Cuộc hạnh ngộ định mệnh giữa cựu binh Mỹ với 2 phụ nữ Việt

01/05/2016 08:57 GMT+7

Đó là câu chuyện về cựu binh Mỹ - Neil Hannan (67 tuổi), về cuộc hạnh ngộ định mệnh của ông với hai người phụ nữ Việt trong và sau chiến tranh.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày cuối tháng 2.1968. Khi ấy, Neil Hannan, một thanh niên (19 tuổi) chính thức bước lên máy bay rời nước Mỹ với một tay súng, một tay hành trang và điểm đến là sân bay Chu Lai (chiến trường Quảng - Đà, VN).
Khi Neil Hannan bước xuống sân bay thì anh ta biết mình chính thức đặt chân vào chiến trường khốc liệt không có ranh giới giữa sự sống và cái chết. Nhưng có một điều mà ở thời điểm ấy, Neil Hannan và những người đồng đội sống sót của mình không thể lường trước được, đó là một cuộc khủng hoảng, ám ảnh chiến tranh, đạn lửa và chết chóc theo họ gần nửa thế kỷ.
Tôi thật sự sốc với những gì diễn ra trước mắt. Số người chết chóc và thương vong cả hai phía tăng dần. Đến ngày thứ 3, tôi bắt đầu di chuyển ra xung quanh và tiến đến những ngôi làng nhỏ, nơi có những tiếng kêu rên, đau đớn...
Cựu binh Mỹ Neil Hannan
Ngay khi xuống sân bay Chu Lai, Neil Hannan được đưa thẳng đến căn cứ quân sự của Lữ đoàn bộ binh 196 (Lục quân Mỹ) đóng tại khu vực Gò Dài (xã Bình Quý, H.Thăng Bình, Quảng Nam).
Khói lửa và đạn pháo Mỹ khiến cả khu vực xung quanh nơi này thành bình địa tan hoang.
“Tôi thật sự sốc với những gì diễn ra trước mắt. Số người chết chóc và thương vong cả hai phía tăng dần. Đến ngày thứ 3, tôi bắt đầu di chuyển ra xung quanh và tiến đến những ngôi làng nhỏ, nơi có những tiếng kêu rên, đau đớn…”, ông Hannan bồi hồi.
Tại một ngôi làng gần căn cứ bị pháo dội tan tác, Hannan nghe tiếng rên khóc vẳng ra từ một căn chòi đang cháy và anh đã lao đến. Trước mặt người lính trẻ là một bé gái chừng 7 - 8 tuổi (thực ra ở thời điểm đó, đứa bé đã 12 tuổi nhưng vì vóc dáng quá nhỏ nên Hannan nhầm - PV) bị một mảnh lớn của đạn pháo cắt đứt lìa cẳng chân.
Giữa cảnh tượng kinh hoàng, máu me lênh láng ấy còn có hai người lớn, không rõ là gì của đứa bé, nhưng cũng đang bị thương và tâm trí hoảng loạn. Họ khiếp hãi hơn khi thấy một người lính Mỹ ập vào, tay lăm lăm súng. Nhưng, thoáng thấy tia mắt hiền lành và đầy lo âu của người lính Mỹ, họ yên tâm để Hannan lại gần đứa bé.
Không kịp nghĩ nhiều, người lính ôm vội đứa bé chạy về phía đơn vị đóng ở khu vực Gò Dài để trị vết thương và buộc những người lính Mỹ phải cứu cô bé. Rồi Hannan lại bị cuốn vào những cuộc hành quân kéo dài. Câu chuyện dừng lại ở đó cho đến gần nửa thế kỷ sau…
Đi tìm cô bé cụt chân
Năm 2010, từ một miền quê hẻo lánh ở Alaska - một tiểu bang tận tây bắc Mỹ, người lính ngày nào chuẩn bị cho chuyến “trở về” của đời mình và hành trang là những tấm ảnh tư liệu cũ. Ông Hannan cùng với những người bạn thời còn ở Lữ đoàn bộ binh 196 quay trở lại Thăng Bình, Quảng Nam.
Từ khu vực ngã ba cây Cốc (QL1, đoạn qua địa phận H.Thăng Bình), ông lần tìm lại những cái tên như Gò Dài, Đỉnh Quế… địa danh ngày xưa trên sơ đồ quân sự của Mỹ. Những tấm ảnh tư liệu từ nửa thế kỷ trước ghi lại chiến sự ác liệt nơi đây cũng được lần mở, đối chiếu và kết nối. Ông quyết tìm lại cô bé mà ông gặp ở chiến trường năm xưa…
Theo người dân địa phương, cùng thời điểm ấy, tại khu vực mà Hannan nhớ mang máng và chỉ ra, có đến hai bé gái thương vong do đạn pháo. Một đã mất và một bị cắt cụt cẳng chân, được một người lính Mỹ cõng lên Gò Dài, sau đó được đưa lên máy bay trực thăng ra sân bay Chu Lai, rồi chuyển tiếp Bệnh viện Đà Nẵng chữa trị. Cô bé đó chính là bà Nguyễn Thị Sơn (58 tuổi, ngụ thôn Long Hội, xã Bình Phú, H.Thăng Bình).
