Cù Lao Chàm vẫn nguyên sơ ngày tôi trở lại

12/06/2016 20:03 GMT+7

Trong tháng 5.2016, tôi đã có 2 lần trở lại thăm đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).

Nhiệm vụ của tôi là quan sát, đánh giá hiện trạng về sinh thái, môi trường biển và thu các mẫu nước tại vùng biển xung quanh đảo, tham gia chuyến lặn khảo sát hệ sinh thái san hô xung quanh vùng biển Hòn Dài, Hòn Lá. Nỗi vui mừng cũng như ấn tượng để lại trong tôi chính là sự bình yên của vùng biển này.
Hai đảo nhỏ (Hòn Dài, Hòn Lá) mà tôi lựa chọn thực hiện khảo sát của mình, có vị trí tại vùng biển tây bắc của đảo, nằm trong quy mô, diện tích của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Với những gì tận mắt được chiêm ngưỡng dưới đáy đại dương, tôi thật sự ấn tượng, ngưỡng mộ và xúc động trước vẻ đẹp tự nhiên, huyền bí của hệ sinh thái san hô và các loài sinh vật biển tại đây.
Các tập đoàn san hô cứng với nhiều hình dạng kiến tạo khác nhau: từ dạng bàn, dạng khối, dạng phiến, dạng đĩa, dạng cành, dạng hình nấm… mang đến vẻ đẹp thú vị. Xen kẽ với các rạn san hô cứng là các tập đoàn san hô mềm với nhiều hình dạng của hoa, của nấm dại, cũng như các loài sinh vật biển khác: cầu gai, sao biển, hải quỳ, hải miên, huệ biển, trai tai tượng, các loài rong, tảo, cá…
Tất cả đều đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, đã tạo nên một bức tranh tự nhiên hoàn hảo, lung linh sắc màu mà tạo hóa đã ban tặng cho Cù Lao Chàm. Tôi thật sự xúc động trước sự bình yên, an toàn, khỏe mạnh của các hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm cho đến ngày hôm nay sau biến cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng đã xảy ra tại dải vùng biển các tỉnh bắc miền Trung trong tháng 4 vừa qua.
Tôi đã kịp ghi hình lại toàn bộ cuộc sống tự nhiên, hoang dã dưới đáy biển tại Hòn Dài, Hòn Lá. Phải kể đến sự hiện diện của loài san hô dạng hình khối rất lớn, chúng đã trải qua thời kỳ phát triển hàng ngàn năm, bề mặt trên của nó là ngôi nhà của các loài giun nhiều tơ (còn gọi là cây Noel) với nhiều màu sắc tự nhiên rực rỡ, sản phẩm của sự chung sống hòa bình đó đã hình thành nên một tác phẩm nghệ tuyệt đẹp, quyến rũ, lung linh sắc màu và chúng được coi là một bộ máy ghi chép diễn biến môi trường hằng ngày của vùng biển Cù Lao Chàm.
Tiếp đó là sự cùng chung sống hòa bình của các loài san hô, huệ biển dưới làn nước trong xanh mà tôi đã may mắn kịp ghi hình và đặt tên cho tác phẩm của mình là "Đỉnh cao của hợp tác".
Tôi vẫn đủ thời gian để kịp đến khảo sát vùng biển gần bờ tại bãi biển gọi là bãi Bấc của đảo lớn trung tâm, vùng biển này có đáy cát trắng, mịn màng, tương đối bằng phẳng, là nơi phân bố của các loài cỏ biển đang sinh trưởng, phát triển xanh, đẹp; tập trung nhất là cỏ biển có lá hình xoan - đây là nguồn thức ăn chủ yếu của các loài động vật quý, hiếm ở biển như Dugong (hay còn gọi là nàng tiên cá) và rùa biển.
Xen kẽ với phân bố cỏ biển, tại đây tôi còn phát hiện ra nhiều loài hải quỳ sống cộng sinh với loài cá hải quỳ có nhiều màu sắc khác nhau và còn cả những san hô dạng khối rất lớn là ngôi nhà chung của các loài động vật sống ở đáy như hải sâm, sao biển, cầu gai và đặc biệt là các loài cá sống ven bờ đã tạo ra một sinh cảnh khá hấp dẫn .
Cỏ biển được gọi là hệ sinh thái láng giềng của hệ sinh thái san hô, Cù Lao Chàm có các hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn ven bờ xã Cẩm Thanh không cách xa lắm Cù Lao Chàm đã tạo ra một vùng biển phong phú các hệ sinh thái biển, là sinh cảnh quan trọng cho các loài rùa biển sống và sinh đẻ.
Điều này đã lý giải cho tôi hiểu được điều mà bất cứ người dân nào sống lâu năm tại đảo Cù Lao Chàm cũng nói: trước đây Cù Lao Chàm là nơi rùa biển hay lên các bãi cát của đảo để đẻ trứng vào ban đêm, thời gian sau này không thấy rùa về đẻ trứng nữa, chỉ thấy xuất hiện và vô tình mắc lưới của ngư dân địa phương ở vùng biển xung quanh đảo.
Tại sao lâu nay rùa biển không lên các bãi cát Cù Lao Chàm để đẻ trứng như trước đây? Câu hỏi này dành cho các nhà quản lý, các nhà bảo tồn biển trong đó có một phần trách nhiệm của tôi. Người dân xã đảo Cù Lao Chàm đang có nguyện vọng mong muốn rùa biển trở lại bãi cát đẻ trứng cho thế hệ con cháu trong tương lai.
Với những gì cảm nhận được tại vùng biển Hòn Lá, Hòn Dài, tôi càng hiểu được điều mà khoa học đã khẳng định: san hô được coi là một hệ sinh thái có năng suất cao nhất về mặt sinh học và tuyệt vời nhất về mặt thẩm mỹ trong đại dương mà con người đang hướng tới để thỏa mãn nhu cầu khám phá, tận hưởng vẻ đẹp huyền bí của thế giới đại dương.
Với lợi thế về vị trí, di sản văn hóa, di sản tài nguyên thiên nhiên rừng và biển vốn có, có thể nói Cù Lao Chàm là một trung tâm đa dạng sinh học quan trọng của các tỉnh ven biển miền Trung nước ta.
Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị vô giá ấy là để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững thông qua việc thúc đẩy một kế hoạch phát triển ngành kinh tế dịch vụ du lịch sinh thái biển.
Đây là một lựa chọn có cơ sở khoa học, phù hợp với xu hướng thời đại để Cù Lao Chàm trở thành một trung tâm du lịch sinh thái, một "Hòn ngọc miền Trung" và kỳ vọng đó chắc chắn sẽ đạt được khi có sự đồng lòng, chung tay từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, cộng đồng các doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.