Con gái 'xuất giá theo chồng' không được hưởng thừa kế?

12/05/2016 10:02 GMT+7

Nhà tôi có 4 anh chị em (2 gái, 2 trai), cha mẹ đều là những người kinh doanh và có tài sản. Vừa rồi, cha mẹ tôi họp các con lại để làm di chúc. Hai anh đầu không đồng ý cho cha mẹ chia đều tài sản cho 4 người vì cho rằng tôi và em gái đã đi lấy chồng thì thuộc về nhà chồng.

Hiện tại, Nếu cha mẹ còn sống thì việc chia thừa kế thế nào tùy thuộc vào quyền quyết định của cha mẹ.
Hỏi: Nhà tôi có 4 anh chị em (2 gái, 2 trai), cha mẹ đều là những người kinh doanh và có tài sản. Vừa rồi, cha mẹ tôi họp các con lại để làm di chúc. Hai anh đầu không đồng ý cho cha mẹ chia đều tài sản cho 4 người vì cho rằng tôi và em gái đã đi lấy chồng thì thuộc về nhà chồng. Xin hỏi luật sư, có luật nào quy định con gái đi lấy chồng sẽ không được chia thừa kế như con trai không? Nếu có thì ở quy định nào? Cha mẹ có phải nghe theo ý kiến của hai anh không? Trong trường hợp này tôi nên làm gì? (bạn đọc Ngọc Thư, Khánh Hòa)
Trả lời câu hỏi của bạn đọc Ngọc Thư, luật sư (LS) Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, vấn đề con gái đã lấy chồng thì không được nhận di sản thừa kế chỉ là suy nghĩ “trọng nam khinh nữ” còn sót lại thời phong kiến. Luật pháp Việt Nam và Thế giới hiện nay thể hiện quyền bình đẳng nam nữ rất rõ ràng, kể cả trong việc phân chia tài sản.
LS Thanh nêu: “Theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Ngoài ra, Điều 643 Bộ luật Dân sự cũng quy định về trường hợp người không được quyền hưởng di sản chỉ áp dụng trong các trường hợp:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Hơn nữa, trong trường hợp này, cả cha và mẹ đều còn sống nên chia như thế nào thì cha mẹ hoàn toàn có thể quyết định. Chỉ khi cha mẹ đã mất mà không còn di chúc mới áp dụng chia tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, trong trường hợp này, LS Thanh cho rằng, cần bày tỏ quan điểm cá nhân của mình trên cơ sở căn cứ pháp luật hiện hành để cha mẹ hiểu vì họ là người đưa ra quyết định. Đồng thời thuyết phục hai anh của mình để đảm bảo quyền lợi cho hai chị em và giữ hòa khí trong gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.