Chuyến 'du lịch' Sài Gòn trên xe đạp của người con gái 21 năm chưa thể 'gọi mẹ'

11/12/2020 13:02 GMT+7

Hình ảnh bà Lê Thị Lệ Trinh (46 tuổi) chở con gái Giang Tiên Đào (21 tuổi) với ba chục tờ vé số trên xe đạp lọt thỏm vào dòng xe cộ tấp nập ở Sài Gòn, nhưng ai nấy đều thấy ấm áp, ngập tràn yêu thương.

“Chụt chụt, thương bé Đào nhất trên đời. Không thương bé Đào biết thương ai giờ”.
Được mẹ hôn má, cô con gái 21 tuổi với thân hình nhỏ xíu như đứa trẻ lên 5 mặt nghệch ra, chẳng nói chẳng cười. Suốt 21 năm qua, bà Trinh vẫn độc thoại như thế, dù cả một cuộc đời, bà chưa từng được nghe con gọi tiếng “mẹ”.

“Thôi kệ đi, trời cho sao hưởng vậy”

Tôi gặp mẹ con bé Đào trong một lần lê la vỉa hè Sài Gòn, hình ảnh người mẹ chở bé gái cùng xấp vé số trên chiếc xe đạp bon bon vượt nắng trên đường phố cứ vậy ám ảnh vào tâm trí. Bé Đào 21 tuổi mà nhỏ xíu, tưởng chừng như đứa trẻ lên 5 chui lọt trong vòng tay mẹ, em được mẹ cho ngồi yên trước, quay người về phía sau khoác tay ôm vai mẹ, chân cũng để lên đùi mẹ. Bà Trinh thì một tay cầm lái, một tay cầm chiếc nón che nắng cho hai mẹ con.

Để bảo bọc cho con gái ngờ nghệch, bà Trinh không yên tâm cho con ở nhà, mà luôn đưa con bên mình

Bé Đào ôm chặt mẹ - người duy nhất em yêu thương, tin tưởng

Bà Trinh cũng mang thai đủ 9 tháng 10 ngày, nhưng khi sinh ra, bé Đào chậm nhận biết mọi thứ xung quanh hơn những đứa trẻ bình thường. Hơn 2 tuổi, bé Đào bị sốt co giật, đưa vào trạm xá, bác sĩ chuyển sang điều trị và lấy thuốc ở Bệnh viện Tâm thần (Q.Phú Nhuận).
“Tôi cũng từng hỏi bác sĩ xem bé Đào phải uống thuốc như thế này đến bao giờ thì khỏi, bác sĩ bảo cứ uống đi… Tới nay 21 năm rồi, nó vẫn vậy, lúc nào cũng ngờ nghệch, ú ớ như một đứa trẻ”, bà Trinh tâm sự.

Cùng nhau đi qua nhiều ngả đường Sài Gòn

Chạy một đoạn, bà Trinh phải dừng lại cho bé Đào uống nước để không bị say nắng, khô cổ

Vì muốn dành trọn thời gian bù đắp cho những tổn thương về thần kinh của con, bà Trinh không sinh thêm em bé. Căn phòng chật chội chưa đầy 10 mét vuông nóng hầm hập được ba mẹ chồng ngăn ra cho mấy anh chị em ở là nơi bà Trinh lo mọi sinh hoạt cá nhân, từ tắm rửa, ăn uống đến thay tã cho con. Bé Đào không biết đi, không biết nói, khóc thét khi thấy người lạ, cũng không thể tự làm các sinh hoạt cá nhân nên căn phòng chật chội lúc nào cũng như nhà có em bé vì có bô, có tã.
Nó sinh ra thấy nhỏ xíu dễ thương lắm, tự nhiên bị vậy à, hai ba tuổi hay bốn tuổi gì á, tôi không nhớ nữa. Hồi mẹ nó đi bán vé số có khi nó đi vệ sinh rồi la um sùm hết, tôi chỉ phụ nó một chút thôi không làm được cái gì hết vì nó không chịu ai.
Bà Giang Mỹ Dân (70 tuổi, bà nội bé Đào) 
Bà nói: “Cũng buồn lắm chứ, bằng tuổi nó nhìn con người ta ngon lành muốn chết luôn, con mình thì… Mà thôi kệ đi, ông trời ổng cho sao hưởng vậy đi chứ sao giờ, kệ đi. Mà có nó cũng vui, cũng dễ thương, tối ngày nó la hoài cũng dễ thương không có cũng buồn”. Dứt câu, bà Trinh lại ôm trọn cô con gái nhỏ bé vào lòng.

