Ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm do suất ăn bán trú không an toàn

09/09/2019 08:00 GMT+7

Hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn bán trú cho học sinh.

Kiểm tra, chấn chỉnh đầu năm học

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, năm học mới cùng với việc lo về điều học tập cũng là thời điểm các trường học tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Người đứng đầu nhà trường trước hết chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cũng như đảm bảo ATTP bữa ăn. Bữa ăn đủ dinh dưỡng và an toàn là yêu cầu trước tiên đặc biệt với lứa tuổi mẫu giáo, mầm non, tiểu học vì số lượng rất lớn và chế độ ăn của các cháu gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung ứng của nhà trường.
“Tại nhiều địa phương việc kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo ATTP bếp ăn, suất ăn trong trường học đã được triển khai ngay trước thềm năm học mới. Tuy nhiên, cần giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc thực hiện các quy định về ATTP suất ăn bán trú, kiểm soát các nguy cơ gây ngộ độc tập thể được duy trì suốt trong năm học”, ông Phong lưu ý.
Tại Thái Bình, Chi cục ATVSTP tỉnh Thái Bình và Trung tâm Y tế 8 huyện, TP đã đồng loạt thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại bếp ăn tập thể trường mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 324/324 trường mầm non và 96/276 trường tiểu học tổ chức ăn bán trú cho học sinh. 100% số bếp ăn tập thể đã được kiểm tra.
Kết quả kiểm tra thấy 91,4% số bếp được thiết kế, bố trí đảm bảo không ô nhiễm chéo; 97,4% số bếp có dụng cụ ăn uống và dụng cụ chế biến đảm bảo an toàn.

Ban phụ huynh cùng giám sát ATTP

Cần duy trì kiểm tra, giám sát về ATTP bếp ăn trong nhà trường

Cần duy trì kiểm tra, giám sát về ATTP bếp ăn trong nhà trường

Ảnh: Liên Châu

Theo đánh giá của Chi cục ATVSTP Thái Bình: 97,4 % số bếp được kiểm tra có đầy đủ các hợp đồng cung cấp nguyên liệu. Một số trường mầm non tư thục tại TP.Thái Bình đã công khai việc nhập nguyên liệu và giúp phụ huynh giám sát việc sơ chế chế biến tại bếp ăn tập thể bằng cách lắp đặt hệ thống camera giám sát trực tuyến. Có 96,4% số bếp thực hiện việc kiểm thực ba bước và 94,5% số bếp thực hiện lưu mẫu đúng quy định nhưng còn một số trường thực hiện lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định, lưu chưa đủ số lượng, lưu lẫn lộn các loại thực phẩm, không dán tem niêm phong khi lưu mẫu.
Đợt kiểm tra này cũng chỉ ra một số hạn chế trong đảm bảo ATTP do diện tích trường nhỏ hẹp nên một số trường chưa bố trí được kho chứa nguyên liệu thực phẩm, chưa có phòng thay bảo hộ lao động cho người chế biến thực phẩm…

Không lơ là vệ sinh cá nhân

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2 triệu học sinh, trong đó số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú là hơn 1.600/khoảng 2.700 trường. Vì vậy theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, vấn đề ATTP trong trường học luôn cơ quan chức năng quan tâm hàng đầu.
Ngành y tế và giáo dục của TP cũng thường xuyên phối hợp, giám sát, yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ xuất xứ thực phẩm, bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, có thời hạn sử dụng, chỉ ký hợp đồng tiếp nhận cung ứng thực phẩm với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có giấy phép, có chứng nhận đủ điều kiện.
Ông Trần Ngọc Tụ khẳng định, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, suất ăn bán trú cho học sinh là công việc thường xuyên. Các vi sai phạm đều phải chịu xử lý nghiêm và công khai danh tính đơn vị vi phạm. Nhưng quan trọng nhất là ngăn chặn các nguy cơ chứ không để xảy ra các vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh do sự cố về ATTP.
“Nhà trường cũng cần tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cung cấp cho học sinh những kiến thức về ATTP, giữ vệ sinh cá nhân (rửa tay sạch, ăn chín uống sôi…), không mua bán sử dụng các thực phẩm hàng rong không được kiểm soát nguy cơ” ông Tụ lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.