòng suối để thuận lợi cho việc lấy nước phục vụ lễ cúng rừng cũng như để mọi người dùng sinh hoạt. Tùy theo điều kiện mà lễ cúng được tổ chức với quy mô khác nhau, nhưng thường lúc nào cũng có rượu ghè, cơm lam, gà nướng để cúng thần rừng.
Riêng năm nay, lễ cúng rừng của bà con làng Ograng được tổ chức lớn hơn khi có sự ủng hộ, cùng tham gia của cấp ủy, chính quyền cấp huyện và xã. Ông Siu Thunh, Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch, cho biết: “Hàng năm xã khuyến khích người dân tổ chức cúng rừng với mong muốn bảo vệ tốt môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe, rồi mong muốn là phát triển kinh tế có hưởng lợi từ rừng".
 
Điểm ấn tượng trong lễ cúng rừng là tất cả các vật dụng nếu cần thiết thì đều dùng từ những cây tre, nứa, lồ ô, không hề động đến cây rừng. 

 

Riêng phần than để nướng thịt thì dùng những cây củi khô có sẵn trong rừng. Đây là cũng là cách thiết thực nhất, ý nghĩa nhất để dân làng truyền cho các thế hệ tương lai tình yêu thiên nhiên, bảo vệ rừng.
Người các xã lân cận cũng được mời tham dự lễ cúng rừng này. Việc làm này đã trao đi thông điệp đến các cộng đồng khác về việc bảo vệ rừng.
Ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Ia Grai, nói: “Lực lượng chức năng bảo vệ rừng ở một địa bàn xã là rất ít, chỉ 1-2 người. Công tác bảo vệ rừng rất cần sự chung tay của người dân. Do đó, việc người dân ở xã Ia Pếch tổ chức lễ cúng rừng là một sự kiện rất ý nghĩa, góp phần rất lớn cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.