Cô gái lở loét khắp người đem tiền được cho chữa bệnh xây cầu giúp người

Thanh Dũng
Thanh Dũng
11/05/2018 09:32 GMT+7

Ngô Thị Thùy Dương được mọi người giúp đỡ hơn 100 triệu đồng để chữa bệnh da thịt bong tróc, lở loét khắp cơ thể. Biết bệnh mình chữa hoài cũng không hết, cô đã dùng toàn bộ số tiền này để xây cầu giúp người dân.

Có cái tên rất đẹp như ánh ban mai, thế nhưng cuộc đời cô gái trẻ  Ngô Thị Thùy Dương lại chìm trong tăm tối. Căn bệnh ác nghiệt ngày ngày ăn mòn sức vóc của Thùy Dương, nhưng điều đó lại không thể làm lụi tàn trái tim khát khao sống đẹp.
VIDEO: Rơi nước mắt nhìn cô gái lở loét khắp người hiến tiền của mạnh thường quân xây cầu giúp mọi người
Suốt ngày phải gãi vì ngứa
Nhà của Thùy Dương nằm sâu trong cánh đồng ở ấp 6, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp nhưng khi hỏi tên cô thì nhiều người đều biết. Nhắc đến Dương, ai cũng thở dài, thương cảm cho cô gái sống triền miên cùng với căn bệnh bóng nước hay còn gọi là viêm da, mà đến nay y học vẫn chưa trị dứt.
Dương ngồi nói chuyện nhưng chốc chốc lại xin lỗi vì ngứa nên cô phải gãi liên tục đến mức rỉ máu Ảnh: Thanh Dũng
Thân thể Dương từ đầu đến chân lúc nào cũng đỏ tấy như chảy máu, da thịt bong tróc khắp cơ thể. Hiện Dương 21 tuổi nhưng chỉ nặng 25 kg nên nhìn Dương nhỏ xíu như trẻ lên 10.
Dương kể, Dương mắc bệnh từ tấm bé. Ngày ấy, trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa cắp sách tới trường, rong chơi khắp đồng quê bắt để đuổi chim, tắm sông chơi nghịch thì Dương ngày ngày phải ở nhà hết uống rồi thoa biết bao loại thuốc cho bớt ngứa.

Căn bệnh hành hạ, cơ thể liên tục ngứa nên Dương phải gãi hoài, gãi hoài đến mức da thịt lở loét, tróc từng mảng như rắn lột da.
"Cha mẹ em hay tin nơi nào hay biết loại thuốc nào điều trị được bệnh này đều tìm cách xin hoặc mua về cho em uống. Vậy nhưng những vết lở loét vẫn lan mỗi ngày một nhanh...", Dương nghẹn ngào.
Dương tâm sự: "Ngày nhỏ, em còn đi được quanh xóm. Nhưng căn bệnh dần dần làm 10 ngón chân co rút, riết mất dần các ngón nên em chỉ đi được quanh quẩn trong nhà. Sau đó, răng rụng từng chiếc, 10 ngón tay cũng rút rồi teo dần chỉ còn lại cùi tay nên giờ em không cầm nắm được nữa, ăn uống hay sinh hoạt đều phải có người giúp".
Ngồi trò chuyện với chúng tôi bằng giọng yếu ớt, chốc chốc Dương lại xin lỗi vì người bị ngứa nên cứ phải gãi liên tục. Nhưng ngón tay đâu còn, Dương đâu thể gãi được nữa mà cứ dùng cùi tay ủi ủi vào các chỗ ngứa khiến ai nhìn thấy cũng chạnh lòng.
Căn bệnh hành hạ nên Dương dù đã 21 tuổi nhưng chỉ nặng 25kg Ảnh: Thanh Dũng

Chiếc áo trắng Dương đang mặc cũng như những chiếc áo Dương đã mặc đều bị loang lổ các vết máu, vết thuốc đỏ bôi da.
Dù phải sống chung với căn bệnh ác nghiệt nhưng hiếm khi nào Dương phiền muộn về cuộc sống. Hằng ngày, Dương vẫn coi các thông tin thời sự trên truyền hình, vẫn vui vẻ khi khách đến nhà chứ không hề mặc cảm hay e ngại lẩn tránh…
Khát khao sống đẹp
Dương kể, năm 2015, gia đình đưa cô lên Bệnh viện Da liễu TP.HCM điều trị. Tại đây, nhiều người thấy Dương bị bệnh bong tróc thịt da nên giúp đỡ, có người quay clip đưa lên mạng kêu gọi cộng đồng chia sẻ.
Rồi Dương lại về quê nhà, tiếp tục sống đau đớn cùng cơn bệnh nhưng suy nghĩ của cô đã có nhiều thay đổi. Dương nhớ lại những nhà hảo tâm đã giúp cô tại bệnh viện, những người xa lạ đã không ngại sợ bệnh lạ của cô mà còn động viên an ủi như người thân tình.
Cây cầu mà Dương dùng số tiền mình được giúp đỡ để xây dựng Ảnh: Thanh Dũng

Càng suy nghĩ, Dương càng thấy cuộc đời vẫn không quay lưng với cô. Và cô cũng biết dù chữa trị thế nào thì căn bệnh trên cũng không dứt hẳn nên thay vì dùng tiền mà các nhà từ thiện giúp đỡ để trị bệnh, cô đã làm việc gì đó giúp ích cho đời. Cuối cùng, Dương quyết định dùng hơn 100 triệu đồng mà mình được giúp đỡ xây cây cầu bê tông bắc qua sông để giúp học sinh, người dân qua lại.
Biết được mong muốn của cô, người nhà đã ra UBND xã trình bày, việc làm tình nghĩa này đã được UBND xã ủng hộ. Ngày 31.1.2016, UBND xã đã khởi công xây cầu và 3 tháng sau đưa vào sử dụng. Trên cây cầu treo bảng lưu niệm có ghi rõ: Nhà tài trợ Ngô Thị Thùy Dương.
Khi hỏi lý do lại xây cầu, Dương tâm sự, đó là cách cô muốn trả ơn những nhà hảo tâm, những người tốt đã mở rộng vòng tay giúp cô không chút so đo tính toán. Dương nói, khi họ gửi tặng cô tiền họ chẳng lưu lại tên tuổi, nơi ở nên cô không biết cách nào liên hệ dù rất muốn nói lời cảm ơn.
Các ngón chân, ngón tay của Dương đã biến mất... Ảnh: Thanh Dũng

Dương tâm sự: “Em sinh và lớn lên ở vùng quê này, mỗi lần em đi trị bệnh phải bơi xuồng hay chạy xe quãng xa mới có cầu qua bên kia kênh. Em thấy học sinh, mấy bác nông dân mỗi lần qua cầu đi xa tốn thời gian nên em nảy sinh ước nguyện xây cầu này. Em chỉ mong cầu xây xong các bác nông dân, học sinh qua lại tiện hơn, khỏi phải chạy đi xa hay đi ghe xuồng mới qua được bên kia kênh và ngược lại”.
Ước nguyện và tấm lòng của Dương đã được thực hiện, mỗi ngày biết bao lượt người qua cầu này. Vào mùa gặt lúa, cây cầu lúc nào cũng nhộn nhịp xe gắn máy chở lúa qua lại. Lúc ấy, ngồi trong nhà nhìn ra, Dương lại nở nụ cười…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.