​'Cõng' vắc xin lên núi

07/08/2017 08:52 GMT+7

Trong khi nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh chỉ đạt 40 - 50% thì tại Yên Bái, tỷ lệ tiêm vắc xin này lên tới hơn 90% nhờ phủ sóng tiêm chủng tới tận các trạm y tế xã.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Phú, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Yên Bái, tỉnh này bắt đầu triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh năm 2006, nhưng chỉ tiêm tại các bệnh viện, chưa triển khai tại trạm y tế xã, với tỷ lệ ban đầu chỉ đạt 11,5%.
Đến năm 2012, tỷ lệ tiêm đã tăng lên mức 34,4%, nhưng do sự cố tiêm nhầm vắc xin tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gây tâm lý so lợ cho người dân, nên tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại Yên Bái giảm nhanh trong các năm sau (năm 2014 chỉ đạt 22,4%).
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Yên Bái cũng như Sở Y tế tỉnh này đã yêu cầu đẩy mạnh tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh, đồng thời lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh phải tìm hiểu lý do tỷ lệ tiêm vắc xin này đạt thấp để có giải pháp khắc phục.
Để tỷ lệ tiêm vắc xin này cho sơ sinh cao hơn, hiệu quả hơn, Yên Bái bắt đầu triển khai tiêm tại tuyến xã từ tháng 3.2016 (thí điểm tại 9 xã của huyện Lục Yên và 9 xã huyện Văn Yên). Tại thời điểm này, đã có 24/24 xã của huyện Lục Yên và 18/27 xã của huyện Văn Yên triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại trạm y tế xã. Qua đó, tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh đạt từ 88 - 96% các trẻ sinh tại trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực. Kết quả tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh từ 22,4% năm 2014 đã tăng lên 50,8% năm 2015 và 57,9% vào năm 2016.
“Tiêm vắc xin này rất áp lực với nhân viên y tế, bởi các bé sơ sinh còn non nớt, đòi hỏi khám sàng lọc rất cẩn thận để loại trừ các trường hợp chống chỉ định hoặc hoãn tiêm…”, bác sĩ Trần Thị Thanh, Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực huyện Văn Yên, chia sẻ. Do đó, theo bác sĩ Thanh, ngoài khám sàng lọc cẩn trọng, theo dõi sức khỏe các bé sau sinh (nhịp thở, phản xạ, tình trạng bú mẹ); theo dõi sau tiêm…, tại phòng tiêm luôn sẵn sàng, đầy đủ các điều kiện chống sốc, cấp cứu các phản ứng bất thường.
“Rất may, từ khi triển khai đến nay, không có ca phản ứng nặng nào. Trong 7 tháng đầu năm nay, có 44/45 sơ sinh ra đời tại đây được tiêm vắc xin viêm gan B, 1 cháu sốt sau sinh không tiêm, được chuyển lên bệnh viện tỉnh theo dõi sức khỏe”, bác sĩ Thanh cho biết.
Tại trạm y tế xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (nơi cách trung tâm huyện 40 km, cách thành phố 80 km), việc triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh cũng đạt tỷ lệ cao. Được thực hiện từ tháng 3.2016, tỷ lệ tiêm cho các trẻ sinh tại đây đạt 96 -100%. “Đã có 7/8 cháu sinh tại trạm trong 7 tháng đầu năm nay được tiêm viêm gan B sơ sinh, 1 cháu hoãn tiêm do điều kiện sức khỏe. Điều chúng tôi vui nhất là các bé được tiêm chủng đầy đủ, an toàn”, y sĩ Đào Thị Thúy Hằng, Trưởng Trạm y tế xã Lâm Giang, cho biết.
Theo chị Trần Thị Hường (ngụ thôn 4, xã Lâm Giang), chị sinh con tại nhà vì trở dạ nhanh quá, không kịp đến trạm y tế xã. Bác sĩ của trạm đã đến tận nhà hỗ trợ, sau đó gia đình cho cháu đến trạm tiêm (ngụ thôn 4, xã Lâm Giang). Chị Lý Thị Lai, người dân tộc Dao đỏ, mẹ bé trai Lý Văn Vũ (11 tháng tuổi), cũng cho biết con trai được tiêm đầy đủ các vắc xin ở xã ngay từ khi mới sinh.
“Sở Y tế tỉnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị báo cáo giao ban hàng ngày về tiêm vắc xin (ngụ thôn 4, xã Lâm Giang); xử lý nghiêm, có thể xử lý kỷ luật, chuyển công tác khác, thậm chí có thể buộc thôi việc đối với cán bộ y tế cố tình không thực hiện tiêm vắc xin này”, bác sĩ Phú nhấn mạnh.
Ngoài ra, Yên Bái đã triển khai hơn 200 điểm tiêm chủng ngoại trạm, đưa vắc xin đến tận các thôn bản để các gia đình thuận lợi cho con em đi tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên toàn tỉnh đạt hơn 98%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.