Cụ bà 'gàn dở' nhất Sài Gòn vừa bán vừa cho sách, không nhận tiền ‘tip’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/06/2018 12:19 GMT+7

Không nhà cửa, không chồng con, cụ bà Nguyễn Thị Bông đã gắn bó với những cuốn sách cũ trên vỉa hè Sài Gòn 50 năm nay. Dù nghèo nhưng chỉ bán hoặc tặng sách, cụ Trình không nhận tiền hỗ trợ của bất cứ ai.

Người Sài Gòn qua lại số 176 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3 đã quen thuộc với hình ảnh cụ bà tóc bạc phơ ngồi nép phía trong vỉa hè với những chồng sách báo cũ, xung quanh là vài bộ áo mưa, chiếc ca nhựa uống nước - tài sản đáng giá của cụ Trình, 64 tuổi nhưng đã ngồi vỉa hè bán sách 50 năm nay.
[VIDEO] CỤ TRÌNH NỬA THẾ KỶ BÁN SÁCH VỈA HÈ
Thực hiện: La Vi - Loan Huỳnh

Cụ Trình kể: “Tôi là con thứ 9 trong nhà, nhà tôi xưa ở khúc Võ Văn Tần. Bố tôi là thợ sửa xe, trong nhà tôi có nhiều người cùng sống, tôi chẳng phải làm gì, chỉ ăn rồi đi học, rảnh ra là đọc sách. Lớn lên tôi cũng không biết nhặt rau, nấu cơm”.
Yêu sách, say mê đọc sách từ khi mới biết chữ, cụ Trình cho hay được cho bao nhiêu tiền chỉ để mua sách truyện về nhà đọc. Gia đình không quá khá giả, làm sao để không có nhiều tiền mà vẫn được đọc thật nhiều sách, cụ Trình nghĩ đến việc nghỉ học đi bán sách. Đó là năm cụ 14 tuổi.
“Bán sách, vừa có tiền lại vừa được đọc sách thoải mái. Tôi nghĩ ra được cái đó tôi vỗ trán phục tôi, sao mà thông minh quá”, cụ bà cười sảng khoái.
Cuộc sống của cụ Trình 50 năm qua ở ngoài trời nhiều hơn trong nhà Thúy Hằng

Cha mẹ cụ Trình qua đời, căn nhà được bán đi chia năm xẻ bảy cho các anh chị em trong gia đình. Nhiều biến cố xảy ra khác, khiến cụ Trình trở thành người vô gia cư, đành nay thuê ở chỗ này, mai thuê nơi khác, miễn có chỗ đặt lưng lúc đêm về.
“Mấy năm nay tôi thuê ở quận 8, đường Dương Bá Trạc, thuê chung với một người nữa, mỗi tháng 1 triệu đồng. Nhưng mà mất cắp mất trộm suốt, tôi mua cái loa nghe nhạc cũng mất, sách thì mất suốt ngày, nhà tôi có cả tấn sách kiểm soát sao nổi. Chắc phải kiếm nơi khác thôi”, cụ bà trầm ngâm.
"Không phải là ế, chẳng qua chưa có người mua thôi"
Mỗi ngày của cụ Trình bắt đầu từ 9 giờ sáng, cụ bà chằng buộc khối sách báo cũ lên chiếc xe máy cũ từ đường Dương Bá Trạc tới đường Cách Mạng Tháng Tám. Cụ bà trở về căn nhà trọ ọp ẹp, sách báo chất kín vùng quanh là 12 giờ đêm, có khi 1, 2 giờ sáng. Trong khi bán sách, trời lắc rắc mưa, cụ treo thêm áo mưa bán. Những năm trước, cụ Trình còn chạy xe ôm, bán trái cây, mong có thêm hộp cơm, chiếc bánh mì ăn qua bữa.
Trời mưa, cụ bà bán thêm áo mưa và chạy số sách báo cho khỏi ướt Thúy Hằng

Cụ bà có đôi bàn tay chai sần, gương mặt lam lũ, từng một mình đi tới nhiều tỉnh miền Tây, biên giới Việt Nam - Cam - pu -chia để xem “ngoài đời thực có giống trang sách không” luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh, dù mỗi ngày là chật vật kiếm từng bạc lẻ. “Trước một mình tôi chở được 6 chồng sách, mỗi chồng vài chục cuốn, giờ thì 2, 3 thôi. Nhưng mà có làm sao, có nhiêu thì chở nhiêu. Cái xe honda này hả, mua 2 triệu, trước đạp một phát là nổ máy, giờ đạp 9, 10 phát nó mới nổ”, cụ Trình thủng thẳng.
“Ngày nào nhiều thì tôi bán được 100, 200 ngàn. Ngày nào ít thì không có đồng nào. Nhưng mà không được gọi là sách ế, chẳng qua là người ta chưa tới mua của mình thôi. Tôi có khi một ngày ăn một bữa, lúc nào đói lại cầm cuốn sách đọc cái là quên cơn đói ”, cụ bà 64 tuổi cười nhíu mắt.
Cụ bà “gàn dở”
Không chồng, con, không nhà cửa, với cụ bà 64 tuổi đôi khi lại hay, cụ cười lớn: “Tự do muôn năm. Phải cổ vũ cho tự do, chẳng lệ thuộc vào ai. Mua thuốc sẵn vào, để ở nhà, ốm cái là uống liền, tôi không bao giờ sợ bệnh tật mà lẻ loi”.
Một phần gia tài của người đàn bà vô gia cư Thúy Hằng
Cụ Trình không nhận tiền giúp đỡ của bất cứ ai Thúy Hằng
Cụ Trình bán sách cũ giá rẻ, gặp người trẻ say mê sách cụ giữ lại, kể chuyện về nhiều cuốn sách hay mình đã đọc. Gặp ai đang đi mua sách để làm từ thiện cho trẻ em khó khăn, cụ Trình tặng thêm có khi vài chục cuốn vì nghĩ “mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn, càng nhiều người được đọc sách càng vui”. Muốn biếu tiền cho cụ bà bán sách lạ lùng này là điều khó vô cùng, khi cụ bảo “cả đời tôi không xin ai, tôi tự làm tự ăn, đói no tự chịu”.
Thưa thớt khách, cụ bà lật mở một cuốn sách, mắt nheo nheo dõi theo những dòng chữ mờ đục trên trang giấy. Cụ bà nửa thế kỷ gắn chặt đời mình vào trang sách cũ nhìn xa xôi: “Những gì viết trong sách là đáng quý lắm. Người ta đã phải chắt lọc nhiều thứ, để có thể ghi lại trong những trang giấy cho mọi người cùng đọc. Giữa chọn nói chuyện với người và đọc sách, tôi chọn đọc sách hơn. Người thì có hay có dở, trong sách nhiều cái hay, đọc mà như tưởng tượng mình đã từng đặt chân tới vùng đất ấy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.