Cụ ông từng 'tim ngừng đập, về lo hậu sự', bán trái cây ở Sài Gòn

15/04/2016 08:45 GMT+7

Mang trong người nhiều căn bệnh, nhưng cụ vẫn hằng ngày đẩy xe lôi ra đường bán trái cây, kiếm vài chục ngàn đồng lo cái ăn và mua thuốc uống qua ngày.

Mang trong người nhiều căn bệnh, nhưng cụ vẫn hằng ngày đẩy xe lôi ra đường bán trái cây, kiếm vài chục ngàn đồng lo cái ăn và mua thuốc uống qua ngày.

Bệnh tái phát, sức khỏe yếu nên cụ Chánh phải ở nhà uống thuốc, đợi khỏe lại đi tiếp tục đẩy trái cây đi bán. Bệnh tái phát, sức khỏe yếu nên cụ Chánh phải ở nhà uống thuốc, đợi khỏe lại đi tiếp tục đẩy trái cây đi bán.
Đó là hoàn cảnh của cụ ông Nguyễn Văn Chánh, 78 tuổi, ngụ số nhà 559/19 Trần Xuân Soạn (KP.5, P.Tân Hưng, Q.7).
Mỗi buổi sáng, bất kể trời mưa hay nắng, cụ đều đẩy xe lôi chất đầy trái cây như xoài, dưa hấu, mận, ổi… dạo theo con hẻm 1005 Trần Xuân Soạn, ra khu vực gần chân cầu Rạch Ông (P.Tân Hưng, Q.7) bán.
Bán trái cây lấy tiền uống thuốc
Ngày 13.4, cụ Chánh đang ở nhà, nằm trên ghế xếp nghỉ. Dáng cụ gầy nhom, người hốc hác vì bệnh tật đang tái phát. Bà Phan Hồng Phước, 71 tuổi, vợ ông Chánh cho biết, mọi ngày giờ này ông đẩy xe đi bán ngoài đường, nhưng hai hôm nay sức khỏe yếu không đi được nên phải ở nhà uống thuốc dưỡng bệnh.
“Ông bị nhồi máu cơ tim, cao huyết áp và thận hơn 3 năm nay. Hằng tháng phải hai lần lên bệnh viện Nhân Dân 115 khám và mua thuốc. Riêng bệnh tim mạch gần đây đã đỡ hơn, nhưng bệnh thận trở nặng, cách đây 4 tháng phải mổ bàng quang và thông dây vào trong ruột để tiểu tiện. Bác sĩ nói phải để nguyên dây như vậy đến cuối đời, nếu lấy ra nước tràn lên thận, bắt buộc chạy thận tiền sẽ nặng hơn”, bà Phước bùi ngùi.
Bây giờ ông Chánh chỉ mong khỏe lại để tiếp tục đi bán trái cây lấy tiền mua thuốc.
Bà kể, trước đây hai vợ chồng sống ở H.Sa Đéc, Đồng Tháp. Lấy nhau về mấy chục năm nhưng không có con, hằng ngày đi làm ruộng mướn kiếm tiền nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.
Đầu năm 2000, hai ông bà dắt nhau lên TP.HCM thuê lại miếng đất nhỏ (chỗ ở bây giờ), chống mấy cây tre, căng bạt làm nhà sống đỡ qua ngày. Rồi bà ở nhà lấy mì tôm, nước ngọt và các nhu yếu phẩm hằng ngày về bán lại kiếm lời. Còn ông làm đủ thứ nghề, tích góp tiền và sắm được một chiếc xe đạp cũ, thiết kế thêm một thùng nhỏ phía trước. Ngày qua ngày ông đẩy đi dọc các con hẻm thu mua ve chai.
Bà Phước hằng ngày phải vệ sinh thân thể cho ông Chánh vì sức khỏe yếu không tự làm được

