Cô giúp việc tâm sự cùng chủ: Bầu thương bí như chị em một nhà

03/09/2016 13:02 GMT+7

Mỗi lần tới làm giúp việc theo giờ cho chị, cô ấy lại được dịp than thở, trút ra những nỗi buồn bực của mình.

Nghe thì có vẻ ngược đời: người giúp việc trút bầu tâm sự cho chủ nhà nghe, nhưng quả thật, bởi chị độ lượng và chia sẻ, nên cô ấy cứ thành thật gửi gắm tâm sự và chờ đợi ở chị những lời khuyên hữu ích.
Cô đã làm giúp việc nhà cho chị khoảng chục năm nay. Chị quý cô bởi tính thật thà như đếm, nhặt được cái bông tai vàng rơi dưới gầm giường khi quét nhà, thấy trong túi quần jeans của con chị cả trăm ngàn đồng bỏ quên khi giặt... cô cũng đưa trả lại chị đàng hoàng.
Có lần, chị bị dọn dẹp nhầm, bỏ cái phong bì đựng mấy ngàn đô định gửi tiết kiệm trong bịch nilon đen, rồi vứt vào thùng rác trong phòng, khi dọn rác đổ đi, cô ấy kiểm lại, tháo ra, rụt rè hỏi có phải chị muốn vứt cái này đi không?
Chị hết hồn, xuýt xoa mừng khi nhận lại, trong khi cô ấy hồn nhiên bảo “Sao em thấy tiền gì giống tiền âm phủ (cả đời cô có biết tờ đô la Mỹ thật là thế nào đâu), tưởng chị vứt đi thật, nhưng cứ hỏi chị lại cái đã...”.
Quý cô, nên chị cũng hay giúp đỡ lặt vặt, hay cho thêm cô món này thức kia, đồ ăn thức uống, áo quần cũ, bánh quà... Cô cũng rất tự trọng, cả chục năm chưa bao giờ ứng tiền trước tháng nào. Đến nhà chị, cô kể về gia cảnh, chỉ mong chị “cho em lời khuyên của người có học, chứ tụi em không có trình độ, kiến thức gì, chẳng biết thế nào là đúng, sai...”.
Cô hỏi chị từ chuyện học hành của đứa con gái duy nhất, có nên cho cháu học thêm không, con đòi chơi “vi tính” thì phải làm sao... đến chuyện cư xử trong cái gia đình phức tạp của cô.
Cả đại gia đình ở chung trong ngôi nhà nhỏ xíu bố mẹ để lại: một ông anh hơi chậm, có vấn đề thần kinh nên không lấy vợ; một bà chị ly hôn chồng, không con, về ở; cặp vợ chồng chú út không nghề nghiệp, ai bảo gì làm nấy, mà lười nhác, chỉ làm đủ ăn tiêu một ngày, có việc nữa cũng lười, không chịu làm thêm, hai đứa con không được dạy bảo nên láo hỗn, thường rình lấy trộm đồ của cô, đã mấy lần moi tiền heo đất, lục tủ lấy mất chỉ vàng cô dành dụm...
Ở nhà thì nhặt nhạnh lấy bớt từ gạo, dầu, củ hành, củ tỏi... lại còn hay chành choẹ, kiếm chuyện. Chờ đợi nhà vệ sinh, tranh chỗ phơi đồ, sử dụng điện nước… tất cả đều thành nguyên nhân của chuyện lườm nguýt, chửi bậy. Người hiền như chồng cô và ông bác thì bị bắt nạt, hết người này sai đến người kia khiến; người đanh đá như bà bác, ngang ngạnh như chú út thì lúc nào cũng giành quyền “ưu tiên”, to giọng.
Cô là dâu nên chẳng dám nói gì, dù cả nhà vẫn hay lợi dụng cô, khi vay mượn, lúc góp việc chung. Chăm chỉ chịu khó, cô đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, cả chủ nhật cũng tranh thủ ủi đồ cho người ta vài tiếng đồng hồ, may trời cho sức khỏe và tằn tiện nên cũng dành dụm được ít vốn liếng...
Chị lắng nghe, góp ý với cô từng chuyện một, dù gia cảnh ấy nhiều khi làm chị phải lắc đầu... Có lần, nghe cô kể con gái hồi 5 tuổi hay thích tắm ở ngoài vòi nước, vì trong nhà tắm hơi chật, có hôm ông chú đi qua vỗ mông cháu “khen mông bự”, chị phải giải thích cho cô chuyện dạy con về giới tính, phòng ngừa những điều tệ hại có thể xảy đến.
Chị cố gắng nói chuyện đơn giản, không quá lý lẽ, đưa ví dụ thực tế để cô hiểu... Chị cũng giúp cô làm thẻ ATM gửi tiền, tránh những mất mát trong nhà, thiệt thòi mà một mất mười ngờ...
Mỗi lần đến nhà chị làm việc, cô bảo luôn cảm thấy vui và dường như cô làm kỹ hơn, chăm chút hơn hẳn những nhà khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.