Chuyện những người con lính lê dương tại Việt Nam - Kỳ 2: Những dòng họ cô đơn

08/05/2014 05:30 GMT+7

(TNO) Những con lai mang dòng máu Ma Rốc như Bình “tây”, Đường “tây”, Tuấn “tây”, Tuấn “cô cô”... vẫn còn may mắn, vì họ còn có người cùng cảnh ngộ để chia sẻ, giãi bày. Nhưng những người như Bình “dế” (con lai Ý) hay ông Tạ Phú Bình, con của một lính viễn chinh Pháp, thì lại khác.

Ông Tạ Phú Bình ứa nước mắt khi kể về mối tình khá đặc biệt của cha mẹ mình
Ông Tạ Phú Bình ứa nước mắt khi kể về mối tình khá đặc biệt của cha mẹ mình

>> Chuyện những người con lính lê dương tại Việt Nam

Lấy chồng ngoại vì... "tổ chức”

Từ Trung tâm Bảo trợ Xã hội Phú Thọ nhìn lên, nhà Hùng “dế” nằm chon von trên đồi, trông như thể tổ chim hiu hắt. Gặp Hùng “dế”, nhìn bộ râu, vầng trán và mái tóc quăn của anh, người ta “đọc vị” ngay ra người Ý.

Hùng “dế” kể: Cha anh tên Gffacle, cũng là hàng binh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trước khi sang Việt Nam, ông Gffacle đã có vợ và 2 con ở nước sở tại. Sau thời gian tập trung và sinh sống tại Ba Vì, ông được bố trí làm công nhân Đội cầu 3 Đường sắt.

Ông Trần Văn Hùng hạnh phúc cùng người vợ
Ông Trần Văn Hùng hạnh phúc cùng vợ

Thời kỳ này, Mỹ mở rộng Chiến tranh phá hoại miền Bắc nên tuyến đường sắt Bắc - Nam đã bị đánh phá ác liệt và ông Gffacle cùng Đội cầu 3 được đưa vào khu vực Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An) để bảo vệ, duy tu và sửa chữa tuyến đường này.

 

Trong quá trình tìm kiếm tông tích của cha mình, một số người “con lai” đã xuống Hà Nội, tìm đến các cơ quan chức năng như Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Công an để xin thông tin. Tuy nhiên, các thông tin họ thu nhận được đều có chung đáp số: Khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2.1979, Kho tài liệu về các hàng binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ do Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quản lý được di chuyển vào phía Nam (cụ thể là khu vực Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Thậm chí có người còn được chỉ dẫn: “Vào Cam Ranh, tìm cái kho ấy để xin... thông tin”.

Thực tế, việc giúp con cháu những hàng binh tìm người thân, quê quán, họ hàng... đến nay vẫn đang là nhu cầu cháy bỏng của họ. 

Tại đây, ông Gffacle gặp bà Trần Thị Lan. Bà Lan sinh ra ở Ninh Bình, nhưng phiêu bạt vào tận xứ Nghệ và xin vào thanh niên xung phong.

Đơn vị 2 người đóng gần nhau, ông Gffacle rất có cảm tình với bà Lan và việc yêu này được sự trợ giúp của... “tổ chức”. Tuy không yêu nhưng vì tổ chức, để an lòng ông Gffacle, bà Lan đã chấp nhận lấy chồng ngoại.

Cuộc sống bất đồng ngôn ngữ (ông Gffacle học tiếng Việt rất kém), nhưng vẫn cho ra đời 4 người con với những cái tên Ý, trong đó anh Hùng được đặt là Raffacle. Cuộc sống của gia đình cha Ý mẹ Việt này cũng êm ấm cho đến năm 1970, theo chương trình hồi hương, ông Gffacle về nước.

Lúc này, luật pháp Ý rất nghiêm ngặt, trong đó có việc nghiêm cấm đàn ông lấy vợ 2 trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phải về, muốn đem vợ con đi nhưng lại sợ những quy định nghiêm ngặt của nước mình nên ông Gffacle đành phải để vợ con lại. Sau đó, cũng như gia đình con lai Ma Rốc Trần Văn Bình, gia đình Hùng “dế” cũng được gom nhóm và đưa lên sinh sống tại Trại Tự lập (Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Phú Thọ, ngày nay).

4 anh em của Hùng (3 trai, 1 gái) do cuộc sống cực nhọc nên đã lâm bệnh chết mất 2. Hiện nay, chỉ còn 2 anh em Hùng “dế” sinh sống với 8 người con của thế hệ thứ 3.

