'Cỗ máy học' mang tên Angela Merkel

27/08/2017 14:02 GMT+7

Nước Đức sẽ bước vào cuộc tranh cử liên bang vào tháng 9 tới. Liệu “bà đầm thép của phương Tây” Angela Merkel có thành công trong nỗ lực giành được nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 hay không là câu hỏi gây chú ý nhất trong sự kiện lớn này.

Sự nghiệp chính trị của người phụ nữ 63 tuổi này bắt đầu khá tình cờ và ở cái tuổi không phải sớm sủa gì nhưng đã đưa bà lên tới đỉnh cao quyền lực. Chính nền tảng giáo dục từ thuở nhỏ được xem là nấc thang đầu tiên vững chắc để bà giữ được chiếc thủ tướng suốt 12 năm qua.
Một học sinh xuất sắc
Phải đến năm 35 tuổi, bà Merkel mới có cơ hội thể hiện tài năng tổ chức của mình khi được chọn làm trợ lý phát ngôn cho thủ tướng cuối cùng của Đông Đức Lothar de Maiziere. Nhưng phải hơn một năm sau, trong cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên của nước Đức thống nhất vào tháng 12.1990, bà Merkel mới lọt vào mắt xanh của Thủ tướng Helmut Kohl sau khi giành được một ghế trong quốc hội.
Ông Kohl ngay lập tức nhìn thấy ở Merkel một “tài sản” quý giá cho nội các đầu tiên của ông. Đó là một Ossi (người Đông Đức) xuất thân từ một gia đình mục sư.
Khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên, Merkel trở thành người phụ nữ Đông Đức đầu tiên có mặt trong nội các chính phủ. Rồi 4 năm sau, Merkel được trao trọng trách Bộ trưởng Môi trường và An ninh hạt nhân - một vị thế nâng cao uy tín của bà trên trường quốc tế.
Con đường từ một nhà nghiên cứu Đông Đức ít người biến đến ở Berlin đến một chính trị gia hàng đầu ở Bonn thật suôn sẻ bởi xuất phát điểm mà bà Merkel gọi là “tuổi thơ yên tĩnh” ở thời điểm vẫn còn tồn tại hai miền Đông - Tây Đức nhưng chính trị và tôn giáo không phải là những yếu tố tác động lớn.
'Cỗ máy học' mang tên Angela Merkel1
Là con gái lớn trong gia đình có ba người con, bà được sinh ra ở Tây Đức nhưng không lâu sau khi bà chào đời, cha bà - một mục sư Tin lành quyết định Đông tiến theo tiếng gọi cần thêm mục sư ở nơi này.
“Chẳng có gì muộn phiền trong quãng đời ấy” là bộc bạch thẳng thắn của cô con gái của một giáo viên tiếng Anh và một mục sư - người cho rằng giáo dục quan trọng hơn lòng ngoan đạo. Ở lần tranh cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ 3, bà Merkel, trong một động thái chưa từng thấy trước đây, đã chia sẻ những tấm ảnh gia đình và nhớ lại tuổi thơ hạnh phúc bên em trai và em gái. “Chúng tôi đã có những ngã rẽ khác nhau trong cuộc đời nhưng vẫn còn nhiều thứ kết nối chúng tôi. Những giá trị Cơ đốc giáo và cái nhìn rộng mở đối với thế giới của gia đình tôi đã hình thành nên con người tôi”, bà Merkel cho biết.
Trong một bài viết năm 2013 của tờ Telegraph, ông Hans-Ulrich Beeskow, lúc đó 74 tuổi, vẫn còn nhớ rõ về cô học trò vừa học giỏi vừa rất quyết tâm. Thầy Beeskow, người từng phụ đạo cho cô học trò Angela để tham gia kỳ thi toán quốc tế, kể lại: “Con bé là một học sinh năng khiếu, là một trường hợp đặc biệt trong số các nữ sinh và chỉ có nó mới có thể tranh đua với các nam sinh. Angela rất ham học, rất có hoài bão. Nó không bao giờ đưa ra những quyết định kiểu chớp nhoáng. Mọi thứ luôn luôn được cân nhắc cẩn trọng”.
Không chỉ giỏi toán, Angela còn học xuất sắc môn tiếng Nga. Angela từng ba năm liên tiếp giành thứ hạng cao nhất trong các cuộc thi tiếng Nga ở Đông Đức. Năm 15 tuổi, cô học trò sinh ra ở Tây Đức này được xướng tên là nhà vô địch tiếng Nga quốc gia.
Cũng theo lời người thầy này, với xuất thân gia đình như thế thì “không dễ dàng để Angela có được vị trí ở trường đại học nên con bé cần phải trở thành một người có thành tích xuất sắc”. Và cô học trò không bao giờ quan tâm đến thời trang và không để những định kiến về tôn giáo, xuất thân ảnh hưởng trên hành trình tiến lên Đại học Leipzig để theo học ngành vật lý và rồi sau này lấy bằng tiến sĩ ngành hóa học lượng tử ở Berlin.
Bước rẽ của nhà nghiên cứu
Những vị trí gọi là “đầu tiên” trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel là sự lặp lại của một mô hình cá nhân bắt đầu từ thập niên 1980. Trong thời gian đó, bà là nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Khoa học ở Đông Đức và là người phụ nữ đầu tiên trong lĩnh vực ấy thời bấy giờ.
Theo Newstatesman, điều cần nhấn mạnh là bà Merkel là một nhà khoa học lý thuyết, không phải là người theo trường phái thực nghiệm. Bà giải quyết vấn đề có phương pháp, luôn nghĩ đến nhiều kịch bản khác nhau, cân nhắc thiệt hơn, tiên liệu các phản ứng trước khi đưa ra các quyết định dựa trên thông tin cụ thể. Đó là phương pháp làm việc mà bà áp dụng khi bước chân vào chính trường và tiếng Đức gọi là “Dinge vom Ende her denken” (tạm dịch: suy nghĩ về mọi chuyện dựa trên kết quả sau cùng).
Lúc kể chuyện về tuổi thơ, bà cho biết bài học mà bà rút ra được từ quãng đời này là phải cẩn thận trong cách hành xử với người khác. Cuộc sống ở thời điểm đó đã rèn nên một Angela không phải là người cơ hội cũng không phải là người lì lợm, thích đối đầu mà là một Angela luôn biết lắng nghe. Với bài học ấy, bà Merkel sau này trong mắt nhiều người là người rất giỏi về giao tiếp. Bà là người nổi tiếng nắm bắt vấn đề rất nhanh nhưng lại biết dành thời gian cân nhắc trước khi quyết định như lời kể của thầy giáo năm xưa. “Tôi không bao giờ quyết định tùy biến. Tôi nhìn lại toàn bộ quá trình cũng như nghĩ tới nơi mà một quyết định hợp lý sẽ đưa tôi đến”, bà Merkel cho biết. “Đó là nhà khoa học trong bà ấy”, tờ Newstatesman nhận định.
Và cái nơi mà bà đến được cho đến nay không phải ai cũng có thể đến. Là nhà lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất hiện nay ở phương Tây, người phụ nữ chỉ diện một kiểu trang phục duy nhất suốt bao năm qua, đang dần đi đến một cột mốc mà không phải ai cũng có thể đạt được. Không điều gì là không thể đối với người phụ nữ quyền lực nhất thế giới vốn được các nhà bình luận chính trị đặt cho cái tên “The learning machine” (tạm dịch: Cỗ máy học) bởi bà có khả năng nhận ra sai lầm và biết rút ra bài học. Hãy chờ đến tháng 9!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.