Cô gái Sài Gòn thay đổi cuộc đời sau 8 năm không thể ăn uống

05/07/2019 12:16 GMT+7

Mùng 5.5 của 24 năm trước, cả nhà chuẩn bị nấu bánh ú thì Hạnh (3 tuổi) lấy ca nước tro tàu uống. Suốt 8 năm sau, Hạnh không thể ăn vì bỏng thực quản nhưng số phận đã mỉm cười khi Hạnh gặp bác sĩ Martin.

Những ngày hè rực rỡ, tôi gặp Trần Thị Kim Hạnh (27 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) trong chiếc đầm màu vàng xinh xắn bước vào khách sạn New World. Cô gái luôn tươi cười vì trân trọng giá trị của từng giây phút trong cuộc sống, hơn hết, hôm nay Hạnh được gặp lại Giáo sư, bác sĩ Martin Thomas Corlbally – người mà cả Hạnh và gia đình xem như một ân nhân vì đã giúp Hạnh trở lại cuộc sống bình thường như bao người.

8 năm sống trong tuyệt vọng

Bằng giọng nói khàn khàn vì di chứng để lại sau ca phẫu thuật sinh tử, Hạnh kể khi cả nhà đang chuẩn bị nấu bánh ú lá tro để mang đi bán trong ngày mùng 5.5 âm lịch thì cô đã lấy ca nước còn sót lại vài giọt nước tro để uống. Vừa uống xong, cổ họng đau rát, Hạnh khóc thét lên và được cả nhà đưa đi cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán Hạnh bị bỏng ống thực quản. Từ đó, Hạnh không thể ăn hay uống gì, vì hễ ăn uống vào là cô lại ói ra hết. Bác sĩ phải thực hiện một ca phẫu thuật để gắn chiếc ống vào bên hông của Hạnh để gia đình bơm thức ăn vào cho cô.
Không còn cảm nhận được mùi vị của thức ăn, dù có thèm nhưng miệng vẫn chẳng thể nuốt trôi một thứ gì, Hạnh đành chấp nhận kiểu bơm thức ăn như vậy để có sức sống qua ngày.
“Nhiều lần nhìn bạn bè cùng trang lứa ăn uống ngon lành tôi cảm thấy rất buồn, dù thèm nhưng tôi chẳng thể ăn một thứ gì. Lớn hơn một chút, khi biết nhận thức và suy nghĩ nhiều hơn, tôi đã cảm thấy tuyệt vọng và nghĩ tương lai của mình – một người con gái rồi sẽ như thế nào đây… Chỉ nghĩ tới đó là nước mắt đã lăn dài, tôi cũng chẳng thể có được câu trả lời cho chính mình”, Hạnh tâm sự.

Mỗi năm bác sĩ qua Việt Nam phẫu thuật cho bệnh nhi, Kim Hạnh đều được sắp xếp để gặp lại bác

Vũ Phượng

Vừa học xong tiểu học, ba mẹ vay mượn khắp nơi đưa Hạnh đi qua rất nhiều bệnh viện, với mong muốn con gái có thể ăn uống được như bao người bình thường khác. Nhưng mọi hy vọng của gia đình đều là con số 0. Càng lớn, Hạnh càng hiểu bệnh của mình nên mỗi lần tự bơm thức ăn vào dạ dày, nước mắt Hạnh lại chảy dài trên má…

Cuộc phẫu thuật sinh tử

Năm 2003, qua sự tài trợ của Hiệp hội bảo trợ trẻ em Chrisina Noble, Giáo sư, bác sĩ Martin Martin Thomas Corbally (Giáo sư, cố vấn phẫu thuật Nhi khoa của King Hamad University Hospital, Bahrain) đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để thực hiện những ca phẫu thuật khó cho bệnh nhi ở đây. Và Kim Hạnh là một trong những trường hợp năm đó được ông Martin phẫu thuật.
Bác sĩ Martin kể: “Năm đó, bệnh viện cũng phân vân vì sợ tôi mổ xong mà có biến chứng gì với Hạnh thì sao. Nhưng tôi nói tôi đã mổ nhiều ca tương tự như vậy rồi bệnh viện mới yên tâm. Tôi nghĩ Hạnh có thể nói chuyện, ăn uống như ngày hôm nay là nhờ vào nghị lực của chính em. Vì khi phẫu thuật xong phải đặt một cái ống vào cổ họng rất đau và rát. Nếu không chịu đau được, Hạnh đã không thể vượt qua”.

Sau ca phẫu thuật, những thành viên của hiệp hội bảo trợ trẻ em Christina Noble và Hạnh thân thiết như một gia đình

Vũ Phượng

Không chỉ vậy, trước ca phẫu thuật, bác sĩ Martin cũng phân tích cho gia đình 3 trường hợp có thể xảy ra sau đó: Một là cắt nhầm dây nói, Hạnh sẽ không thể tiếp tục nói chuyện; hai là mất tính mạng vì mất nhiều máu; ba là mổ rồi vẫn không nói được. Với khát khao cho con được sống và trưởng thành như nhiều cô gái bình thường khác, ba mẹ Hạnh đã ký giấy để cho Hạnh được phẫu thuật.
Ca phẫu thuật thành công, Hạnh đã có thể nuốt được thức ăn mà không bị ói. Một năm sau, bác sĩ Martin qua lại Việt Nam để thực hiện tiếp những ca phẫu thuật khác ở Bệnh viện Nhi đồng 2 thì được Hiệp hội bảo trợ trẻ em Christina Noble kết nối để gặp lại Hạnh.
Thấy bé gái dù đã nói chuyện được nhưng vẫn còi cọc, bác sĩ Martin hỏi thăm thì biết do Hạnh khó ăn uống được vì hàm răng đã gần 10 năm không nhai nuốt gì. Thương bé gái tội nghiệp, bác sĩ Martin bỏ tiền túi để thay mới toàn bộ răng cho Hạnh. Bởi vậy nên Hạnh luôn cười, vì biết được mình đã rất may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người khác. Cũng chính bác sĩ Martin là người đã bảo trợ cho Hạnh đến khi Hạnh học xong lớp 10 và đi học nghề sau đó.
Nhờ sự giúp đỡ từ hiệp hội và bác sĩ mà cô gái từng tuyệt vọng ngày nào nay đã có chồng và một cô con gái 3 tuổi kháu khỉnh. Trải qua những biến cố của cuộc đời, Hạnh hiểu thế nào là giá trị của những điều tốt đẹp trong cuộc sống nên luôn trân trọng những gì mình đang có. Đi đâu, Hạnh cũng muốn truyền tải năng lượng tích cực của mình đến mọi người.
Hạnh tâm sự: “Giờ tôi làm trong công ty giày, thu nhập cũng chỉ mới đủ xoay xở cho cuộc sống. Tôi mong muốn mình có thu nhập tốt hơn để dư dả hơn và hỗ trợ lại những hoàn cảnh các em nhỏ khó khăn như tôi đang ở hiệp hội”…
Ước mơ tưởng như rất đơn giản ấy lại đang là hoài bão mà cô gái Kim Hạnh đang nỗ lực từng ngày để thực hiện… để tất cả những trẻ không may mắn, gặp biến cố trong cuộc sống đều có thể tươi cười như Hạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.