Cuộc sống đời thường của người con lai Ý – Việt Trần Văn Hùng
Cuộc sống đời thường của người con lai Ý – Việt Trần Văn Hùng

Anh Hùng cho biết, từ ngày cha về nước, vẫn có thư từ gửi lại cho mẹ cùng ảnh của vợ con bên Ý. Mỗi lần nhận thư, vì không biết tiếng Ý, mẹ anh lại đi cả chục cây số đường rừng lên tìm một ông giám đốc có tên Phượng biết tiếng Ý để nhờ đọc giúp thư. Trong thư, không biết cha trao đổi với mẹ những gì, nhưng mỗi lần về bà lại khóc nhiều hơn.

Sau khi cha về nước, mẹ anh lại phải đi đổi tên cho anh và cả 4 anh em đều mang họ mẹ. Sự nhìn nhận của xã hội ngày ấy khiến họ ít có cơ hội vươn lên. Hùng học hết lớp 2 rồi ở nhà giúp mẹ và chị gái nuôi 2 em. 
 
Rất muốn tìm lại người cha, nhưng những lá thư do cha gửi cho mẹ từ nước Ý có tên và địa chỉ đàng hoàng đã bị trận lụt năm 1986 cuốn trôi. Cái tên Gffacle của người cha ký trong giấy khai sinh, đến nay không cơ quan nào “dám” giúp anh tìm lại được người cha và họ hàng bên Ý.

Khát vọng bên Thành cổ Sơn Tây

Mong ngóng tìm dấu tích  người cha, đau đáu trong lòng ông Tạ Phú Bình (Bình “tây”) cả nửa thế kỉ. Trong số những con lai, ông Tạ Phú Bình là người kém may mắn nhất, khi chưa xác định được nguồn gốc của mình. 

Trong ngôi nhà nằm ngay gần ngã tư nơi giao cắt giữa Tỉnh lộ 87A và Quốc lộ 32 ông Bình kể: Sự có mặt của ông trên thế gian này bắt đầu từ một mối tình đầy lãng mạn, nhưng cũng hết sức điều tiếng giữa mẹ ông (bà Tạ Thị Thái) và ông Đội “sứt” đóng quân ở bốt Võng Xuyên (Nội Thôn, Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội) trong những năm 1948 - 1949.

Người dân ở đây thời đấy cũng như mẹ ông đều không biết tên thật của bố ông là gì mà chỉ gọi bằng cái tên Đội “sứt” vì bố ông bị sứt một chiếc răng.

Thời đấy, một cô gái thôn quê Việt Nam yêu một người lính lê dương của quân đội Pháp là cả chuyện tày đình. Nhưng mẹ ông vẫn quyết định vượt qua tất cả để lấy bố ông. Cưới xong, hằng ngày bố ông vẫn vào bốt, tối lại về nhà. Ông Bình ra đời một ngày cuối năm 1949.

Theo lời mẹ ông: Đầu năm 1950, bố có nói là phải hành quân lên mạn Hòa Bình. Cuối năm 1951, một người lính da đen đóng cùng Bốt Võng Xuyên tìm về cho biết, bố ông đã tử nạn trên đường hành quân. Người lính này có ý định đưa ông đi nhưng mẹ giữ ông lại.

Khác với những người con lai như Bình “tây”, Hùng “dế”, Tuấn “cô cô”, Tạ Văn Bình mang gen trội của bố. Ngoài mái tóc xoăn, ông còn có màu da đen và cặp môi dầy. Chính vì những “nhược điểm” này, nên ngày nhỏ cũng như hồi đi học ông thường bị cánh bạn xa lánh. Lớn lên, ông Bình lại mang họ của mẹ. Năm 1966, khi bước vào tuổi 17 ông làm đơn xung phong vào bộ đội và vào Nam chiến đấu. Sau giải phóng, ông về quê và công tác tại tỉnh đội Hà Tây, đến 1990 thì nghỉ hưu với quân hàm Đại úy.

Hiện nay trên mảnh đất Sơn Tây, ông Bình đã có 4 người con, 6 cháu nội ngoại và vẫn đau đáu muốn tìm tung tích cha đẻ của mình... 

Thạch Lâm Sơn - Mai Thanh Hải

(còn tiếp)...
Kỳ 3: Nỗi buồn bên “ven trời Tây Bắc”

>> Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử
>> Bí mật chiến thắng Điện Biên Phủ - Kỳ 2: ‘Tai, mắt’ tướng Giáp phủ trận địa
>> Triển lãm chiến thắng Điện Biên Phủ ở các trường đại học
>> 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tầm vóc vĩ đại của hai con người
>> Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 2: Những cuộc trùng phùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.