Chùa Hương ngày khai hội: Cảnh tiên đã đượm hữu tình

15/02/2005 10:53 GMT+7

Từ 3h sáng qua (14/2), tức mùng 6 Tết - ngày khai hội chùa Hương, đông đảo du khách, phật tử đã nô nức lên đò xuôi dòng suối Yến để đến với thắng cảnh Hương Sơn, với Nam Thiên đệ nhất động.

Buổi chiều, nhiều người khi trở lại nơi suối Yến, nét phấn khởi lộ rõ trên khuôn mặt từng người, dù họ vừa phải trải qua một chặng đường "trèo đèo, lội suối" khá dài...

Trật tự và chuyên nghiệp hơn

Những năm trước, đi lễ hội chùa Hương về, không ít người bực dọc "cắm đầu" chen chúc lên tới động Hương Tích thắp nén nhang rồi lại chen chúc về. Lưng người đi trước dán vào mặt người theo sau. Nhà đò, chủ quán thi nhau "chặt chém". Nhưng thật bất ngờ, năm nay lần đầu tiên du khách được thênh thang thưởng ngoạn sơn thủy hữu tình ở chùa Hương.

Ấn tượng đầu tiên là đội "cò đò, cò trốn vé" không còn hoành hành bắt khách trên các ngả đường vào chùa Hương như mọi năm. Những chủ đò nay nhiệt tình ra đường mời khách lên đò của họ sau khi tận tình hướng dẫn khách đi gửi xe, đến điểm mua vé của Ban tổ chức. Bãi đỗ xe vừa được mở rộng có sức chứa tới 20.000 chiếc. Vé trọn gói là 35.000 đồng/lượt, bao gồm cả danh thắng và tiền đò đi về.

Chèo đò đưa chúng tôi vào chùa Thiên Trù, anh Trần Văn Tư, người thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Tây) khoe: "Suối Yến năm nay được nạo vét sâu đến 2m, nhưng an toàn hơn". Hơn nữa, đội ngũ lái đò cũng được sắp xếp có tổ chức, trật tự hơn.

Anh Tư cho hay, 2 ngày trước (12 và 13/2), lượng khách đến chùa Hương đông hơn nhiều, có ngày lên đến 2 vạn người. "Những ngày ấy, có đến 70% người đi chùa không lên đến được động Hương Tích vì… tắc đường" - anh Tư nói. Thế nhưng, không có lái đò nào dám chở quá số người quy định.

Trên 4.000 chiếc đò ở Bến Đục, loại to nhất chở được 38 người, nhỏ nhất chở được 9 người, đều chấp hành nghiêm quy định về an toàn đường thủy. "Năm nay, có "cái thủy nội địa" (Luật Giao thông đường thủy nội địa vừa được Quốc hội thông qua - PV) nên kiểm tra kỹ lắm, lơ mơ là bị phạt vài trăm ngàn đồng ngay. Với lại, cánh lái đò chúng em cũng chẳng ai muốn khách bị ướt át" - vừa khua mái chèo, anh Tư vừa tâm sự.

Xung quanh chùa Thiên Trù và dọc đường lên động Hương Tích, các quán bán hàng phục vụ ăn nghỉ năm nay có vẻ ngăn nắp hơn, không còn lộn xộn, bệ rạc như những năm trước. Ông Nguyễn Xuân Hoan, Thường trực Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, trước khi khai hội, đã có khoảng 2.000 lượt người kinh doanh ở chùa Hương được tập huấn về nội quy và phong cách bán hàng.

Nếu như năm ngoái, có tới 500 người được huy động để điều hành, giữ gìn an ninh trật tự trong dịp lễ hội thì năm nay, con số này chỉ còn 200 người. Tuy nhiên, chất lượng điều hành, phục vụ đã được nâng lên, bài bản hơn, quản lý, phục vụ đang mang nhiều dáng dấp chuyên nghiệp.

Mặt khác, giá cả tuy có hơi đắt nhưng không đến nỗi "chặt chém" như những năm trước. Ông Đoàn Yên, 75 tuổi, người ở ngõ 179 Đội Cấn, Hà Nội, dẫn cả gia đình đi khai hội chùa Hương từ sáng sớm, đến 3h chiều, dừng chân ở Thiên Trù gật gù nói: "Tổ chức năm nay khá hơn những năm trước. Giá cả tuy còn đắt, nhưng cũng thông cảm được. Trước đây, chúng tôi đi chùa Hương là để biết, còn bây giờ đi để hướng Phật, thấy tâm thoải mái lắm". Còn anh Đoàn Minh Tuấn, người ở TP Hồ Chí Minh ra ăn Tết với bà con ngoài Bắc, tranh thủ đi hội chùa Hương thì nói: "Ở đây chụp ảnh có 7.000 đồng/kiểu. Tôi thấy còn rẻ hơn ở Hồ Gươm ngoài Hà Nội".

