'Cơn địa chấn' nữ quyền ở Nepal

07/11/2015 11:08 GMT+7

Năm 2015, quốc gia nhỏ bé nằm trên dãy Himalaya trải qua những chuyển biến lịch sử trọng đại đồng thời hứng chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Chính trường Nepal tháng 10 vừa qua cũng chứng kiến một “cơn địa chấn” nhưng lại được xem là “làn gió mát” góp phần làm dịu nhẹ sự trì trệ bế tắc về chính trị ở đất nước hơn 28 triệu dân này.

Năm 2015, quốc gia nhỏ bé nằm trên dãy Himalaya trải qua những chuyển biến lịch sử trọng đại đồng thời hứng chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Chính trường Nepal tháng 10 vừa qua cũng chứng kiến một “cơn địa chấn” nhưng lại được xem là “làn gió mát” góp phần làm dịu nhẹ sự trì trệ bế tắc về chính trị ở đất nước hơn 28 triệu dân này.

“Cơn địa chấn” nữ quyền ở NEPAL 1Bà Bidhya Devi Bhandari - Ảnh: Reuters
Người đứng lên từ cái chết của chồng
Với 327 trong tổng số 541 phiếu bầu của quốc hội Nepal, bà Phó chủ tịch đảng Cộng sản CPN-UML đã làm nên lịch sử ở đất nước này khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên. Bà Bidhya Devi Bhandari, 54 tuổi, là tổng thống thứ 2 của Nepal kể từ khi nước này bãi bỏ chế độ quân chủ kéo dài 240 năm vào năm 2008. Là một nữ chính trị gia nổi tiếng, bà Bhandari tham gia chính trị từ rất trẻ với xuất phát điểm là một hội liên hiệp sinh viên cánh tả cuối thập niên 1970. Bà gia nhập đảng CPN-ML (sau này là CPN-UML) năm 1980, khoảng hai năm trước khi lập gia đình với lãnh đạo Cộng sản nổi tiếng nhất thời đó Madan Kumar Bhandari.
Ông Madan Kumar sau này được bầu làm Tổng thư ký CPN-ML và cho đến nay vẫn được xem là người có công đưa phong trào Cộng sản Nepal lên một tầm cao mới. Nhưng một tai nạn giao thông bí ẩn đã cướp đi người chồng của bà Bhandari. Tuy nhiên, cái chết được cho là một vụ ám sát ấy đã đẩy bà lên tuyến đầu của dòng chảy chính trị ở nước này. Chiếc ghế nghị sĩ đại diện khu vực Kathmandu-1 bị bỏ trống. Người phụ nữ góa bụa đã bước qua đau thương, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử phụ để lấp vào khoảng trống do chồng để lại.
Bước đệm ấy đã đưa bà Bhandari đến với những trọng trách như Bộ trưởng Môi trường Dân số đầu thập niên 1990 và Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ của Thủ tướng Madhav Kumar Nepal từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2011. Còn trong nội bộ đảng UML, bà được bầu vào ban chấp hành đầu năm 1998 và đắc cử chiếc ghế phó chủ tịch trong hai kỳ đại hội năm 2009 và 2014.
Thời ngồi ghế Bộ trưởng Quốc phòng, bà phải đối mặt với sự chống đối từ lãnh đạo đảng UCPN. UCPN yêu cầu lực lượng quân nổi dậy trước kia của họ được nhập vào quân đội quốc gia còn bà Bhandari công khai ủng hộ quân đội vốn kịch liệt chống lại điều này.
