Cô giáo và tủ sách làng

28/01/2021 10:40 GMT+7

Câu chuyện “ văn hóa đọc ” có thể mờ nhạt ở đâu chứ ở làng Mỹ Huệ, xã Bình Dương (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) thì khá đậm nét. Là bởi nơi đây có một “thư viện nhí” do cô giáo dạy văn Hoàng Lan Quyên (Trường THCS Nguyễn Tự Tân) lập ra.

Đọc sách vừa vui vừa được... ăn
Vì là Tủ sách không tên, phục vụ miễn phí và đa dạng người đọc nên dân địa phương đặt đủ thứ tên: Tủ sách quê, Tủ sách làng, Tủ sách dễ thương, Tủ sách mini... Ngoài những cái tên ấy, các em học sinh trường này thường gọi “Tủ sách cô Quyên”.
Nói về chuyện thành lập tủ sách, cô giáo Quyên chia sẻ: “Tôi trích tiền lương của mình để đóng tủ, bàn ghế. Với số lượng sách tôi tích lũy được trong nhiều năm kết hợp với mua mới, tủ sách đã được hình thành từ đầu xuân năm ngoái. Đối tượng đầu tiên tủ sách hướng đến là học sinh của những lớp tôi dạy. Không lâu sau, được mở rộng hơn khi những anh Bảy, chị Ba, thím Tư, chú Sáu... đi làm đồng về ghé vào uống nước. Họ tiện tay cầm quyển sách, lật đọc vài trang, thấy thú vị rồi làm siêng ghé thăm. Tôi rất thích người quê tôi gọi là “Tủ sách làng” vì cái tên này mang tính cộng đồng. Và cũng nhờ chữ “làng” mà lâu lâu tôi nhận được những cuốn sách cũ có giá trị của dân làng, có khi là của học sinh, đóng góp vào tủ sách”.
Hỏi, thư viện trường “bao la” sách, cô lập tủ sách riêng chi cho tốn tiền, tốn thời gian? Cô Quyên nói: “Tiền hả? Không ngại lắm, khéo ăn thì no thôi. Tủ sách giúp việc dạy văn của tôi tốt hơn, giúp học sinh của tôi học văn thú vị hơn nên không thể gọi là tốn thời gian. Học sinh, cũng là độc giả của tôi, kể rằng đến thư viện trường, các em cảm thấy “lạc” trong một rừng sách. Phòng đọc rộng nhưng vắng đến lạnh luôn. Khi đọc, có chỗ cần hỏi mà không biết hỏi ai. Thêm nữa, đến thư viện phải tuân thủ giờ giấc. Lúc rảnh rỗi, cần đọc thì hết giờ! Còn tủ sách nhà cô Quyên thì cô trò cùng “quản” nên đến lúc nào cũng được, kể cả lúc cô đang ở trường. Các em đọc, trao đổi cùng bạn, có lúc cãi nhau om sòm rất dễ thương về một chi tiết nào đó trong sách... Cô thì quanh đây, mọi “lăn tăn” đều được cô giải đáp. Các em còn được cô mời ăn củ lang, củ mì. Lâu lâu còn được cô cho ăn bánh, uống nước ngọt nữa. Đúng là đọc sách vui và... bổ”.
Chuyện tử tế: Cô giáo và tủ sách làng

Cô giáo Quyên cùng các độc giả lớn tuổi

Cuốn sách mở ra, bóng tối khép lại

Gần 600 đầu sách, hơn 50 tên sách cho buổi đầu gầy dựng là cả một cố gắng lớn của cô giáo Quyên. Đó là các tuyển tập thơ Bích Khê, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Thanh Thảo... Sách về những danh nhân lịch sử - văn hóa, về những câu chuyện hiếu học, những tấm gương chiến đấu, hy sinh trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, về kiến thức nhà nông, các loại sách kỹ thuật, các tạp chí văn học địa phương. Ngoài ra còn có những tác phẩm văn học dùng trong nhà trường, các tiểu thuyết, truyện dịch, truyện thiếu nhi và tác phẩm nổi tiếng viết cho tuổi học trò của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Ngoài học sinh, nông dân và cán bộ về hưu cũng hay đến nhà cô Quyên, ngồi với quyển sách. Cô giáo mừng lắm, san sẻ niềm vui của mình với bạn bè, rằng thêm một người đọc sách là thêm một người tử tế, bớt đi một người nghĩ sai và làm sai. Cô Quyên còn rủ học trò cùng mình phát triển tủ sách. Học sinh tự nguyện bỏ ống 5.000 đồng/tuần. Bản thân cô tháng nào cũng trích “một góc” lương cho quỹ phát triển sách. Hễ thấy có chút tiền rủng rỉnh là cô trò nhắc nhau đi mua sách mới.
Một đồng nghiệp của cô Quyên nhận xét: “Cô giáo Quyên đang truyền cảm hứng đọc sách, truyền lửa đam mê văn chương cho những học trò của mình”. Học trò “ham” sách hay nhắc lời cô nói: “Cuốn sách mở ra, bóng tối khép lại”. Là giáo viên giỏi văn cấp tỉnh, cô đã cùng các đồng nghiệp đào tạo hàng trăm học sinh giỏi văn trong gần 30 năm qua. Trong đó có một số học sinh là thủ khoa các kỳ thi giỏi văn cấp tỉnh. Không những thế, cô còn thể hiện khả năng văn chương của mình qua những bài thơ, tản văn trên báo Quảng Ngãi. Mới đây, cô đã in cuốn Tiếng vọng thời gian, tập tản văn đầy đặn cảm xúc của một cô giáo yêu nghề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.