Có gì ở quán chị Mười mỗi ngày 1 món khiến hẻm Sài Gòn đông nghẹt?

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
24/01/2021 12:12 GMT+7

Cùng bán chung 1 địa điểm, thực đơn giống với con gái nhưng chị Mười chỉ bán buổi trưa đến chiều, hễ đến phiên chị đến bán là khách lại nườm nượp đến khiến chị không ngơi tay. Con hẻm nhỏ Sài Gòn cũng phút chốc đông nghẹt vì khách đến ăn.

Mở quán hơn 20 năm đầu hẻm 233 Trần Quý (Q.11, TP.HCM) nhưng chị Trần Thị Trình (44 tuổi) đều được thực khách gọi với tên chị Mười. Ngay cả biển hiệu của quán cũng để tên chị Mười. Vì thuê mặt bằng quán nhỏ nên chị Mười phải sắp thêm bàn ghế ở hẻm để khách đến ăn, chỗ để xe chật chội nhưng khách đến không ai than phiền mà sẵn lòng ngồi đợi để được thưởng thức món ăn.

Bán mỗi ngày một món vì nghe than “hôm nay ăn gì?”

Giải thích tên gọi quán, chị Mười vừa cắt cánh gà sắp vào dĩa vừa kể lại nhà nghèo lại ở quê nên sinh nhiều con, chị là con gái thứ mười trong nhà. Hầu hết chị em trong nhà đều vào Sài Gòn lập nghiệp rồi thuê mặt bằng bán quán ăn. Đặc biệt cả 5 chị em đều bán quán ở gần nhau ở quận 11, đều bán mỗi ngày 1 món.
“Cả nhà bán vậy đó mà Mười là dễ tính nhất, có lẽ vậy mà nhiều người đến quán lắm. Chắc vì dễ tính nên khách cũng dễ tính luôn. Khách đến có người thuộc thực đơn trong tuần còn hơn cả chủ quán, có người thì không nhớ bán món gì nhưng tới ngày nào bán món gì là ăn món đó luôn”, chị kể lại.

Giờ cao điểm đông khách chồng của chị Mười sẽ phụ vợ bán

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Xe đẩy của chị Mười được đặt ở đầu hẻm, khách muốn vào quán ăn thì để xe sát và một góc bên trái của hẻm. Chị Mười bán mỗi ngày một món, thứ 2 bán bún thái, thứ 3 bán bánh canh cua, thứ 4 là mì vịt/gà tiềm, thứ 5 bán cà ri gà/vịt, thứ 6 bán Bún mì vàng, thứ 7 bán bún mắm và chủ nhật bán bánh canh cua. Vào những ngày cuối tuần, khách thường đông hơn ngày thường.

Thực đơn phân biệt giữa buổi sáng và buổi chiều của mẹ con chị Mười

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Khách đến quán ăn để xe sát vào một bên và ngồi ăn một bên

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chia sẻ về thực đơn đặc biệt chị Mười giải thích vì thường nghe mọi người hỏi nhau không biết “hôm nay ăn gì?” nên mỗi ngày chị bán một món để khách ăn không ngán mà có thể ăn hàng ngày, chị bán cũng dễ hơn. Ngày nào nấu bán hết ngày đó rồi lại chuẩn bị để bán món mới.
Anh Nguyễn Văn Thành (ngụ Q.11) lắc đầu khi được hỏi món gì ngon nhất ở quán, anh chia sẻ đối với anh món gì ở quán cũng ngon, món nào anh cũng ăn được. “Đến mà thấy đông thì mình đợi, quán bán giá cũng phải chăng nên mình ăn cũng được nên ghé suốt vì nhà cũng gần”, anh nói.

“Nghỉ một ngày là nhớ khách”

Luôn miệng cười đùa với khách, chị Mười tâm sự, chị buôn bán xuyên suốt, chỉ nghỉ vài ngày Tết để về quê vì “nhớ khách”. “Nghỉ cái là nhớ, có khách mình trò chuyện, hỏi thăm người này, người kia một xíu đùa giỡn nó vui vẻ qua ngày, mưu sinh đã cực khổ rồi nên mình thoải mái với khách một xíu”, chị nói.
Đi ăn nhiều quán ở Sài Gòn rồi mới thấy, những quán ăn có chủ quán hay cười nói và hài hước luôn được lòng khách, nhiều khách bày tỏ một phần cũng vì thế mà quay trở lại quán ủng hộ. Quán của chị Mười khá nhỏ, chỗ để xe chật chội khó khăn nhưng khách vẫn nườm nượp ra vào và chủ yếu là khách quen.
Chính vì vậy mà khi truyền nghề lại cho con gái, con gái chị cũng bán cùng 1 thực đơn món ăn, cùng một chỗ nhưng cứ hễ chị Mười dọn hàng ra là lại nhiều khách đến ăn hơn hẳn. Chị đổi ca bán từ 11 giờ 30 và bán đến tầm 16 giờ 30 thì hết và dọn quán.

Chị Mười rất ít khi nghỉ vì "nhớ khách"

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Vì không đến quán chị Mười đầy đủ các ngày trong tuần nên tôi chỉ kịp thưởng thức món bún mắm và bánh canh cua. Tô bún mắm đầy đủ có gồm tôm, mực, ớt sừng dồn, chả cá, chả lụa, thịt heo quay, rau các loại,.. đậm chất miền tây. Bánh canh cua tô đầy đủ gồm giò, tôm, chả cá, huyết. Ngoài ra tô bánh canh có cua nguyên con giá giao động từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng.
Bán nhiều năm nhưng chị Mười vẫn giữ giá cả bình dân, chị bày tỏ vì là quán vỉa hè, khách phần lớn là công nhân nên không tăng giá. Những năm qua chị vẫn duy trì giá món ăn từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng.

Món bún mì vàng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Người ta cũng không có tiền nên mình tăng giá thì cũng ngại, cũng quen bán vậy rồi. Thật ra nếu nâng giá lên tầm khoảng 35.000 đồng đến 45.000 đồng thì mình sẽ có lời hơn nhưng mình được cái lấy số đông bù lại, quán bán được lắm, không đếm được nhưng ngày cũng bán được vài trăm tô. Có ngày bán đến không kịp thở. Nhiều khi khách đông mình không có thời gian để cắt khoai lang cho khách nên nói dối khách là hết khoai lang rồi”, chị nói.
Đến quán vào giờ trưa lúc đang đông khách bà Nguyễn Thị Diệu vẫn tự nhiên như ở nhà, bà chia sẻ: “Nó bán ở đây lâu lắm rồi. Nhiều khi đến quán đông quá mình tự phục vụ luôn, có khi mới thấy mặt mình là nó đã kêu mình bưng ra phụ cho mấy bàn ở trong. Bưng xong lấy nước mắm này kia xong xuôi xong mình mới ngồi bàn để ăn tô của mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.