Con bạn thích 'gây hấn' với cả nhà, cha mẹ phải làm sao?

14/05/2016 20:32 GMT+7

Những đứa trẻ thiếu tình cảm của bố hoặc mẹ thường thích gây hấn, liệu đây có phải là nguyên nhân duy nhất?

Minh Đăng là một đứa trẻ thân quen với tôi. Từ nhỏ, bé đã rất bướng bỉnh trong mọi chuyện từ ăn ngủ, chơi đùa.
Nhạy cảm với mọi thứ
14 tháng tuổi thì cha mẹ của cháu ly hôn và cháu được mẹ cùng gia đình bên ngoại nuôi dạy. Càng lớn, việc dạy Minh Đăng càng trở thành thử thách lớn với cả nhà.
Cháu có tính gây hấn cực kỳ mạnh và cũng dễ tổn thương tới mức yếu đuối. Khi trao đổi với bé bất cứ việc gì thì phản ứng đầu tiên của bé là giãy nảy, phản đối. Khi không vừa ý chuyện gì thì bé ăn vạ, thể hiện gương mặt giận dữ rất đáng sợ, chân tay run lên bần bật kèm theo khóc lóc.
Bé cũng hay ganh tị với cô em họ ở cùng nhà, em có cái gì hoặc được đi đâu chơi mà bé không được đáp ứng tương tự thì sẽ khóc lóc, đòi hỏi, trút giận lên em và cả nhà.
Trẻ rất khó hòa nhập khi chơi với bạn
Biểu hiện tính gây hấn của bé xuất hiện thường xuyên ở nhà hơn ở trường hoặc ở nơi lạ. Trước 5 tuổi, triệu chứng tăng động giảm chú ý của bé rất rõ nét nhưng khi qua tuổi lên 5 thì biểu hiện tăng động giảm bớt và chỉ còn lại phần giảm chú ý càng lúc càng nghiêm trọng.
Ở lớp, do bé có chứng giảm chú ý nên thường bị cô giáo phàn nàn, phạt và bạn bè trêu chọc càng khiến bé rất dễ khóc. Có khi bạn bè hỏi han rất bình thường, bé cũng phản ứng gay gắt.
Tuy nhiên, bé lại đặc biệt vâng lời, gắn bó với một số người nhẹ nhàng, mềm mỏng với bé. Khi cơn xung động qua đi, người lớn vẫn có thể trò chuyện phân tích thiệt hơn cho bé. Bình thường bé cũng rất quan tâm và yêu thương em họ, đi đâu cũng muốn có em đi cùng.
Cho tới lúc này, bản thân tôi có chuyên môn về tâm lý giáo dục, tham khảo thêm kinh nghiệm của các đồng nghiệp chuyên về tâm lý học trị liệu thì vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân các biểu hiện tâm lý bất thường của bé.
Đến từ nhiều nguyên nhân
Như hầu hết các rỗi nhiễu tâm lý, việc chẩn đoán chính xác loại rối nhiễu đã khó, việc xác định nguyên nhân càng khó hơn vì các biểu hiện rối nhiễu thường phong phú và có khác biệt giữa trẻ này với trẻ khác, các rối nhiễu lại đi kèm với nhau.
Ví dụ, ban đầu chúng tôi tin rằng các hành vi gây hấn của Minh Đăng là một phần đi kèm của chứng tăng động. Gây hấn cũng là biểu hiện của các rối loạn khác như cảm xúc, ứng xử, chống đối xã hội, lưỡng cực.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ có những trẻ chỉ có biểu hiện gây hấn mà không đi kèm các rối nhiễu khác hoặc các hành vi gây hấn không thường xuyên tới mức là biểu hiện của các chứng rối loạn tâm lý.
Điều các cha mẹ cần nhớ là rất nhiều trẻ có tính gây hấn ở những độ tuổi nhất định như quanh tuổi lên 3 chẳng hạn. Vì vậy, vài biểu hiện đơn lẻ, xuất hiện ngắn hạn không đủ để kết luận là con mình đang mang rối nhiễu tâm lý.
Hành vi gây hấn của trẻ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, ngoài lý do đặc trưng lứa tuổi nói trên.