Chuyến du lịch mỗi ngày của hai mẹ con

Đúng 9 giờ sáng mỗi ngày, bà Trinh mặc áo khoác, đội nón, ẵm bé Đào lên xe chở ra đại lý vé số đầu hẻm, lấy 30 tờ vé số kẹp vào giỏ xe và… chuyến du lịch Sài Gòn của hai mẹ con bắt đầu.

21 tuổi, bé Đào vẫn chưa biết nói, chưa biết đi, mà chỉ ú ớ và la hét

Bà Trinh tỉ mẩn chăm sóc con từng chút một

Lộ trình chuyến đi ngày nào cũng thế, từ Phạm Chí, ra Ba Tháng Hai, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Chợ Tân Định, rồi Nguyễn Đình Chiểu… Điểm dừng luôn là hàng cà phê ở chợ Tân Định. “Cô bán cà phê thương tình nên bán ly cà phê sữa đá chỉ 10 ngàn, mua cho bé Đào uống, mát bụng thì mới chịu đi bán tiếp, không là không có chịu đâu”, bà Trinh kể.
Có ngày trời nắng chang chang, bé Đào lại đòi mặc áo mưa bên ngoài áo khoác, nếu không thì không chịu đi. Chiều con, bà đành chấp nhận, mặc mồ hôi ra như tắm. Chở con ngoài đường, ai cũng nhìn rồi cười, bà đành cười gượng gạo đáp lại.
Chiếc xe đạp của mẹ con bà Trinh lọt thỏm vào dòng xe cộ nhộn nhịp của Sài Gòn, gác cằm lên vai mẹ, bé Đào ung dung nhìn ngắm đường phố, mọi người đi qua cũng nhìn hai mẹ con với ánh mắt đầy ấm áp. Một số người tranh thủ lúc đèn đỏ mua vé số giúp hai mẹ con, có người thì chặn đầu xe dúi vội vào tay bà ít tiền xong vụt đi ngay, chẳng kịp cho bà cảm ơn câu nào.

21 năm qua, bà Trinh vẫn nói chuyện, tâm sự với bé Đào, dù chưa được con gái trả lời câu nào, nhưng bà không nản lòng

Bà Trinh vẫn thường động viên mình, trời thương nên trời cho sao thì hưởng vậy, con cái cũng vậy...

Người đi đường hỏi thăm, mua vé số giúp mẹ con bé Đào

Nhờ vậy, bà đủ tiền lấy thuốc định kỳ cho bé Đào, đi chợ mua thức ăn và lo các sinh hoạt phí hằng ngày. Giữa trưa, trời đứng gió, hai mẹ con mồ hôi tòng tã, ướt rượt hết cả lưng áo. Bé Đào chốc chốc lại đánh kêu cái đét vào lưng mẹ, mặt cáu gắt. Nhưng vài phút sau, bất chợt em cười khúc khích tỏ vẻ thích thú. Mỗi lần vậy, bà Trinh quay sang hôn vào má con gái rồi xoa lưng nói “thương thương”.
Hình ảnh mẹ con bé Đào quá quen thuộc với người dân thường đi qua các tuyến đường trung tâm Sài Gòn, nhờ vậy, khi có gạo từ thiện hay ở đâu phát quà, lại có người dành phần cho hai mẹ con.
“Có cô bán nước trước trên đường Nguyễn Đình Chiểu tháng nào cũng gọi hai mẹ con lại cho bịch gạo mang về nấu, có người thì cho mì gói, nhờ vậy cuộc sống gia đình giảm bớt đi nhiều nỗi lo”, mẹ bé Đào trải lòng.

Ước mơ cho con

Cha bé Đào là ông Giang Chí Minh (52 tuổi), hiện làm bảo vệ cho một quán cà phê, thu nhập chẳng thấm tháp vào đâu vì ông cũng đang bị u ác ở não, tay chân luôn đau nhức nhưng chưa có tiền để điều trị.
Bà Trinh nói về chồng: “Ba nó thương nó lắm á, nhiều khi tôi giận tôi la tôi đánh nó một, hai cái chứ ổng không có đánh nó nha, ổng thương lắm. Nó giận nó ngắt ổng chảy máu luôn, mà ổng không la không gì, tôi quạo tôi còn đánh vô đít vô đùi, chứ ổng không có, cưng con gái lắm”.

