Thanh tra ATTP tuyến quận, huyện: Phải đảm bảo chất lượng cán bộ

06/09/2019 17:00 GMT+7

Thanh tra chuyên ngành ATTP tại tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã đã được mở rộng thí điểm tại 9 tỉnh, thành phố.

Tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP

Theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 26.11.2018, việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố sẽ được thực hiện tại 9 tỉnh, Thành phố trực thuộc T.Ư bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Hà Nội và TP.HCM được triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 100% số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đối với 7 địa phương còn lại, thí điểm tại không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết Hà Nội và TP.HCM đã triển khai rất tích cực.
Theo Cục ATTP, Bộ Y tế, trước đó, từ 2015, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Nhiên, qua khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại một số địa phương, công tác này góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh TP.

Phải đảm bảo chất lượng, dù kiêm nhiệm

Tại Hà Nội, theo kế hoạch triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, từ 10.7.2019 - 10.7.2020 đã triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn và chính thức ra quân hôm 10.7 vừa qua. Các cán bộ được phân cồn sẽ tiến hành thanh tra chuyên ATTP và xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đúng quy định; Tổ chức kiểm tra, giám sát, giao ban, hướng dẫn thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Thành phố sẽ tổ chức hội nghị đánh giá 6 tháng, đánh giá 1 năm thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn thành phố.
Theo Bộ Y tế, từ 11.2015 - 11.2016, Hà Nội và TP.HCM đã thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 9/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian thí điểm tại 5 quận, huyện, với 10 xã, phường, Hà Nội đã thành lập 65 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ATTP. Mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến cơ sở đã giúp tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.
TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết qua thanh tra, kiểm tra hơn 3.500 cơ sở thực phẩm đã phát hiện 786 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền gần 1,2 tỉ đồng. So với trước thí điểm, số cơ sở bị phạt tiền tăng 237% và tổng số tiền phạt tăng 240%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn như, thời gian đào tạo lực lượng thanh tra ngắn, thiếu nhân lực, nên thanh tra viên tại các địa phương vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm.
Đến tháng 9.2019, đã đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho 5.000 cán bộ đảm nhiệm tranh tra chuyên ngành về ATTP tại cơ sở.
“Quá trình thực hiện tại địa phương, để tránh chồng chéo trong thanh, kiểm tra về ATTP, về nguyên tắc, nếu kế hoạch thanh tra của tuyến trên mà trùng với tuyến dưới thì thực hiện theo kế hoạch của tuyến trên. Nếu kế hoạch thanh tra của các cơ quan cùng cấp chồng chéo nhau, trùng nhau thì các đơn vị phải trao đổi, có thể thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành mới hoặc một đơn vị sẽ không thanh tra nữa”, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.