Ông tìm gặp bà Sơn trong xúc động. Ông quỳ xuống, ôm lấy người phụ nữ nhỏ thó, nghèo khó, bệnh tật và khóc trước sự ngỡ ngàng của những người chứng kiến. Ký ức đứt đoạn gần nửa thế kỷ được chắp nối và hiện ra rõ mồn một…
Trở về Mỹ, ông dành dụm tiền từ những đồng hưu ít ỏi, từ công việc làm nông, rồi làm thuê… gửi sang VN để bà Sơn cải thiện cuộc sống. Ông gửi cả tiền để sửa sang lại căn nhà ọp ẹp, dột nát của bà, thậm chí đào cả giếng để đảm bảo nguồn nước sạch để bà dùng. Rồi ông liên hệ với y tế địa phương chăm sóc sức khỏe cho bà, đưa bà ra Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng để tập luyện, cải thiện vận động.
Đến năm 2011, ông cùng con gái của mình từ Mỹ sang VN thăm bà Sơn, mang theo thực phẩm, thuốc men, sữa để bà bồi bổ. Ông Hannan trang bị cho bà cả giàn sắt để tập đi, xe lăn để tiện di chuyển.
“Dù đã rất yếu vì bệnh tật hành hạ suốt thời gian dài, nhưng em gái tôi như được tiếp thêm nghị lực sống từ sự quan tâm chân thành của Hannan suốt hơn 2 năm trời, đến cuối năm 2012 thì em tôi qua đời. Tôi có thông tin cho ông Hannan, lúc ấy ông buồn lắm…”, ông Nguyễn Văn Phụng, anh trai bà Sơn, tâm sự.
Cuộc hạnh ngộ  định mệnh
Cựu binh Mỹ Neil Hannan bên mộ của bà Nguyễn Thị Sơn
Trả nợ ký ức
Sau khi bà Sơn vĩnh viễn ra đi, Hannan nghĩ mình thực sự sẽ khép lại nỗi ám ảnh dai dẳng của cuộc chiến tranh VN từ đấy. Nhưng đến năm 2015, khi ông Hannan quay lại VN thăm mộ bà Sơn và thắp cho bà nén hương, ông bắt gặp hình ảnh của người mẹ già yếu là bà Lưu Thị Thế (94 tuổi, mẹ bà Sơn), với đôi vai gầy rũ bên nấm mộ con, lòng ông trào dâng xúc động.
Ông giật mình nhìn lại, chợt thấy hình như mình nợ bà một đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Hannan thấy mình vẫn còn nặng tình lắm với mảnh đất cong hình chữ S, nơi cách quê nhà của ông đến nửa vòng trái đất.
“Tôi về Mỹ, vẫn chăm chỉ làm việc, dành dụm để đều đặn mỗi năm có thể sang VN thăm bà”, người cựu binh trầm ngâm cho biết. Và mỗi lần ông qua VN thì cảm giác cứ như đứa con xa trở về thăm bà mẹ quê. Hành trang của ông lỉnh kỉnh nào là thuốc bổ cho người già, thuốc khớp, thuốc giảm đau, quà bánh, rồi cả chục hộp sữa lớn để “mẹ” ông uống đến cả năm cũng không hết. Cứ thế, ông tỉ mỉ dặn dò ông Phụng (con trai bà Thế) từng thứ một, từ cách chăm sóc bà Thế, cho đến thuốc men…
Từ khi bà Sơn mất đi, căn nhà cũng trở nên lạnh lẽo, chẳng còn gì ngoài một bàn thờ nhỏ có di ảnh của bà. Ngay bên cạnh là một xấp ảnh của cựu binh Neil Hannan. Ngoài những hình ảnh chụp chung khi họ gặp lại nhau sau gần nửa thế kỷ, còn có rất nhiều ảnh của ông, thời thanh niên khi ông mới 19 tuổi. Đó là những bức ảnh ông sang ảnh ra, đưa bà Sơn xem để hy vọng bà nhận ra ông qua lớp ký ức bụi mờ.
Lặng người với mối nhân duyên kỳ diệu, bà May Lis Carlsen (một nữ y tá người Na Uy), bạn đồng hành của ông Neil Hannan trong lần trở lại VN này, cho biết bà vô cùng xúc động và đặc biệt trân trọng cảm xúc, câu chuyện của bạn mình. “Đó có thể là một câu chuyện rất đỗi bình thường trong và sau chiến tranh, nhưng quan trọng hơn cả là Hannan đã quay lại, và làm tất cả những gì ông muốn… Vì phần nhiều những người lính Mỹ không có điều kiện trở lại VN. Trở về từ sau cuộc chiến, chưa kể đến thương tật và mưu sinh khó khăn, thì nhiều người trong số họ không thể thoát khỏi ám ảnh chiến tranh, họ trầm cảm dai dẳng…”, bà May Lis chia sẻ.
Giữa cái nắng đầu hè, người cựu binh ngồi bên mộ bà Sơn, dùng bàn tay mình lùa từng lớp lá mục nát trên thềm ngôi mộ và miết những ngón tay rất lâu, rất vô thức trên nền đất. Tôi định hỏi ông đang nghĩ gì, nhưng khi nhìn sâu vào ánh mắt ông, tôi đã kịp hiểu, kịp thấy một sự mãn nguyện về những gì mình kịp làm và đang làm. Mắt ông bỗng trong hơn, xanh hơn với những tia vui lấp lánh y như cái hồi ông còn là cậu thanh niên 19 tuổi, y như thể ngày ấy, khi ông bước xuống trực thăng không phải là một Thăng Bình với chiến địa hoang tàn, chết chóc mà là cánh đồng hoa cỏ xanh rì tít tắp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.