Cô đào 20 năm theo đoàn lô tô Sài Gòn, chờ ngày được làm... con gái

Lê Nam
Lê Nam
24/05/2019 12:12 GMT+7

Biển người ngồi kín khoảng sân lớn của khu giải trí ở quận 1 (TP.HCM), Dạ Thảo (đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời) diện chiếc đầm kim sa lấp lánh, ngân cao giọng hát mượt mà trong đêm nhạc Dấu ấn cá nhân.

Kiếp cầm ca - gạo chợ nước sông

[VIDEO] Cô đào hát lô tô, 20 năm mong được gọi là ca sĩ

Ngồi trước mặt chúng tôi, Dạ Thảo trang điểm nhẹ nhàng, bàn tay đan vào nhau để lộ chiếc nhẫn đính hột xoàn, những cử chỉ điệu bộ ấy, đã rất nữ tính và thuần thục như chính con người bên trong của Dạ Thảo.

“Đó là cái tên đi hát của mình, còn tên thật là Nguyễn Tấn Ngọc”, chị bắt đầu buổi trò chuyện như vậy.

Dạ Thảo, danh ca của đoàn Lô Tô Sài Gòn Tân Thời cất giọng hát khiến nhiều người say đắm  Lê Nam

Ngày còn nhỏ, có một đoàn lô tô từ thành phố xuống Gò Công, Tiền Giang quê chị hát. Chị mon men đến sát sân khấu, trò chuyện với một nữ ca sĩ trong đoàn, ngỏ ý muốn xin đi hát. Cô đào đêm đó mới hỏi Dạ Thảo một câu: “Nếu muốn thì chị dắt đi, nhưng cực lắm. Tại vì hát không phải nằm một chỗ, mà đi chỗ này chỗ kia, giống như gạo chợ nước sông. Em chịu nổi không?”. Dạ Thảo trả lời: “Miễn sao được đứng trên sân khấu hát, mặc đồ đẹp là em chịu”. Từ đó, chị theo đoàn đi hát lô tô, đến nay tròn 20 năm.

Dạ Thảo vẫn nhớ đêm đầu tiên bước lên sân khấu, chị chỉ được đứng quay cờ. Khi vãn khách, người chị dẫn Dạ Thảo vào đoàn mới trao cơ hội, kêu Dạ Thảo ra hát thử. Vừa cất giọng ở bài đầu tiên, trưởng đoàn đã yêu cầu Dạ Thảo từ nay hát chính luôn, khỏi phải thử.

Sau này, càng lớn lên, những lời mời đi hát từ các đoàn khác ngày một nhiều. Nhưng chị tâm niệm, người nào dìu dắt mình trước thì mình biết người đó. Khi nào người đó không cần mình nữa, mình mới đi nơi khác.

Những ngày theo đoàn đi hát lô tô, chị mới thấm thía chữ “cực” mà người đi trước nói với chị. “Có những chỗ đồ ăn không được thoải mái, nước tắm cũng vậy. Rồi có chỗ mình phải đi qua nhà dân để thuê nhà tắm. Tắm một lần là 5 ngàn hoặc 10 ngàn. Ngày xưa là vậy đó”, chị nhớ lại.

Dạ Thảo trong giây phút của cảm xúc thăng hoa Lê Nam
 
Dạ Thảo tập luyện một tiết mục cải lương với các nghệ sĩ khác Lê Nam

“Dạ Thảo Gò Công” - vốn nổi tiếng xưa nay với giọng nữ đặc, chứ không phải giọng giả nữ như nhiều người chuyển giới. Không biết giọng hát đó do trời phú hay khổ công luyện tập mới có được? Đem thắc mắc này ra hỏi Dạ Thảo, chị cười.

“Có nhiều bạn nói chị ém giọng. Nhưng thực chất là chị đã hát như vậy rồi. Hồi nhỏ có cái mình vẫn hát tiếng con gái, nhưng không có mượt. Từ từ đi hát, mình tập luyện rồi trau dồi thêm”. Chị cũng tiết lộ thường xuyên nghe các cô chú, anh chị ca sĩ, nghệ sĩ có tên tuổi trong và ngoài nước hát. Cái gì tốt thì học hỏi. “Thường thì người ta nói mình nên học cái gì tốt nhất”.