Thứ nhất, nguyên nhân về gen, kiểu hoạt động thần kinh có thể ảnh hưởng, rất nhiều trẻ có khí chất nóng nảy nên khó kiểm soát phản ứng của mình; có trường hợp trẻ bị tổn thương não bộ nên cũng sinh ra gây hấn.
Thứ hai, các yếu tố từ môi trường sống. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc trẻ sống trong gia đình mà quan hệ giữa cha mẹ không tốt, cha mẹ ly hôn thì cũng có khuynh hướng xuất hiện tính gây hấn nhiều hơn do trẻ buồn phiền, thất vọng và gây hấn như một cách giải toả cảm xúc dồn nén bên trong.
Nhiều gia đình có cách giáo dục con kiểu độc đoán, có khuynh hướng sử dụng bạo lực bằng lời lẫn thân thể cũng khiến trẻ gia tăng tính gây hấn. Trường hợp Minh Đăng thì nguyên nhân này khá rõ nét.
Người mẹ thương con nhưng nóng nảy, thiếu kiên nhẫn đã khiến các can thiệp của chuyên viên tâm lý bị giảm hiệu quả và tính gây hấn của Minh Đăng với mẹ càng lúc càng mạnh.
Ngoài ra, nếu trẻ đi học rồi thì các mối quan hệ xã hội khác của trẻ cũng có thể làm dễ bộc phát gây hấn như bạn bè hay trêu chọc, tẩy chay, cô lập. Minh Đăng cũng trải nghiệm nguyên nhân này.
Có khi sự thiếu hụt các kỹ năng xã hội của trẻ cũng khiến trẻ phản ứng không phù hợp trong tình huống không như ý. Việc xác định nguyên nhân cần rà soát lại tất cả các mặt trong đời sống của trẻ, kể cả kiểm tra não bộ, đừng vội kết luận!
Cha, mẹ cần làm gì?
 Nếu biểu hiện gây hấn của trẻ cực kỳ nghiêm trọng thì chắc chắn cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên gia trị liệu tâm lý để can thiệp. Trường hợp trẻ chỉ có một số biểu hiện đơn lẻ, vừa phải thì cha mẹ có thể điều chỉnh dần.
- Cần ý thức rằng trẻ nào cũng có lúc ‘chướng’. Khi trẻ ‘gây chiến’, cha mẹ không nhất thiết phải ‘tham chiến’ mà cần bình tĩnh, cho trẻ (thực chất là cho chính cả cha mẹ) khoảng lặng để bình tĩnh. Để trẻ bộc lộ hết cảm xúc như khóc lóc, đánh đập vào đồ vật an toàn như gối ôm rồi nhẹ nhàng ôm con, vỗ về và hỏi: Có chuyện gì đang xảy ra với con? Con đang không vui à? Mẹ đang nghe con đây, con kể cho mẹ nghe xem nào? Sau đó, trò chuyện cùng con để phân tích cái đúng, cái sai trong hành vi. Tôi từng áp dụng với Minh Đăng và hầu hết tình huống đều hiệu quả, cơn xung động của Minh Đăng chấm dứt sau tầm 2 phút. Sự kiên nhẫn và yêu thương là chìa khoá để xử lý tính gây hấn của trẻ.
- Cha mẹ tuyệt đối không dán nhãn con ‘hư’, ‘lì’. Minh Đăng từng gào lên dữ dội ‘Con không hư’ mỗi khi bé gây hấn và mọi người xung quanh phán bé ‘Hư quá’. Các nhãn dán này chỉ làm trẻ gia tăng xung động.
- Hình phạt bạo lực không giúp ích gì để điều chỉnh hành vi gây hấn của trẻ nên cha mẹ cần phải tránh. Có thể phạt trẻ vì lỗi gây hấn như đánh bạn, đánh ba mẹ bằng cách đứng yên một góc hoặc vào phòng kín vài phút, tịch thu đồ chơi, không được hưởng một số quyền lợi.
- Thiết lập mối quan hệ gần gũi, tin cậy giữa cha mẹ với con. Cha mẹ cần thể hiện sự tôn trọng cảm xúc của con, lắng nghe và quan sát các biểu hiện bất thường của con để kịp thời hỗ trợ, đừng để trẻ thấy cô đơn và có cảm giác bị bỏ rơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.