Chuyện về gốc sanh "đẹp nhất Việt Nam"

18/02/2006 22:16 GMT+7

Người đàn ông có nước da ngăm đen, nói đặc giọng Huế này khẳng định như đinh đóng cột với tôi: "Bộ rễ cây sanh này chỉ có một không hai ở Việt Nam. Và khi cây hoàn thiện, dám chắc với anh đó là tài sản vô giá"...

Báu vật hoàng gia

Vẫn còn nguyên vẹn sự hân hoan, ông Dương Minh Hà, chủ quán ăn Hà Bé nằm trên đường Biên Hòa, thị xã Phủ Lý, Hà Nam kể về nguồn gốc "kỳ cây" mà ông bỏ công sức gần năm trời mới có được.

Chuyện rằng, khoảng đầu năm 1894, vua Khải Định cho xây một biệt thự (nằm trên đường Phan Chu Trinh, TP Huế ngày nay) dành riêng cho bà phi của mình. Cùng lúc, bà phi cho trồng một cây sanh, cây được đặt trên hòn non bộ án ngữ ngay trước tiền sảnh của tòa biệt thự. Không bao lâu sau, bà phi mất, cây sanh và tòa biệt thự được giao cho người cháu ruột của bà. Người cháu này ở cho tới trước giải phóng thì bán lại cho bà Lộc Lợi, một thương gia giàu nổi tiếng đất Huế. Sau ngày đất nước thống nhất, cây quý và tòa nhà tọa lạc trên mảnh đất rộng hơn 1.000m2 được giao cho khu tập thể của một công ty quản lý nhưng không được sử dụng. Tưởng chừng mảnh đất sắp trở thành phế tích thì cách đây mấy năm, Nhà nước có chính sách trao trả lại nếu gia chủ có đầy đủ giấy tờ chứng minh. Người cháu ruột của bà Lộc Lợi tên Phú được ủy quyền làm đơn xin lại mảnh đất... Sau gần 30 năm hoang phế, cây sanh và ngôi biệt thự đã gần như hư hỏng hoàn toàn lại trở về tay chủ nhân.

Ông Hà lập nghiệp ở Hà Nam đã gần chục năm nhưng cùng là người gốc Huế, dần trở nên thân thiết với ông Phú. Trong một dịp ngồi uống cà phê tại Huế, ông Phú tình cờ ngỏ ý muốn bán gốc sanh, ông Hà mê ngay: "Nếu anh có nhã ý thì để tôi vì tôi là người Huế xa xứ, tôi muốn tôn tạo một nét gì của Huế ở mảnh đất Hà Nam này". Ông Hà bảo, ông Phú bán cây không phải vì tiền. Mến ông Phú nhưng một phần cũng muốn có cây quý nên ông Hà thường xuyên qua lại giao lưu, thậm chí bỏ công bỏ việc ở Hà Nam vào Huế chỉ để... ngắm cây. Rồi cách đây khoảng 2 tháng, ông Phú nhắn ông Hà vào Huế lấy cây.
Mừng đúng như "tìm được cây quý", ông Hà điều 6 "lính" ngoài Hà Nam vào Huế, chờ đến rạng sáng ngày hôm sau thì hạ lệnh "đánh" cây. Sáu thợ lành nghề cộng với ông Hà là 7 mà làm việc cật lực đến nhá nhem tối mới xong. Cây sanh quý nặng gần 6 tấn được một cần cẩu nhấc qua hàng rào, đặt gọn ghẽ vào thùng chiếc xe tải hạng nặng, chạy thẳng về Hà Nam...

"Đẹp kỳ quái"

Nói đến cây sanh cổ trên đường Phan Chu Trinh thì dân Huế không ai không biết. Theo một số "đại gia" cây cảnh và đánh giá của Hội Sinh vật cảnh Hà Nam, gốc sanh đã đạt đến độ kỳ quái, rất hiếm có gốc thứ hai. Bộ rễ có dáng "chân quỳ dạ cá", tạo thành thế "huynh đệ". Điều đáng quý ở chỗ cây mọc hoàn toàn tự nhiên mà không hề có bàn tay con người động đến trong suốt mấy chục năm. Chu vi gốc sanh khoảng 7,5 mét, phải bốn người ôm mới hết. Rễ phủ trùm toàn bộ lên hòn non bộ và "ăn" xuyên qua tảng bê tông gắn phiến đá hồng. Những chiếc rễ xù xì hằn dấu vết thời gian tựa vòi bạch tuộc chảy xuống tự nhiên như dòng nham thạch, hình thành một "địa đạo" phía dưới. Anh Thắng, một chuyên gia cây cảnh ở Nam Định nhận xét: "Mình đã thưởng thức hầu hết các loại cây quý ở Việt Nam nhưng chưa từng thấy gốc sanh nào đẹp đến độ kỳ quái như vậy".

Cây mới "rước" về, lại rất to nên ông Hà thuê hẳn một mảnh đất rộng cách nhà 3 cây số, thường trực hai người canh gác và hồi phục cây. Trừ những ngày xa nhà, còn dù bận đến mấy, mỗi ngày ông Hà cũng không dưới một lần ra thăm cây. Ông Hà chăm cây còn hơn chăm con mọn, mỗi "bữa" đều có thực đơn riêng. Cứ hơn chục ngày lại bón nhẹ NPK một lần, chừng gần 300 gam. Sau khoảng thời gian nữa lại bón thúc với liều lượng nhiều hơn. Ngoài ra, ông Hà còn bổ sung các loại "vitamin" giúp cây "giữ gìn phong độ".

Chỉ khoảng 2 tháng tính từ lúc mang cây về nhưng đã có hàng chục lượt người từ xa đổ về thưởng ngoạn "kỳ cây". Trong số đó, đã có ba đại gia nài nỉ xin mua. Người thứ nhất ở Hà Tây, ông này sẵn sàng bỏ thêm 200 triệu đồng nếu ông Hà để cây lại cho ông ta. Như vậy, ngay khi cây vừa được đưa lên xe đã có trị giá 550 triệu đồng. Người thứ hai tên Dũng ở phố Động (Hà Nam) trả 700 triệu. Lần gần đây nhất là ông Hồng Quân, giám đốc một doanh nghiệp dệt tại Thái Bình, ông này chơi cây cũng thuộc dạng mê mệt, trị giá cây trong nhà không dưới 10 tỉ đồng. Ông Hồng Quân nhiều lần tìm đến nhưng không gặp ông Hà, chỉ nghe người giữ cây nói rằng phải hơn một tỉ đồng thì ông Hà mới bán. Ông Hồng Quân mừng rơn, thấp thỏm "phục kích" bằng được ông Hà. Nhưng gặp, ông Hà chỉ bảo: "Thôi, tôi cũng mê cây, để tôi chơi thời gian nữa, khi nó hoàn thiện thì mới nói gì thì nói". Ông Hà tâm sự, ông biết đồng tiền là rất quý nhưng nỗi đam mê chơi cây của ông thì không gì sánh được...

Khi cây đâm chồi nảy lộc xanh tốt, sẽ có một hội đồng các chuyên gia, nghệ nhân tại Nam Định về "biểu quyết" để tạo thế cây. Ông Hà dự tính, đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ mang cây ra Hà Nội triển lãm. Ông Hà còn dự tính khác: xây một nhà vườn theo kiến trúc Huế tại Hà Nam để trưng bày cây quý, để ai cũng được ngắm...

Mạnh Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.