20 năm mong một lần được gọi là ca sĩ

Dạ Thảo là giọng ca của đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời, mỗi tối đứng hát đều chiếm được tình cảm lớn của khán giả. Lộ Lộ, Trưởng Đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời, tâm sự: “Trong đoàn có những chị, những bạn đã đi hát ngót nghét 20 năm, lăn lộn qua nhiều đoàn lô tô với vai trò ca sĩ chính của đoàn, sở hữu giọng hát cực hay. Nhưng với nghề hát, các chị vẫn e dè với danh xưng ca sĩ. Tại sao vậy? Sao không ai công nhận các chị và các chị không tự tin công nhận mình.”

Dạ Thảo cùng đồng nghiệp đứng trên sân khấu Lê Nam

Dạ Thảo, nữ ca sĩ chuyển giới, cất cao giọng hát ngọt ngào, thánh thót trong đêm nhạc Dấu ấn cá nhân, biểu diễn hàng loạt các trích đoạn cải lương, vọng cổ và tân nhạc như Nửa đời hương phấn, Tình chàng ý thiếp, Thương hoài hai tiếng cải lương, Trách ai vô tình

“Ai cũng mong muốn mình được công nhận là ca sĩ. Khi khán giả muốn tăng cường các ca sĩ nào đó thì người ta sẽ nói, hôm nay đoàn chúng tôi sẽ tăng cường nữ ca sĩ, có thể gọi chuyển giới cũng được hoặc không chuyển giới cũng được, nhưng là ca sĩ thôi. Chứ mình cứ kêu ca sĩ lô tô, không lẽ đến chỉ hát lô tô không. Ca sĩ đôi khi người ta cũng có đủ thứ tài. Miễn sao ca sĩ mình làm đủ tròn trách nhiệm”, chị nói.

Gia đình ủng hộ hết lòng

Khi nhắc đến gia đình, Dạ Thảo tươi cười lắm. Chị tự nhận mình là một người chuyển giới khác biệt và bản thân cảm thấy may mắn. “Hầu như gia đình không cấm cản gì, riêng về chị, ở nhà rất được thương”.

Chị kể, gia đình chị có 5 anh em. Ở xóm, người ta hay kêu ba mẹ chị là ông bà Sáu: “Bà sáu ông sáu, thằng bóng con bà nó giả gái kìa. Thằng Thảo con bà nó giả cái kia”. Ba mẹ không có phản ứng mà chỉ nói là: “Cái đó là niềm vui của nó. Nó sống tốt với nó. Nó không có trộm cắp không có lừa lọc là được rồi. Cho nên tụi tôi cũng không có mắc cỡ làm gì”. Vậy nên Dạ Thảo càng cảm phục ba mẹ.

Dạ Thảo về Gò Công thăm bố mẹ sau đêm nhạc dấu ấn cá nhân tại TP.HCM  NVCC
"Chị bây giờ sao cũng được, nhưng ba mẹ phải lo trước đã..." Lê Nam

Có đôi khi chị cũng hỏi mấy anh em trong nhà, khi nằm chung với nhau, lại thủ thỉ: Em như vậy rồi mấy anh có mắc cỡ không? Có mắc cỡ với bạn bè, đồng nghiệp không? Các anh nói: “Làm gì phải mắc cỡ. Cưng đi hát bình thường kiếm tiền cho cuộc sống. Biết tự chăm sóc bản thân, mình không có lố lăng là được”.

Hình thể nữ tính, uyển chuyển, nhưng việc được làm con gái thật sự, vẫn chỉ là mong ước. “Chị còn kẹt gia đình, cho nên gia đình chị xong trước. Ở nhà ba mẹ thoải mái khỏe khoắn rồi xong mới tới chị", chị thủ thỉ.

“Tại ba mẹ của chị cũng lớn, đâm ra chị phải lo lắng cho ba mẹ nhiều hơn. Còn chị thì mọi việc tính sau. Tùy duyên vậy đó. Chứ giờ có muốn, mình không có thì cưỡng cầu cũng không được, cho nên chị tùy duyên…”, chị Thảo nói.

Dạ Thảo chia sẻ, chị cũng từng từ chối nhiều cơ hội. Như đợt đi Thái Lan vừa rồi, có người sẵn sàng tài trợ cho chị phẫu thuật. Tự nhiên qua tới đó, chị chùn bước. Mặc dù mỉm cười nhưng trong lòng còn nhiều lo lắng: “Lo cho ba mẹ xong, cái gì mình cũng chịu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.