Có dấu hiệu làm trái trong mua sắm điện kế điện tử: Thiết bị phập phù!

20/12/2016 09:02 GMT+7

Không chỉ lùm xùm trong việc đấu thầu, hàng ngàn điện kế điện tử và thiết bị của đơn vị trúng thầu với Tổng công ty điện lực miền Bắc trong quá trình sử dụng có tình trạng phập phù.

Sau khi chọn được liên danh nhà thầu IFC - TSI - ELCOM cung cấp 128.000 điện kế điện tử (ĐKĐT) với tổng trị giá gói thầu là 117,2 tỉ đồng, từ tháng 6.2016 đến nay, Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) đã triển khai lắp đặt tại nhiều công ty điện lực trực thuộc. Tuy nhiên, tìm hiểu của Thanh Niên, nhiều nơi đã có phản hồi không mấy khả quan về loại ĐKĐT trên.
Như Thanh Niên đã phản ánh, về mặt danh nghĩa liên danh nhà thầu IFC - TSI - ELCOM (gồm Công ty CP tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông - IFC, Công ty TNHH cung ứng vật tư khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ - TSI và Công ty CP đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông - ELCOM) là đơn vị trúng gói thầu “128.000 công tơ điện tử 1 pha 1 giá công nghệ RF và 500 CDU” với NPC.

tin liên quan

Có dấu hiệu làm trái trong mua sắm điện kế điện tử
Hàng loạt tố cáo từ nội bộ Tổng công ty điện lực miền Bắc cho rằng việc phê duyệt nhà thầu thiếu năng lực, có biểu hiện móc ngoặc làm trái quy định nhà nước trong gói thầu thiết bị hơn trăm tỉ đồng.
Thế nhưng, thực chất, việc sản xuất cung cấp các ĐKĐT là do Công ty CP quản lý năng lượng thông minh (PSMART), có trụ sở tại H.Hoài Đức, Hà Nội.
Báo cáo hồi tháng 10.2016 của Công ty điện lực Thái Nguyên, đơn vị thành viên của NPC, cho biết đã triển khai lắp đặt gần 15.000 ĐKĐT 1 pha SF80P-20 do PSMART cung cấp cùng 733 chiếc Repeater và 44 DCU (là các thiết bị thu phát tín hiệu đo đếm điện năng tiêu thụ trên các điện kế) do liên danh trúng thầu cung cấp nhưng khi vận hành gặp nhiều vấn đề.
Cụ thể, khả năng thu thập, truyền dữ liệu của thiết bị chỉ thực hiện được trong khoảng cách rất gần từ 80 - 120 m trong khi thiết kế có tiêu chuẩn tối đa là 200 m, chưa kể cả khi không có vật che chắn thì thường xuyên bị rớt mạng. Trong 733 chiếc Repeater được lắp đặt thì “có 30 cái bị lỗi (chập chờn tín hiệu thu) phải thay thế”. Trong số 44 bộ DCU đã lắp đặt có 9 cái “do tín hiệu chập chờn khi truy cập online”.
Công ty điện lực Thái Nguyên còn cho biết phần mềm hệ thống đo dữ liệu (cũng là hạng mục trong gói thầu) hoạt động rất hạn chế, như: số lượng đọc được chỉ từ 80 - 85% số lượng điện kế có trong trạm. Đơn vị này chỉ ra các trường hợp cụ thể như: “Số lượng công tơ 8 trạm thuộc Điện lực Gang Thép là 1.746 cái thường chỉ đọc được 1.500 cái (tương đương 85%). Có những trạm biến áp chỉ đọc được 60% số lượng công tơ. Dữ liệu đọc không ổn định, ngày đọc nhiều, ngày đọc ít”, báo cáo nêu rõ.
Đáng chú ý, theo Công ty điện lực Thái Nguyên, phần mềm đọc dữ liệu do nhà thầu cung cấp không đồng bộ được, tức không đọc được chỉ số các loại ĐKĐT 1 pha và 3 pha của các nhà cung cấp khác đã lắp đặt tại đơn vị này trước đây.
“Vì vậy công tơ 3 pha và 1 pha không đọc được từ xa, phải đọc thủ công và nhập trực tiếp vào CMIS (hệ thống quản lý kinh doanh điện năng của ngành điện), vì 2 file không thực hiện đồng bộ lẫn nhau được”, báo cáo nêu.
Trong văn bản báo cáo về kết quả lắp đặt, sử dụng ĐKĐT, Công ty điện lực Thái Nguyên đã kiến nghị NPC phải yêu cầu các nhà thầu đã cung cấp ĐKĐT và phần mềm phải thảo luận với nhau để thống nhất tính toán đưa ra một giao thức, giao diện về điện kế để có thể dùng chung với nhau, không thể để tình trạng “3 cha 7 mẹ” như hiện nay.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tình trạng hàng ngàn ĐKĐT trong gói thầu này hoạt động “phập phù” thiếu ổn định không chỉ có ở Công ty điện lực Thái Nguyên mà còn xảy ra tại nhiều nơi khác như Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn…
Việc NPC nới lỏng nhiều quy định pháp luật để lựa chọn nhà thầu mua sắm khối hàng hóa trị giá gần 120 tỉ đồng nhưng chất lượng hàng hóa đó không như mong đợi đang là những vấn đề bức xúc cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.