Những mảnh ván ép, miếng tôn cũ mua được, ông tích góp lại và dựng nên căn nhà mái tôn ở cho đến bây giờ.
Cách đây 6 năm, sau một cơn bạo bệnh sức khỏe ông yếu đi nên phải bỏ nghề ve chai. Ông chuyển sang đẩy trái cây đi bán dọc đường.
Qua tìm hiểu được biết, buổi sáng hàng ngày từ 6 giờ 30, ông cụ đẩy xe dọc theo con hẻm 1005 Trần Xuân Soạn ra chân cầu Rạch Ông bán, đến 11 giờ phải về nghỉ vì bệnh nặng. Còn cụ Phước đã yếu, không còn sức lao động nên hằng ngày ở nhà bán tạp hóa lặt vặt không được bao nhiêu tiền.
“Bán trái cây nhưng bữa được bữa không. Ngày nắng đi bán buổi sáng cũng được 50 ngàn đủ mua thức ăn trong này. Ngày mưa bán khổ hơn nhưng chẳng có ai mua, có hôm đẩy xe ra rồi đẩy về. Một số người mua thấy tội nghiệp nên cũng không lấy tiền thối và cho thêm tiền”, bà Phước nói.
Căn nhà mái tôn cũ kĩ, phía trước được cụ Phước kê bán tạp hóa nhỏ và trái cây.
Bà kể, hai năm trở lại đây bệnh nhồi máu cơ tim của ông tái phát, số tiền vài triệu đồng dành dụm ít ỏi bấy lâu cũng đã theo bệnh mà ra đi. Trong nhà không còn đồng bạc nào, trong khi mỗi ngày tiền thuốc hơn 80 ngàn.
“Tôi yếu quá rồi, không còn sức lao động nữa. Ông thì đau ốm triền miên nhưng ngày nào cũng cố đẩy xe dầm mưa dãi nắng đi bán. Nếu vài hôm nữa sức khỏe yếu đi, không bán được nữa, không có tiền mua thuốc thì không biết ổng có sống nổi không”, bà Phước nói trong nước mắt.
Bà kể, cách đây mấy tháng, trong lúc đi bán ông ngất giữa đường. Người trong hẻm thấy vậy mới tất tả chạy về báo và chuyển lên bệnh viện 115. Đến nơi bác sĩ khám nói tim ổng đã ngừng đập và chuẩn bị đưa về nhà lo hậu sự. Trong lúc bất lực đó, không biết có phép màu gì mà tim bỗng đập lại và dần hồi tỉnh, ông trở về tiếp tục uống thuốc và bán trái cây cho đến nay.
Nhiều người trong hẻm 1005 Trần Xuân Soạn cho biết, hoàn cảnh của cụ Chánh có thể xem là khổ nhất trong khu ổ chuột này, không biết thời gian tới hai ông bà sống ra sao khi không có con cháu và người thân nào, trong khi người lại đang mang bệnh nặng.
Miếng ăn hằng ngày cũng bữa đói bữa no
Những lúc khỏe cụ Chánh đi bán trái cây dưới chân cầu Rạch Ông, (P.Tân Hưng, Q.7) - Ảnh: Bạn đọc cung cấp.
Căn nhà cụ Chánh đã cũ. Tường nhà được dựng bằng những mảnh ván ép sơ sài, mục nát. Trong nhà trống huơ trống hoác, ngoài chiếc kệ đựng chén đĩa thì không có vật dụng nào giá trị. Phía trước nhà, bà cụ kê những miếng ván, để một ít mì gói và trái cây bán.
“Những hôm mưa gió phải lấy thau nhựa để khắp nhà đựng nước giọt, dùng những thanh gỗ chèn chống tường vì sợ ngã. Có hôm triều cường lên cao, nhà ngập bì bõm do nền thấp hơn mặt đường. Cái ăn hằng ngày cũng bữa đói bữa no nên không có tiền để nâng nền. Bà chỉ mong ông mau khỏe lại để tiếp tục sống chứ ông đi rồi bà không biết sống làm sao”, bà Phước nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Văn Xiếu (tổ phó tổ 21, KP.5, P.Tân Hưng, Q.7) cho biết, trường hợp gia cảnh ông Nguyễn Văn Chánh hiện rất khó khăn. Hai ông bà cụ không con cái, trong khi ông lại bệnh nặng, bà thì già yếu không làm ra tiền. Khi vừa đỡ bệnh, ông phải cố gắng đẩy xe trái cây đi bán lấy tiền mua thuốc hằng ngày.
Hằng ngày, cụ phải mang theo bịch nhựa thông tiểu bên mình đi bán trái cây, rất khổ cực.
Gia đình ông bà Chánh chỉ có KT3, không có hộ khẩu nên thiệt thòi hơn những người già khác ở phường. Mỗi khi có chính sách gì thì những người có hộ khẩu khu vực được ưu tiên hơn, nên cuộc sống hai ông bà hiện khổ trăm bề.
“Khi xưa ổng bệnh nặng dữ lắm, mọi người ở đây tưởng đâu ổng chết đến 95% rồi, nhưng may phước ổng còn sống và đi bán trái cây hằng ngày. Nhiều lúc mọi người trong tổ cũng nghĩ đi quyên góp tiền giúp đỡ. Nhưng cả tổ 21 này tính ra chỉ có ba người là có hộ khẩu, còn lại là người dân ở nơi khác tới thuê nhà ở đi làm. Ai cũng khó khăn, nên không thể đi quyên góp được. Tôi chỉ mong hoàn cảnh của ông Chánh lên phương tiện truyền thông, để có mạnh thường quân nào giúp đỡ cho ổng có tiền sống những ngày cuối đời”, ông Xiếu xót xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.