Chuyện Hội An, Quảng Ngãi ở Sài Gòn

Giang Vũ
Giang Vũ
13/12/2020 10:54 GMT+7

Một góc phố, một món đậu hũ có thể khiến người ta nhớ Hội An quay quắt. Một trong số rất nhiều người miền Trung mưu sinh ở thành phố này chỉ để một mục tiêu: gửi tiền về quê nuôi con ăn học.

Tàu hũ Hội An

Cô Nguyễn Thị Hường, quê gốc Quảng Ngãi, từ năm 18 tuổi đã xa quê vào TP.HCM gánh hàng rong quẩy đi khắp khu Chợ Lớn. 30 năm gánh tàu hũ và các loại chè đi bán, gần đây cô đã “lên đời” một chút với cái xe đẩy chở tàu hũ và các loại chè từ nhà trọ ra vỉa hè Trần Hưng Đạo, Q.5, ngay đối diện chợ Xã Tây. Hàng tàu hũ bán từ 6 giờ 30 sáng cho đến gần trưa là hết.
Đến ăn tàu hũ nóng, chè vỉa hè nơi cô Hường ngồi, nhìn ra quang cảnh xung quanh, thấy mình như đang ngồi ở một góc phố cổ Hội An. Vẫn còn đây đó những ngôi nhà ống với mái ngói cổ kính và thâm trầm, khung cảnh cũ kỹ dường như không chịu thay đổi.
Món tàu hũ nóng gợi một vẻ gì đó rất giống ở Hội An, phần vì không khí Chợ Lớn trông cũ kỹ thâm trầm, phần vì cái chân chất kiểu xứ Quảng của cô Hường.
Hội An xứng đáng là thành phố di sản tốt nhất thế giới còn nhờ vào phẩm chất con người xứ Quảng ở nơi đây. Còn nhớ cách đây lâu rồi khi đến Hội An thuê xe máy đi chơi, lúc về không thấy chủ xe đâu để trả xe thì bà hàng nước gần đó bảo vứt đại xe ở gốc cây rồi đi đi, không lo mất đâu (tiền thuê xe thì trả trước rồi). Một thành phố tử tế chưa từng có.
Nhà báo Đinh Thu Hiền, sống ở Sài Gòn hơn 20 năm, cho biết: Không hiểu sao rất nhiều phụ nữ Quảng Ngãi vô Sài Gòn đều bán tàu hũ. Phải chăng món ăn gốc Hoa này dường như có một dấu ấn khá sâu đậm với người xứ Quảng (Quảng Nam và Quảng Ngãi). Nếu đến Hội An, dường như ai cũng phải ăn tàu hũ nóng một lần ở vỉa hè mới thấy vui thì phải.
Cô Hường chia sẻ: Hồi mới vô Sài Gòn năm 18 tuổi, cô thấy một tiệm bán món tàu hũ người Hoa ở quận 11 khách ăn rất đông, cô đến mua lại cách làm với giá 2 chỉ vàng và quẩy quang gánh đi bán rong khắp phố phường. Sau này lấy chồng rồi, cô vẫn mưu sinh ở Sài Gòn, gửi tiền về quê cho chồng nuôi hai con khôn lớn. Giờ đây con gái lớn của cô đã vào đại học.
Từ đó đến nay, cô tìm cách chế biến ra nhiều món tàu hũ rất thú vị nhờ khách hàng quen thuộc ở khu chợ Xã Tây. Nào là tàu hũ trắng cốt dừa, tàu hũ bánh lọt, tàu hũ đậu đen… Cô chế ra một loại trân châu đặc biệt làm từ bột năng, luộc trong nước đường phên với lá dứa, gừng sẻ cay nồng, màu vàng hổ phách trong suốt, dai dai, ăn với tàu hũ vô cùng hợp vị.

Món chè nuôi con ăn học

Món tàu hũ nước đường đã ngon đỉnh cao rồi, các món chè khác của cô cũng được khách hàng ưa chuộng không kém. Các món chè ngon phải kể đến chè đậu nấu từ đậu trắng và nếp, vị ngọt thanh vừa phải, chè đậu đen nấu lẫn với đậu ngự, chè khoai môn, chè đậu ván ngon như ở Huế, chè bắp, bánh chay, chè sương sa hạt lựu bánh lọt, chè đậu xanh rong biển…
Để có được một nồi to tàu hũ và vài món chè mỗi ngày, cô Hường đi ngủ từ 7 giờ tối, sau đó 1 giờ sáng đã dậy để chuẩn bị: xay đậu, lọc đậu và nấu tàu hũ, các loại đậu nấu chè được ngâm từ lúc đi ngủ cho mềm, tới lúc đó nấu nhanh nhừ. Bí quyết nấu chè mềm của cô trước hết là chọn đậu loại 1, đậu mới thu hoạch và khi sôi, cho vào một cục nước đá.
Người phụ nữ này thật phi thường khi tất cả các công đoạn cô đều tự làm một mình mà không có ai phụ. Hỏi tại sao không thuê người giúp, cô cho biết, nếu thuê thì hết cả tiền lời nên đành tự làm sẽ dành dụm được nhiều hơn. Ngày trước khi chưa có xe đẩy, cô phải oằn vai gánh tàu hũ nặng vài chục ký từ nhà trọ ra chỗ bán, giờ có xe đẩy thì cô cũng tự làm một mình. Tới giờ bán, cũng một mình một tay múc tàu hũ, múc chè cho người ăn tại chỗ, người mang đi đến khi hết cũng vài trăm suất.
Động lực để vượt lên sự vất vả ấy là kiếm tiền trả tiền nhà trọ, ăn uống cho mình cô ở Sài Gòn, còn lại gửi hết về quê cho chồng ở Quảng Ngãi nuôi con ăn học.
Vừa rồi qua ăn tàu hũ, cô kể cơn bão vừa qua tràn tới miền Trung khiến quê cô - xã Nghĩa Dũng, H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi nhà nào cũng tốc hết mái. Giờ muốn làm lại mái nhà thì mất khoảng 30 - 40 triệu, điều đó có nghĩa là tiền dành dụm dưỡng già của cô sẽ lại bỏ ra, và đường về quê nghỉ ngơi lại kéo dài thêm, vẫn phải ở lại Sài Gòn mưu sinh tiếp. Gương mặt cô đã hằn lên nỗi vất vả, giờ như càng lo lắng nhiều hơn.
Đôi khi mệt mỏi, người ta có thể nấu không ngon, nhưng với cô Hường, “nấu không ngon thì chắc chắn sẽ ế, lúc đó còn khổ gấp nhiều lần, vì phải bán hết mới có lời”. Vậy nên, bao nhiêu năm qua, các món tàu hũ và chè của cô “ngày nào cũng ngon như thế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.