Mỗi ngày, bà Trinh chỉ lấy khoảng 30 tờ vé số, người mua thấy hai mẹ con tội nghiệp nên thường cho thêm vài ngàn để phụ ăn uống

Đang ôm mẹ, chốc chốc bé Đào đánh mẹ, cấu vai hoặc cười bất chợt mà không rõ vì sao...

Bà Trinh không còn dám mơ mộng về ngày nghe thấy con gái gọi tiếng "mẹ"

Dù mưa hay nắng, hai mẹ con vẫn chở nhau đi "du lịch" trên chiếc xe đạp của mình

Căn phòng ngổn ngang là tã và gạo được cho từ thiện

Trước khi chở bé Đào đi bán vé số bằng xe đạp, bà từng ẵm, rồi cõng con loanh quanh bán vé số ở khu chợ Lớn. Thấy bà trẹo cả xương vì cõng con, tiểu thương trong chợ giới thiệu để bà đi giúp việc nhà. Nhưng rồi cũng không đành nhìn bé Đào ở nhà gào thét, bà đạp xe chở con đi bán vé số khắp các con phố khu trung tâm.
“Đi đường nó vui lắm, gặp người này người kia nó cười hoài à. Tôi chỉ sợ nắng quá thôi, nhiều khi người ta không biết người ta nói mình ác quá mới chở con đi như vậy nhưng mà không phải, không ai giữ nó thôi, chứ có thì tôi gửi xong đi làm thì thu nhập tốt hơn. Chở con đi chỉ bán được 30 vé, cùng lắm là 50 vé xong phải về chứ không để con đi nắng lâu được”, bà Trinh chia sẻ.
Hồi nhỏ thấy ai nó cũng mừng, vỗ tay, lớn thì nó sợ đủ thứ. Mẹ nó tốt lắm, lo cái này cái kia, chăm sóc, cho ăn uống đầy đủ.
Bà Đàm Thoại Hòa (58 tuổi, tổ trưởng tổ 22 KP.3, P.4, Q.6) 

Chuyến du lịch Sài Gòn trên xe đạp của mẹ, con gái và 30 tờ vé số

21 năm lặng lẽ chăm con, bà Trinh chưa bao giờ thấy mệt mỏi, hằng ngày bà đều tâm sự chuyện này chuyện kia với con, dù cô con gái bé nhỏ chỉ ú ớ rồi la hét. “Mình thì cứ nói với nó, mà nó không trả lời trả vốn gì hết. Từ ngày nó mới bệnh, tôi vái trời cho tôi sau này được đưa rước con tôi đi học thôi là tôi vui rồi, mà không được như vậy. Mà thôi, kệ. Giờ nó đâu có đi học đâu, 21 tuổi rồi, chỉ cầu cho nó khỏe thôi chứ đâu ước gì được giờ. Vậy mà nhiều người đưa con đi học cằn nhằn, cửi nhửi. Trời ơi tôi ước vậy mà còn không được nữa…”, tâm sự đến đây, bà Trinh không thể kìm được nước mắt. Bà kéo vạt áo lên lau vội đôi mắt úng nước, nói giọng như chị em thân tình lâu ngày: “Thôi mày đừng hỏi đoạn này nữa, tao tủi thân quá”.
Chặp sau, bà kể tiếp, rằng khi bé Đào đến tuổi đi học, bà cũng mua sách vẽ, mua chữ cái về chỉ, cầm tay con hướng dẫn nọ kia, nhưng bé Đào không thể làm được.
“Cũng tuyệt vọng lắm, nhưng bé Đào đâu muốn bản thân nó vậy đâu. Ông trời cho vậy rồi mà. Giờ hai mẹ con đạp xe bán vé số như đi du lịch mỗi ngày vậy đó mà, cứ vui đi chứ không vui cũng đâu giải quyết được gì. Nó cười dễ thương vầy cơ mà…”, nói rồi bà lại ôm con gái hôn chụt chụt vào bên má.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.