Giờ đây, dù chức tổng thống phần nhiều mang ý nghĩa nghi thức nhưng bà Bhandari và đảng của bà khi dẫn đầu chính phủ mới sẽ gánh vác một trách nhiệm lớn lao là đưa Nepal ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị cũng như vực dậy nền kinh tế sau cơn động đất hãi hùng vào tháng 4 năm nay. Khi kết quả bầu cử được thông báo, bà tổng thống lập tức phải hứng chịu mũi dùi tấn công mới từ phe đối lập. Những nhận xét của bà khi thảo luận hiến pháp mới (được thông qua vào tháng 9 vừa qua) đăng trên một tờ báo địa phương được “lật lại”. Người ta cho rằng bà công kích những người ủng hộ quyền phụ nữ, cho rằng họ bị ảnh hưởng bởi những giá trị phương Tây. “Cho dù chúng ta có đồng ý hay không thì ở văn hóa và truyền thống phương Đông, một phụ nữ phải hoàn toàn hết lòng vì một người đàn ông. Điều này có thể là một trật tự mang tính phân biệt đối xử, nhưng xã hội chúng ta luôn luôn vận hành theo cách này” - tờ báo này trích lời bà.
Bà mẹ 2 con này còn bị chỉ trích vì bảo vệ quan điểm của đảng bà về những điều khoản được nhận xét là “trọng nam khinh nữ” của hiến pháp mới. Theo hiến pháp mới, đứa con có mẹ là người Nepal và cha là người nước ngoài không được cấp quốc tịch trừ khi người cha nhập tịch Nepal trước. Trong khi đó, nếu có cha là người Nepal thì bất kể mẹ của đứa bé đến từ nước nào, đứa bé sẽ hiển nhiên được công nhận là công dân Nepal.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với bà và đảng UML là xoa dịu những cuộc biểu tình ở miền nam sát biên giới Ấn Độ đã khiến nguồn cung nhu yếu phẩm từ người láng giềng khổng lồ bị gián đoạn. Đây là sự phản kháng quyết liệt từ các nhóm dân tộc thiểu số bởi hiến pháp mới chỉ cho phép 45% ghế quốc hội được bầu theo đại diện tỷ lệ trong khi hiến pháp tạm thời năm 2006 quy định tỷ lệ này là 58%.
“Cơn địa chấn” nữ quyền ở NEPAL 2Bà Onsari Gharti Magar
Người tỏa sáng bên chồng
Điều thú vị là người tuyên bố bà Bhandari là tân Tổng thống của Nepal là người của đảng UCPN và cũng thuộc phái… yếu. Đó là bà Onsari Gharti Magar - được bầu làm người phát ngôn quốc hội Nepal vào giữa tháng 10 vừa qua. Bà Gharti Magar, 38 tuổi, là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Chính bà Bhandari là người giới thiệu Gharti Magar cho vị trí này. Cuộc đua vào vị trí người phát ngôn quốc hội Nepal vốn đã không căng thẳng lại trở thành đường đi riêng của bà Gharti Magar khi đối thủ, cũng là nữ, bà Anuradha Thapa rút lui.
Cả Quốc hội đều bỏ phiếu ủng hộ Gharti Magar bởi bà từng giữ chức trợ lý người phát ngôn của Hội đồng lập hiến (tiền thân của quốc hội Nepal sau khi hiến pháp mới ra đời). Gharti Magar là một cựu du kích từng cầm súng chiến đấu trong cuộc nổi dậy kéo dài cả một thập niên của những người theo chủ nghĩa Maoism (chủ nghĩa Mao) kết thúc năm 2006. Bà xuất thân từ cộng đồng dân tộc thiểu số Magar ở miền tây Nepal và được so sánh là đại diện cho tiếng nói của vùng quê nghèo xa xôi Rolpa, nơi những người theo chủ nghĩa Maoism phát động cuộc đấu tranh vũ trang năm 1996. Gharti Magar sẽ là một sự cân bằng quý giá cho tình hình bất ổn ở Nepal.
Nếu bà Bhandari giữ hình ảnh một liệt nữ thì bà Gharti Magar là một nửa hạnh phúc của cặp đôi ngôi sao của chính trị Nepal. Bởi chồng bà - Barsha Man Pun hiện là thư ký của đảng UCPN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.