Cúng đưa ông Táo về trời: Vì sao lại thả cá chép?

27/01/2019 09:34 GMT+7

23 tháng Chạp, nhà nhà chuẩn bị mâm cúng đưa ông Táo về trời rồi mang cá chép ra kênh, sông, hồ để thả cho ông Táo ‘cưỡi’ về trời. Câu chuyện này bắt đầu từ đâu và vì sao lại là cá chép?

Cúng tiễn ông Táo về trời từ lâu đã trở thành thói quen không thể thiếu của các gia đình Việt vào dịp tết. Mọi người bày biện mâm cúng, kèm theo cá chép, sau đó mang đi phóng sinh để ông Táo về chầu trời, thỉnh báo những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng Thượng Đế.
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ văn hóa Trần Long, Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) để tìm hiểu nguồn gốc câu chuyện cũng như phong tục cúng tiễn ông Táo của người Việt.

Nguồn gốc câu chuyện


Theo TS Trần Long, dân gian lưu truyền nhiều dị bản về câu chuyện sự tích ông Táo về trời. Tuy nhiên, dị bản được lưu truyền nhiều nhất đó là câu chuyện kể về hai vợ chồng quá nghèo khổ, quanh năm bán mặt cho đất, bá lưng cho trời. Người chồng phải đi tha phương cầu thực kiếm cơm, và trong một chuyến đi buôn xa, người chồng đã đi biền biệt không có tung tích gì.
Người vợ mỏi mòn chờ đợi, sau đó nghĩ rằng chồng đã mất nên đi thêm bước nữa. Một hôm, người chồng mới đi vắng thì bất ngờ chồng cũ trở về và cho biết do bị giặc bắt nên giờ mới trốn thoát về được. Người vợ ôm chồng cũ khóc than rồi dọn cơm cho chồng cũ ăn thì bất ngờ chồng mới về. Người vợ kêu chồng cũ ra đống rơm trốn tạm.
Tình cờ, người chồng mới đốt rơm để làm đồng làm anh chồng cũ chết, người vợ thấy vậy nhảy vào đống lửa. Chồng mới thấy vợ chết cũng đâm đầu vào lửa nên chết theo. Ba vợ chồng sau đó được Diêm Vương cho hóa làm ba ông đầu rau, chuyên chăm lo chuyện bếp núc trong nhà.
Dị bản khác lại tương truyền có hai vợ chồng vì quá nghèo khổ nên phải bỏ nhau để đi tha phương cầu thực. Người vợ may mắn lấy được một anh chồng giàu, có của ăn của để. Còn người chồng thì trở thành kẻ hành khất kiếm sống qua ngày.
Người Sài Gòn thả cá chép xuống kênh Nhiêu Lộc Vũ Phượng
Năm ấy vào đúng ngày 23 tháng Chạp, người vợ đang lúi húi đốt vàng mã ngoài sân thì có một người ăn xin ăn mặc tả tơi, nhem nhuốc bước vào, nhận ra đó chính là người chồng cũ mà mình từng yêu thương người vợ động lòng. Nhanh chóng vào nhà lấy tiền bạc, cơm gạo ra cho.

Người chồng mới nhìn thấy, biết chuyện, nổi cơn ghen nghi ngờ vợ. Khó xử, tuyệt vọng vì không giải thích cho chồng mới hiểu, người vợ lao vào bếp lửa tự vẫn. Người chồng cũ vì vẫn còn yêu thương, đau xót cũng nhảy vào chết theo. Người chồng mới vì ân hận nên cũng nhảy vào đám lửa đỏ rực.
Lúc ấy, trời xanh trên cao cảm động bởi tình nghĩa sâu nặng của 3 người nên phong làm vua bếp. Và từ đó, dân gian mới có câu ca rằng:
"Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà"
Các tích truyện tuy có nhân vật hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là những nhân vật đều sống có tình nghĩa. Dân gian tưởng nhớ đến 3 người nên lập bàn thờ trong bếp để 3 người cùng cai quản việc bếp núc.

Vì sao ông Táo lại cưỡi cá chép?

Theo TS Trần Long, việc ông Táo cưỡi cá chép về chầu trời có liên quan đến truyền thuyết cá chép hóa rồng.
Tương truyền rằng, cá chép khi muốn trở thành con rồng phải qua 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi như vậy là lên gần trời hơn một chút, phải qua những ghềnh thác cao. Bài thứ nhất là phải búng đuôi qua một cái thác cao, hiểm trở. Khi cá chép búng qua được thì đuôi thay đổi, có sức mạnh hơn. Qua bài thứ 2, sóng gió mưa vần vũ dữ dội hơn nhưng cá chép vẫn vượt qua. Lúc này, một nửa mình cá chép đã hóa rồng. Sau khi búng qua được bài thi thứ 3 thì toàn thân cá chép hóa thành rồng.
Có người quăng luôn cả bàn thờ ông Táo xuống kênh Bùi Thư

“Hiện nay ở Khu du lịch Suối Tiên, ngoài bức tường đi vào sẽ thấy một bầy cá chép rồi lên từng bậc chuyển dần dần thành rồng. Đó là ví dụ tiêu biểu nhất cho câu chuyện cá chép hóa rồng”, TS Long cho hay.
Như vậy, ông Táo chăm chút chuyện bếp núc trong gia đình, biết hết mọi chuyện trong cả năm với gia đình. Nhưng dân gian ai cũng muốn ông Táo báo cáo cái tốt nên phải có bữa tiệc tiễn ông đi.
TS Long cho rằng, ngày nay, một số người khi thả cá chép tiễn ông Táo thì thả luôn cả bàn thờ, lư hương xuống sông, rạch gây ô nhiễm môi trường. Sở dĩ như vậy, là do ngày trước làng nào cũng có cây đa, bến nước, sân đình và chính những cây cổ thụ ở mỗi làng là nơi được người dân gửi gắm “xác” của những thần linh.
Ông Táo cưỡi cá chép còn thể hiện mong ước của nhân dân về sự thay đổi, những điều tốt đẹp
“Câu nói “Thần cây đa, ma cây gạo” cũng là xuất phát từ đó. Ngày trước, các gốc cây cổ thụ là nơi người dân để bát nhang, tượng, tranh của các ông thần đã cũ. Người dân không dám để nơi khác vì sợ bị ô uế, làm ăn không được nên thả xuống kênh cho trôi theo dòng nước. Đây là một dạng rác văn hóa”, TS Long nhận định.
Cũng theo TS Long, ông Táo cưỡi cá chép còn thể hiện mong ước của nhân dân về sự thay đổi, những điều tốt đẹp. Đó là mơ ước ngàn đời của con người, tất cả các truyện dân gian tốt đẹp đều được lên trời. Dân gian tin rằng cưỡi cá chép thì mới thăng hoa, thăng tiến được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.