Chuyện những đôi chân trần trong giá lạnh khắc nghiệt vùng cao

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
18/12/2018 09:11 GMT+7

Xã Hướng Lộc, huyện vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị), những ngày này nhiệt độ xuống khoảng 17-18 o C. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt ấy, những đôi chân trần…vẫn xuất hiện. Chúng vẽ nên bức tranh còn nhiều mảng xám ở vùng cao.

Những đôi chân trần xuất hiện không phải vì người ta… không lạnh hay sức chịu đựng của người vùng cao "ghê gớm" mà đơn giản chỉ vì họ nghèo và không có… dép.
Từ người lớn đến trẻ nhỏ, rất nhiều người đều đi chân trần. Những đôi chân đen đúa, dính đầy bùn khô bám vào da… cứ thế "rảo bước" đi trên những con đường đất, đường bê tông để đến nơi cần đến.
Đôi chân trần của người lớn ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Đôi chân trần đi nhận quà... ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Và mang quà về nhà... ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Người dân ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Tổng cộng 760 học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc cũng là người đồng bào vùng cao, trong đó trẻ sinh ra trong hộ cận nghèo và nghèo chiếm tới 73%. Đặc biệt, đối với điểm trường Toa Roa, có 95/137 học sinh thuộc hộ nghèo sống rải rác trên các bản làng xa xôi thuộc 4 thôn Toa Roa, Paka, Cheng và Cu Dừn. Để vào với điểm trường này, những đứa trẻ phải vượt qua một con đường đất đỏ nhão nhoẹt, chỉ rộng hơn 2 m, kéo dài hơn 6 km…

Đi chân đất cũng là... lẽ thường với lũ trẻ vùng cao. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Những đứa trẻ ở điểm trường Toa Roa (xã Hướng Lộc, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đã quen với việc đi chân trần, bất kể đó là ngày hè hay buổi đông giá rét. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Một số cũng có đi dép, nhưng hoặc bị rách te tua hoặc bị bùn đất bám vào đỏ quạch. Đó cũng chỉ là những loại dép rẻ tiền, nói cho đúng ra thì man dép cũng... như không. Những đôi dép này không đủ khả năng để bảo vệ cho đôi chân sạch sẽ chứ đừng nói là để giữ ấm cho chúng.
Đứa trẻ nào mang dép thì cũng "te tua" vì bùn đất ... ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Dép tổ ong khá phổ biến nhưng cũng "tả tơi" ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Đến học trò mầm non ở Hướng Lộc cũng đi chân trần ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Cái khó cái nghèo bám lấy vùng cao Hướng Lộc, nên học trò nơi đây không biết bao giờ mới thôi đi... chân trần. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Thầy Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lộc cho biết các thầy cô vùng cao thấu hiểu hơn ai hết những thiếu thốn của lũ trẻ nhưng họ chỉ là những người "cõng" chữ lên non chứ không sao khỏa lấp hết những thiếu thốn đó. 
Những chuyến thăm, tặng quà của những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm ở dưới xuôi lên không thể làm cho hình ảnh chân trần... biến mất! Hằng ngày các thầy cô vẫn phải chứng kiến học trò đến lớp trên những đôi chân trần, trong những tấm áo mỏng manh... cũng như cái nghèo cái đói cứ bám mãi vùng núi xa xôi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.