Chất lượng phục vụ tốt hơn

Trong ngày khai hội, chùa Hương đón khoảng trên 6.300 lượt khách, đưa tổng số khách đến chùa Hương từ sau Tết Ất Dậu đến nay lên trên 3,1 vạn lượt. Theo Ban tổ chức lễ hội, đây là một con số kỷ lục. Hầu hết khách đến chùa Hương năm nay đều tỏ ra hài lòng với việc hạ tầng ở đây được nâng cấp, chất lượng phục vụ nâng lên.

Theo ông Trịnh Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn thì việc nâng cấp hạ tầng và nâng cao chất lượng phục vụ ở đây là biện pháp trải thảm, thu hút khách không chỉ trong 3 tháng lễ hội mà để đón khách quanh năm.

Bến Đục, suối Yến người đến kẻ đi như mắc cửi. Suối Yến không còn ngầu đục và đầy rác như trước đây. Lòng suối đã được mở rộng từ 25m lên 40m. Bên bờ suối đã được kè đá, trồng cây. Trên mỗi con đò đều trang bị những túi ni lông lượm những thứ rác mà du khách thải ra.

Cụ Trần Thị Lùn, 88 tuổi, ở làng Cót (quận Cầu Giấy, Hà Nội), người đã 36 lần trẩy hội chùa Hương vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa hồ hởi nói với chúng tôi: "Tốt lắm, sạch lắm, đẹp lắm! Trước kia suối Yến chỉ nhỏ tí xíu, toàn rau dại, nhưng bây giờ rộng, đi lại thoải mái quá".

Qua Ngũ Nhạc Linh Từ (đền Trình), cảnh sắc Hương Sơn càng trở nên phong tình, thoáng đãng. Đò vừa cập bến vào cõi Phật cũng là lúc Đại đức Thích Minh Hiền thỉnh lên hồi chuông khai hội. Lần đầu tiên ở lễ hội này, khách thập phương được tận mắt chứng kiến nhiều hiện vật quý hiếm, những di sản của chùa Hương được sưu tập từ thời vua Lê - Chúa Trịnh, trưng bày tại chùa Thiên Trù. Nhiều vị khách rất quyến luyến với các bức thi họa về Hương Sơn của mặc khách tao nhân.

Danh thắng chùa Hương được phân ra 4 tuyến: Tuyến đền Trình, Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, động Hương Tích, động Hinh Bồng; tuyến động Tuyết Sơn đi qua kỳ sơn tú thủy vào động Chùa Cá; tuyến động Long Vân, chùa Long Vân; và tuyến chùa Thanh Sơn Hương Đài và hang Sơn Thủy hữu tình. Đền Trình, Hương Tích là tuyến chính. Không ai đến Hương Sơn mà không đi tuyến này.

Năm ngoái, dọc tuyến này phông bạt của các lều quán quây kín, tạo thành chiếc ống lớn kéo dài che mặt khách. Năm nay, quán hàng cũng bị đẩy lùi sang hai bên đường nên du khách mới được phóng tầm mắt thưởng ngoạn "Cảnh tiên cứ tưởng là tiên thật - Thủa trước bồng lai cũng thế chăng?". Người ăn xin lê lết bên đường không còn. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng dọc bậc núi đã không còn mùi xú uế như trước. Chùa giả cũng đã bị san phẳng. Tuy vẫn đông người lên xuống nhưng cảnh tắc đường đã không còn.

Sự xuất hiện của Quan m Kiều (cầu cạn) dẫn đến cổng động Hương Tích, khu vực mà mấy năm trước cứ 5 phút mới nhích được một bước, đã vừa tạo thế rồng chầu trước cửa động vừa giảm ùn tắc giao thông. Đáng tiếc là, dù đã rất khẩn trương thi công, nhưng dự án cáp treo phục vụ du khách trẩy hội chùa Hương khó hoàn thành được trong mùa lễ hội năm nay. "Có cái cáp treo này, chắc chắn ai cũng lên được đến động Hương Tích ngay trong ngày, không phải chờ đến ngày hôm sau như mấy năm trước nữa" - anh Tư lái đò tỏ ra háo hức với công trình mang tính hiện đại đang được xây dựng trên quê hương mình.

Ngồi ở độ cao 900m, ăn tạm bát phở 10.000 đồng, chúng tôi thấy đội quân cõng người, cõng vật dụng thuê lẫn trong dòng người đang mồ hôi nhễ nhại tiến về Hương Tích cũng không còn hùng hổ chen lấn như xưa. Mọi thứ dường như tôn nghiêm hơn, có chiều sâu hơn, trật tự hơn... Từ động Hương Tích dậy lên tiếng niệm Phật vang vọng núi rừng của thiện nam tín nữ.

(Theo SGGP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.