Chuyện tình 'éo le' của hai chiến sĩ thời khói lửa Điện Biên Phủ

07/05/2016 07:00 GMT+7

Ông 90 tuổi, bà đã bước qua tuổi 84, họ là y sĩ, y tá 'cảm' nhau lần đầu tiên năm 1946 khi nhập ngũ. Tình yêu đi theo họ từ trong bom đạn của chiến dịch Điện Biên Phủ , đến những năm tháng hòa bình.

Ông Dương Đình Đạc quê ở xứ Đoài, Sơn Tây. Bà là Ngô Thị Tuyết An - con gái phố cổ Hà Nội, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ phố Hàng Nón, cả 6 anh chị em của bà đều đi theo kháng chiến. Năm 1946, kháng chiến toàn quốc, bà Ngô Thị Tuyết An mới 13 tuổi nhưng đã đi theo cách mạng. Ông Dương Đình Đạc, lúc đó đang là sinh viên trường y, nhưng đã quyết định tạm gác chuyện học hành để ra tiền tuyến. Một ánh mắt chạm nhau ngày nhập ngũ đã là định mệnh để ông bà đi bên nhau, đến nay đã tròn 70 năm.
"Anh sẽ quyết tâm lấy em"
Duyên số đã đưa ông Dương Đình Đạc và bà Ngô Thị Tuyết An về cùng một bệnh viện quân y sau thời gian nhập ngũ. Đi cùng nhau suốt chiến dịch Tây Bắc, sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, hai chiến sĩ áo trắng cùng ở trong đội điều trị số 2, chăm sóc, điều trị cho những thương bệnh binh ngoài chiến trường.
Nữ y tá Ngô Thị Tuyết An trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang chăm sóc cho một chiến sĩ Ảnh: Thúy Hằng chụp lại từ tư liệu
“Cùng một đơn vị, nhưng không phải lúc nào cũng được đi cạnh nhau. Thời chiến tranh mà, chúng tôi hành quân thành những hàng dài, đi bất kể giờ giấc, trong đêm tối, giữa nắng gắt. Có những bữa ăn vội vàng bên đường đi, những giấc ngủ bên cánh võng trong rừng. Mỗi chiến sĩ ngày ấy phải vác trên vai hơn hai chục kg, nào gạo, nào bi đông, màn, võng… Rất hiếm hoi, tôi và ông nhà tôi nhìn thấy nhau, đó là lúc đoàn dừng chân trên đường đi, nghỉ ngơi khoảng 10 phút. Tôi vẫn không thể quên nét mặt ông ấy khi đó, vui mừng, rạng rỡ, ông ấy chạy lại hỏi thăm tôi: “Em có mệt không?”, bà Ngô Thị Tuyết An nhớ lại.
Cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, ác liệt. Cuộc tình thời chiến tranh đơn giản, không thư tình, không kỷ vật tặng nhau. 
Bà Ngô Thị Tuyết An trong ngôi nhà xinh xắn tại khu tập thể Quỳnh Lôi, Hà Nội Ảnh: Thúy Hằng
Ông Đạc hỏi thăm người yêu - người đồng chí của mình qua những đồng chí khác, bà An cũng ngóng tin tức người bạn của mình qua những y tá, y sĩ trong đơn vị. Hạnh phúc, với ông bà ngày đó, chỉ đơn giản là nhìn thấy nhau vẫn bình an, được hỏi nhau có mệt không, có cần vác giúp đồ đạc không.
Chuyện tình yêu của ông Dương Đình Đạc và bà Ngô Thị Tuyết An được đơn vị biết và ủng hộ. Cuối năm 1953, đội điều trị 2 dự định tổ chức đám cưới tập thể cho ông Đạc và bà An và 4 cặp đôi khác, nhưng đột nhiên, sát ngày cưới, bà An bị cho là thuộc thành phần gia đình tiểu tư sản (bố mẹ bà An buôn bán tại phố cổ Hà Nội), đơn vị ra chỉ thị ông Đạc và bà An không được đến với nhau. Để cắt đứt mối liên lạc giữa hai người, ông Đạc bị chuyển sang đội điều trị 1, bị khai trừ khỏi Đảng trong 6 tháng.
Tuy nhiên, tình yêu chân thành của hai chiến sĩ đã vượt qua thử thách. Bà An vẫn còn nhớ, lần nào được gặp nhau, ông cũng nói với bà: “Anh sẽ quyết tâm lấy em”. Niềm tin đã chiến thắng, năm 1955, một năm sau giải phóng Điện Biên, trong một lần cả hai đang thực hiện trao trả tù hàng binh tại Nghệ An, đám cưới của ông Dương Đình Đạc và bà Ngô Thị Tuyết An đã được đơn vị tổ chức đơn giản nhưng ấm áp, dù không nhẫn cưới, không quà cưới.
Buổi sáng bình yên của bà Ngô Thị Tuyết An trong ngôi nhà nhỏ Ảnh: Thúy Hằng
“Ông ấy thích uống trà, còn tôi thích uống cà phê”
Những ngày tháng 5 lịch sử này, ông Đạc bà An lại bồi hồi nhớ về chiến trường Điện Biên 62 năm trước. Khi cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm De Castries, đang tập trung cấp cứu cho những thương bệnh binh, ông Đạc, bà An vẫn nhìn rõ những tốp lính Pháp giơ tay xin hàng, nối đuôi nhau thành một hàng dài, đó là chiều 7.5.1954.
Kết thúc kháng chiến chống Pháp, cả ông Dương Đình Đạc và bà Ngô Thị Tuyết An đều công tác tại Công an nhân dân vũ trang Việt Nam (nay là Bộ đội biên phòng Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Dương Đình Đạc và bà Ngô Thị Tuyết An và các con cháu Ảnh: Thúy Hằng chụp lại
Hiện nay ông bà sống cùng con cháu tại khu tập thể Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cả hai ông bà vẫn minh mẫn. Họ có 3 con trai, 1 con gái thành đạt, giỏi giang.
Mỗi sáng, ông bà thức giấc lúc 5 giờ, cùng nhau đi bộ tới nơi tập dưỡng sinh trong khu phố. Họ trở về nhà khi 7, 8 giờ sáng, bà pha cà phê cho mình và pha ấm trà cho ông, họ cùng đọc sách báo, nói chuyện cháu con.
“Tôi thích uống cà phê, ông Đạc lại thích uống trà. Tôi lo đảm đương quán xuyến mọi việc trong nhà, ông ấy yên tâm công tác. Ông Đạc rất hiền, thi thoảng hay cáu gắt. Nhưng ông giận thì tôi nhường. 70 năm đi bên nhau, và 61 năm là vợ chồng của nhau, chúng tôi chưa bao giờ to tiếng một lời nào cả, bởi vì chúng tôi hiểu nhau và không thể sống thiếu nhau”, bà An nhìn ra cây hồng xiêm sai trĩu quả trước sân nhà, cười hiền hậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.