‘Cởi trói’ thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho doanh nghiệp

01/07/2021 12:58 GMT+7

Lần đầu tiên một dự thảo nghị định đầy đủ, toàn diện nhất về thủ tục kiểm tra chuyên ngành được xây dựng sẽ giúp doanh nghiệp được “tháo gông” về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tiết giảm chi phí, tăng cao năng lực cạnh tranh.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan vừa cho biết, Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do cơ quan này xây dựng đang hoàn thành khâu cuối cùng. Dự kiến ngay trong quý 2/2021, dự thảo sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ để ban hành.
Trước đó, công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp (DN) ghi nhận. Tuy nhiên, vì các thủ tục còn chồng chéo, một mặt hàng có nhiều bộ, ngành kiểm tra; thủ tục rườm rà, phức tạp đã gây ra không ít khó khăn, tốn kém chi phí, giảm hiệu quả hoạt động của các DN.
Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP và số 02/NQ-CP cùng Quyết định số 38/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định. Đến nay, chỉ trong vài tháng triển khai, Tổng cục Hải quan đã cơ bản hoàn thành dự thảo với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng liên quan thiết yếu tới hoạt động nhập khẩu của DN.
Cán bộ hải quan hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục - Ảnh: Ngọc Thắng

Cán bộ hải quan hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục

Ảnh: Ngọc Thắng

Gỡ khó để doanh nghiệp vượt dịch Covid-19

Tác động lớn nhất của dự thảo là “cởi trói” cho các DN. Theo đó, trước kia nhiều bộ, ngành cũng kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa nhập khẩu thì dự thảo nghị định sẽ “quy về một mối” là Tổng cục Hải quan. Đồng thời, hồ sơ, thủ tục của DN được triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. DN cũng được cắt giảm rất nhiều chi phí, thủ tục…
Bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Giám quản 1 (Cục Giám sát quản lý về hải quan), thành viên Tổ biên tập nghị định cho biết, dự thảo nghị định được xây dựng trên nguyên tắc bám sát 7 nội dung cải cách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg. Những nội dung quy định tại dự thảo nghị định không làm thay đổi mà còn nâng cao chức năng quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã được quy định của luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, luật An toàn thực phẩm, luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các Luật chuyên ngành thông qua tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ thông tin để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra, đảm bảo minh bạch thông tin đảm bảo áp dụng đầy đủ, hiệu quả các phương pháp kiểm tra tiên tiến.
Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kinh doanh đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Trong các cuộc họp gần đây, nhất là tại Kết luận 07 ngày 11.6.2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất

7 nội dung cải cách đã được cụ thể hóa tại dự thảo Nghị định bao gồm:

1. Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu;
2. Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra;
3. Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; đơn giản hóa hồ sơ kiểm tra thông quan tích hợp hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm với hồ sơ kiểm tra hải quan;
4. Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra;
5. Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp;
6. Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm;
7. Ứng dụng tối đa hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan kiểm tra, tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.