Công nhân F0 xuất viện sau 15 ngày: Nằm viện cũng phải lạc quan, tằn tiện mong làm lại

05/08/2021 13:36 GMT+7

Xuất viện sau 15 ngày, những công nhân F0 ai cũng vui mừng vì được trở về cùng gia đình, may mắn không triệu chứng hay diễn biến gì nặng. Dù đang tạm thất nghiệp, tằn tiện trong từng bữa ăn, nhưng với họ, dù sao còn sức khỏe là còn tất cả.

Từng đau đáu lo đến mất ăn, mất ngủ khi F1 thành F0 chỉ sau một đêm, những công nhân F0 không triệu chứng đã được xuất viện sau 15 ngày, không phải dùng bất kỳ loại thuốc gì. Giờ đây, quay trở về bên cạnh người thân, cuộc sống dẫu khó trăm bề, nhưng nhìn lại hành trình trong viện, ai cũng thở phào, cảm thấy mình may mắn vì đã vượt qua Covid-19.

Nằm viện cũng phải lạc quan

Học xong lớp 9, B.V.C (hiện 18 tuổi, quê Long An) nghỉ học đi làm thợ hớt tóc tự lo cuộc sống. Đầu tháng 5.2021, C. xin vào làm công nhân ở Công ty T.S (Q.Bình Tân), đi đi về về mỗi ngày 80 phút chạy xe máy được vài hôm, C. chuyển hẳn vào công ty ở vì dịch diễn biến phức tạp.
Giữa tháng 6, công ty phát hiện có ca nhiễm Covid-19, C. được xếp vào F1, được đưa đi cách ly tập trung tại KTX Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau 1 đêm, C. nhận tiếp tin mình cũng dương tính với SARS-CoV-2.
Với chàng trai 18 tuổi, vừa chân ướt chân ráo làm công nhân được hơn 1 tháng thì nhận tin, các cảm xúc lẫn lộn trong tâm trí. C. quyết định giấu hết gia đình. Nhưng khi khai báo với y tế, C. vẫn phải liệt kê địa chỉ nhà ở Long An, địa phương cử người đến tạm phong tỏa, lấy mẫu cả khu C. sống, hết giấu được ai. Nghe thông tin cả xóm vẫn ổn, C. mới kéo lại được tinh thần, lạc quan lên xe cấp cứu chuyển từ khu cách ly tập trung đến BV điều trị Covid-19 Cần Giờ.

Công nhân F0 điều trị khỏi mong cuộc sống sớm ổn định trở lại

Ảnh: Khánh Trần

Theo lời C., anh được sắp xếp ở phòng có 4 bệnh nhân, đeo khẩu trang 24/24 kể cả lúc ngủ, thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Trong quá trình điều trị, ai có triệu chứng gì mới báo với bác sĩ để được cho thuốc. Sau mấy ngày nhập viện không có triệu chứng, C. được chuyển sang khu điều trị bệnh nhẹ.
“Tại khu này khuôn viên rộng rãi, em tìm chỗ có nắng, vắng người tập thể dục vừa sức. Ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ để cơ thể tăng sức đề kháng. Cứ vậy sau 3 lần xét nghiệm âm tính em được xuất viện. Như vậy là suốt 15 ngày nằm viện em không có triệu chứng gì, cũng không phải dùng bất kỳ thuốc gì, giống như đi cách ly vậy thôi”, C. chia sẻ.
Xuất viện, C. về công ty lấy xe chạy một mạch về nhà ở Long An, tiếp tục cách ly tại nhà. Đến nay, C. đã xong thời gian cách ly, đang tạm thất nghiệp, chờ thông báo đi làm trở lại.
C. cười tâm sự: “Công ty có quy định công nhân mới thì nhận lương sau 40 ngày, em làm vừa đúng 40 ngày thì đi cách ly, thẻ ngân hàng mà công ty yêu cầu cũng chưa làm nên đến giờ vẫn chưa nhận được tháng lương đầu tiên. Bữa giờ về nhà em ăn cùng ông bà, mong ngày đi làm lại để được lãnh lương, mà giờ cũng chưa biết khi nào mới đi làm lại được, thôi trước mắt khỏe là được”.

Bữa ăn tằn tiện sau xuất viện

Cùng công ty, nhập viện chung đợt với C., anh P.Đ.N (33 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) cũng đã được xuất viện sau 15 ngày điều trị không triệu chứng. Ngày anh N. vừa chuyển vào BV điều trị Covid-19 ở Cần Giờ, vợ con anh được y tế phường đến đưa đi cách ly tập trung vì là F1. Nhà trọ đóng cửa bỏ đó, nhưng 2 triệu/tháng vẫn phải đóng đủ.
Là người trụ cột trong gia đình, anh N. vừa lo cho sức khỏe, vừa lo tiền nhà trọ, ăn uống, điện nước, thuốc men những ngày tới, chỉ biết cầu trời mong mọi chuyện sớm ổn định trở lại. Trong bệnh viện, nghe tiếng xe cấp cứu dồn dập, anh càng tự nhủ phải mau khỏe để trở về. Anh dành thời gian tập thể dục, vận động cơ thể, ăn uống, cố gắng ngủ đúng giờ. "Nín thở” chờ triệu chứng, nhưng may mắn đến khi xuất viện, anh vẫn không bị sốt, ho hay khó thở, mất vị giác.

Còn nhiều nỗi lo sau khi công nhân F0 xuất viện, nhưng với họ, còn sức khỏe là còn tất cả

Ảnh: Trung Dung

7 năm làm công nhân có tay nghề ở Sài Gòn, thu nhập khoảng chục triệu mỗi tháng, anh N. ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, dành dụm tiền mong có ngày vợ chồng, con cái thoát cảnh ở trọ. Vợ anh làm công nhân may, tiền lương ít hơn nhưng cũng đủ để cả nhà chi tiêu sinh hoạt.
Tháng 5, công ty vợ giải thể, cả nhà anh N. mỗi người một nơi vì Covid-19. Giờ đây, khi được quay trở về phòng trọ, cả nhà cùng cách ly tại nhà, hai vợ chồng lại cùng một nỗi lo mang tên cơm áo gạo tiền.
Anh bộc bạch: “Giờ cả hai vợ hết thời gian cách ly tại nhà rồi nhưng cũng chưa có việc làm. May mà còn tiền tiết kiệm để lo liệu, mỗi ngày đều tằn tiện ăn uống, dè sẻn hết mức có thể, có được cọng rau ăn qua ngày là may rồi”.
Trong căn phòng trọ nóng hầm hập những ngày giãn cách xã hội, bữa cơm của gia đình anh N. luôn tối giản hết mức có thể, tô canh lõng bõng nước, một xíu cá hoặc thịt kho mặn dành cho con. Cứ vậy, rồi ngày cũng qua ngày. Vợ chồng anh một lần nhận được thực phẩm tiếp tế, đó cũng là những ngày cả gia đình được ăn bữa cơm ngon.
“Ngày tôi xuất viện, công ty hẹn 15.8 đi làm trở lại, tôi cũng trông chờ đến ngày đó, chứ giờ gần 2 tháng mà hai vợ chồng công nhân không kiếm được ngàn nào, toàn thấy tiền tiêu ra cũng xót ruột lắm. Nhưng nhìn tới nhìn lui, thấy mình F0 không triệu chứng, được xuất viện về còn sức khỏe là mừng lắm rồi”, anh N. bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.