Công nhân nghỉ làm phòng dịch Covid-19: 'Chấp nhận nhưng canh cánh nỗi lo gạo, tiền'

19/05/2021 15:02 GMT+7

Dịch Covid-19 bùng phát , Bắc Giang tạm dừng 4 khu công nghiệp. Không đi làm nên không có lương hoặc chỉ có một ít tiền hỗ trợ, nhiều công nhân cùng chung nỗi lo: tiền trọ, tiền điện nước, tiền ăn, tiền gửi về nuôi con...

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ 0 giờ ngày 18.5, tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp (KCN) gồm: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê – Nội Hoàng. Việc tạm dừng hoạt động khiến cuộc sống của các công nhân thay đổi, khó khăn hơn nhưng ai nấy đều chấp nhận để đảm bảo an toàn.

Trưa 19.5: Thêm 36 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước, riêng Bắc Ninh và Bắc Giang 20 ca

Chấp nhận ở nhà phòng dịch

Chị Đinh Thị Anh Đào (34 tuổi, quê ở H.Minh Hóa, Quảng Bình) ra Bắc Giang làm công nhân may tại KCN Quang Châu được 2 năm nay. Chị Đào cho biết, ngày 15.5, chị được công ty lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính nhưng đề phòng dịch lây lan, công ty tạm dừng hoạt động, chị hạn chế ra ngoài.
“Sáng 18.5, KCN dừng hoạt động tôi không đi làm nữa. Giờ KCN có ca dương tính, bao nhiêu người đang gồng mình chống dịch, biết nghỉ làm sẽ có nhiều khó khăn nhưng cũng đành chấp nhận đóng cửa cho yên tâm. Đóng cửa không đi làm cũng buồn nhưng biết sao được. Hôm nhận kết quả âm tính, đọc lên tôi vỡ òa như trẻ con”, chị Đào chia sẻ.
Công nhân Bắc Giang nghỉ làm phòng dịch Covid-19: “Tự động viên ở nhà cho an toàn”1

Chị Đào cho biết chị đi làm công nhân may được 2 năm nay

ẢNH: NVCC

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Đào cho hay, chợ dừng hoạt động, hàng quán không buôn bán khiến việc sinh hoạt, ăn uống trở nên khó khăn. Nhà máy dừng hoạt động khiến thu nhập của chị giảm xuống.
“Hai ngày đi xét nghiệm công ty thông báo được nghỉ phép, vẫn có lương còn từ khi dừng hoạt động họ bảo sẽ làm theo chính sách của nhà nước. Nhận tin nhà máy đóng cửa, tôi lo lắng vì không đi làm thì không có ăn. Nghỉ thì nghỉ nhưng bao nhiêu thứ phải lo, bây giờ tiền lương không biết được bao nhiêu nhưng tiền điện, tiền trọ vẫn phải trả. Giờ ở trọ phòng chật, oi bức phải mở quạt, mỗi tháng mấy trăm nghìn tiền điện. Nhưng thôi, chưa làm rồi sẽ làm, giờ ở nhà phòng dịch”, chị Đào tâm sự.
Bình thường, cộng cả tiền tăng ca, mỗi tháng thu nhập của chị Đào được khoảng 8 – 9 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt hằng ngày, chị tích góp gửi về nuôi con đang gửi cho ông bà ở quê. Vợ chồng chị rời quê ra Bắc làm công nhân nhưng hiện tại chồng chị đang tạm nghỉ để học thêm nghề sửa xe với mức phụ cấp 1,5 triệu đồng/tháng.
“Bình thường, nếu công ty cho nghỉ vài ba ngày thì tôi về thăm con nhưng năm nay sợ dịch nên không về được. Nhớ con lắm lúc chảy nước mắt”, chị Đào buồn bã nói.

Không đủ tiền gửi cho bố mẹ

Anh Bùi Quang Ninh (23 tuổi, quê ở Bắc Giang) cũng đang là công nhân may ở KCN Quang Châu. Nghe thông báo công ty tạm dừng hoạt động, anh Ninh ở nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người để chủ động phòng dịch. Nghỉ làm khiến anh băn khoăn không biết xoay xở ra sao với cuộc sống trong thời gian tới.
“Nghe tin nhà máy tạm dừng hoạt động tôi thấy buồn vì không được đi làm. Cách ly ở nhà thế này tiền trọ vẫn phải trả, lo tiền ăn uống không biết có đủ nữa không”, anh Ninh buồn bã nói.
Anh Ninh làm công nhân được 4 tháng nay. Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, anh dành dụm gửi về phụ giúp bố mẹ nhưng hiện tại thu nhập khó khăn, anh không đủ để gửi nữa.
Công nhân Bắc Giang nghỉ làm phòng dịch Covid-19: “Tự động viên ở nhà cho an toàn”5

Hàng quán cũng đóng cửa để phòng dịch. Người dân chỉ được ra ngoài khi cần thiết bởi đang thực hiện giãn cách xã hội

ẢNH: NVCC

“Mấy hôm đi xét nghiệm giờ mới về phòng, nghỉ làm chán nản không biết làm thế nào. Trước đó mới chỉ giãn cách vẫn đi làm được nhưng giờ dừng hẳn rồi, không biết lương được bao nhiêu %. Giờ hàng quán đóng cửa, đường sá vắng hoe chỉ mong dịch hết nhanh để đi làm, kiếm tiền trở lại”, anh Ninh nói.
Cùng hoàn cảnh, chị Bùi Thị Thu Hương (19 tuổi, quê ở Mộc Châu, Sơn La) hiện làm công nhân điện tử cũng phải thay đổi thói quen sinh hoạt vì dịch bùng phát. Ngày thường đi làm, chị được công ty hỗ trợ ăn uống, không phải lo từng bữa nhưng giờ chị đành mua đồ ăn ở ngoài.
“Giờ hàng quán đóng cửa, ra ngoài cũng khó, phải ra các chốt mới lấy được đồ. May mắn tôi vẫn được hưởng 70% lương”, chị Hương chia sẻ.
Để chủ động phòng dịch Covid-19, chị Hương đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách… Chị hi vọng dịch sẽ hết nhanh để chị đi làm, trở lại cuộc sống bình yên như trước.
“Tôi thấy thương người ta nhỡ không may mắc Covid-19. Ở nhà tôi cũng thực hiện các biện pháp chống dịch cho yên tâm, cố gắng ở nhà cho an toàn”, chị Hương cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.