Cuộc hội ngộ của những nhà sáng chế "chân đất"

08/09/2007 23:25 GMT+7

Những gian hàng giản dị, thậm chí còn rất thô mộc của những nhà sáng chế "chân đất" tại triển lãm Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2007 (Techmart Vietnam 2007) thu hút rất đông khách tham quan. 16 nhà khoa học quần chúng - được Bộ Khoa học và Công nghệ mời tham gia giới thiệu những nghiên cứu của mình tại Techmart Vietnam 2007 tổ chức tại Đà Nẵng - đã làm ngày hội sôi động hẳn lên...

Nhiều người đến Techmart 2007 gọi họ là những nhà khoa học "4 không":  không kiến thức nền tảng, không có tiền, không có người ủng hộ, không có thời gian vì phải mưu sinh nuôi gia đình... Tự họ đã mày mò và sáng chế nên những loại máy móc khiến nhiều người có trình độ phải ngả mũ khâm phục.

"Cái máy ni là tui sáng chế, nhưng đã bán rồi. Mấy chú trong ban tổ chức báo chậm quá, mà yêu cầu một lúc đến 2 máy, tui mô có làm kịp, rứa là phải tức tốc đi mượn lại máy đã bán để đi triển lãm!". Ông Phan Văn Lệ (Nam Hải, thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) vội giải thích khi có người hỏi vì sao chiếc máy được trưng bày tại chợ lại cũ vậy. Là một nông dân, học vấn chỉ 7/12, nhưng ông được nhiều nông dân cả nước biết đến khi đã mày mò nghiên cứu chế tạo thành công chiếc máy tuốt hạt tiêu. Chiếc máy của ông có năng suất tuốt tiêu lên đến 1 tấn/giờ, thay thế đến 20 lao động. Vì sao ông lại có ý định chế tạo chiếc máy này? Ông Lệ tủm tỉm cười, rồi mãi mới trả lời: "Thì thấy bả (vợ ông - PV) mỗi khi tuốt tiêu cực quá, mà tui cũng là người rành cơ khí, không lý không nghĩ ra cách giúp vợ bớt cực. Nghĩ rứa nên tui làm, mày mò miết rồi cũng thành công chớ có chi mô". Hơn 70 chiếc máy tuốt hạt tiêu của ông đã được bán ra, nhiều nông trường tiêu cũng tìm đến ông để đặt hàng.

Đồng hương với ông Lệ, ông Văn Đức Huynh từ Hải Lăng, Quảng Trị giới thiệu chiếc máy tách hạt ngô tại "chợ". Chiếc máy gọn nhẹ, với một trục chính, một rãnh dẫn hướng trong lồng sắt, bánh đà, trục chính, thanh trượt, với chiều cao thân máy là 750 mm... Lần đầu tiên, trên thị trường xuất hiện loại máy tách hạt ngô, có thể thay thế cho 10 lao động tay chân. Ông Huynh là một trong những người đến "chợ" sớm nhất, nhưng chúng tôi khó lắm mới tìm được ông vì ông đi loanh quanh suốt. Hỏi, ông cười hiền lành: "Tui đi để học hỏi, lần đầu tiên tham gia cái hội chợ lớn như ri, toàn là thiết bị công nghệ cao, răng mà không ngợp cho được!". Ông kể lại: "Để chiếc máy ni hoàn thiện, phải trải qua 6 mùa bắp lận đó. Cứ tới mùa bắp là không thấy tui ở xưởng mô, tui xuống rẫy, lê chiếc máy đi khắp nơi, mấy người nông dân thấy tui xuống là giúp đỡ nhiệt tình, đem ngô xuống để cho tui tách thử hạt. Nhờ rứa mà chế tạo nên chiếc máy ni, không tốn tiền là mấy, chỉ tốn công là nhiều thôi. Sau này, chiếc máy hoàn thiện, những người từng giúp tui, tui đều bán máy giá rẻ hết. Nông dân mà, họ nghèo lắm".

Dây chuyền sản xuất bột cá của anh Lợi - Ảnh: D.Hiền

Từ đất mũi Cà Mau, chàng thanh niên tên Đặng Lợi cũng mang đến chợ những vật dụng khá cồng kềnh - dây chuyền sản xuất bột cá để giới thiệu cùng bạn bè trong nước và quốc tế. 5 năm trước, bằng kiến thức của 12 năm học tập và một thời gian ngắn học nghề điện cơ, Lợi đã mày mò nghiên cứu và đã chế tạo thành công dây chuyền này. So với sản phẩm nhập khẩu nước ngoài, dây chuyền của Lợi có giá cực rẻ và khắc phục được những khuyết điểm của loại sản phẩm này. 9 nhà máy trong và ngoài tỉnh đã tìm đến Lợi để mua dây chuyền sản xuất này. Cạnh đấy là gian hàng của anh Võ Đình Minh (Bình Định) với những chiếc xe dành cho người khuyết tật cũng đã khiến không ít người đến tham quan hội chợ phải khâm phục. Rồi những chiếc thuyền thúng phao an toàn cho người đi biển của ông Nguyễn Văn An...

Tranh thủ lúc rảnh, những nhà sáng chế "chân đất" này lại lân la sang những gian hàng cạnh để xem những người cùng xuất phát điểm với mình làm được những điều phi thường như thế nào. Trong khi mọi người trầm trồ về những sản phẩm của nhau, thì ông Huynh than thở: "Chợ họp tháng ni không trúng mùa bắp, nên tui không có bắp để trình diễn được cái máy cho mọi người thấy, chỉ nói bằng miệng thôi thì không thấy hữu hiệu. Thiệt là tiếc".

Họ, những người có trình độ học vấn không cao, đều có điểm chung là đã sáng chế ra các loại máy móc, thiết bị xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân mình hoặc những người xung quanh. Những sản phẩm hình thành đầy tâm huyết này đã tỏ ra không hề thua kém so với các thiết bị cao cấp đến từ các nơi trên thế giới. Bởi hơn ai hết, các nhà sáng chế "chân đất" này hiểu rõ những nhọc nhằn của người lao động, từ đó tạo nên những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc mưu sinh của họ. Chia tay tôi, ông Lệ nói một câu giản dị: "Mong muốn của tui là những sản phẩm ni đến được tay nhiều người, để họ bớt khó khăn khi làm việc".

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.